Multimedia
Mùa yêu thương
Khi tình yêu đã chín muồi, ai cũng muốn về chung một nhà bằng một lễ cưới truyền thống để chăm cho tình yêu ấy đơm hoa kết trái. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể hiện thực hóa ước mơ ấy một cách dễ dàng, bởi những trở lực của cuộc sống...
Với những bạn trẻ vì điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, trở lực ấy càng lớn hơn. Vì thế, sự chia sẻ đúng lúc của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng bằng chương trình "Lễ cưới tập thể đoàn viên", đã đưa ước mơ của những cặp đôi ấy thành hiện thực, để tình yêu được chăm chút vẹn toàn...
4 giờ kém ngày 2-12, anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1987, quê Quảng Nam) nhẹ nhàng lay người bạn đời Nguyễn Thị Thảo (SN 1990, quê Quảng Trị) dậy để chuẩn bị cho ngày vui trọng đại của cuộc đời. Rời hơi ấm mẹ, cô con gái nhỏ Anna òa khóc.
Căn phòng trọ nhỏ xíu trên đường Phạm Như Xương sáng đèn. Ông bà ngoại của bé, bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1948) và ông Nguyễn Văn Dàng (SN 1945) vội vàng dỗ dành cháu giúp con gái. Tranh thủ lúc vợ đến tiệm trang điểm để trở thành “cô dâu mới”, Thuận tất tả mua cháo cho con, đón người anh vợ ở tỉnh Đắk Lắk về chung vui rồi gấp rút sửa soạn hành trang...
7 giờ 30 phút, Thuận và người thân có mặt tại Nhà Văn hóa Lao động thành phố. Cùng lúc, chiếc xe chở Thảo và 3 cặp đôi khác cùng tham gia chương trình “Lễ cưới tập thể đoàn viên năm 2018” vừa đến.
Thuận háo hức chia sẻ: “Từ chiều ngày 1-12, mình thấy LĐLĐ thành phố đăng ảnh chuẩn bị, trang hoàng cho buổi lễ hôm nay là chộn rộn lắm rồi, muốn đi luôn lúc ấy. Vậy là cả đêm cứ thao thức, mong chờ, chẳng ngủ được”.
Một góc khác, chị Lê Thị Hà (SN 1990) đang chăm chút sửa lại vạt áo, chỉnh lại khăn đóng cho anh Đỗ Trọng Khôi (SN 1982, cùng quê Thanh Hóa). Bất chợt, Hà nắm lấy tay Khôi, thủ thỉ: “Anh ơi, hôm nay, chúng ta về chung một nhà rồi”. Một tay của Khôi siết chặt đôi tay của Hà, tay còn lại nhẹ nhàng vỗ về bờ vai Hà để trấn an cảm xúc. Mọi thanh âm rộn ràng dường như lặng yên trong khoảnh khắc ấy - khoảnh khắc Khôi và Hà nhìn nhau, mắt cười mà loang loáng vệt nước...
Nắng sớm hôm ấy rực rỡ hơn hẳn những ngày trước đó, nắng như làm rạng rỡ thêm nụ cười tươi tắn của Thuận – Thảo, Huy – Quế, Khôi – Hà, Thành – Thư. Nụ cười ngập tràn khi các cặp đôi “dâu hiền, rể thảo” bước lên những chiếc xích lô khởi đầu cho một hành trình mới – chính thức về chung một tổ ấm.
Nụ cười len lỏi ở những cái nắm tay sẻ chia cảm giác bồi hồi cùng nhau. Nụ cười lan tỏa trong những cái ôm chúc phúc, trong từng khoảnh khắc người thân sửa cái áo, chỉnh cái hoa. Nụ cười đọng lại trong những giọt nước mắt hạnh phúc. Nụ cười, có lẽ, sẽ còn kéo dài đến nhiều ngày sau này, trong ký ức không thể nào phai nhòa của những đôi uyên ương mới...
Nụ cười ấy, càng rạng rỡ hơn trong niềm hạnh phúc sau những ngày dài trăn trở, lo toan về một ngày đoàn viên vì không có kinh phí để tổ chức lễ ra mắt bạn bè cho đủ lễ, đủ nghĩa. Những ngày dài ngại ngùng khi có con rồi mới làm đám cưới...
Trong niềm vui chính thức trở thành chú rể, Thuận hồi tưởng về ngày đầu gặp Thảo vào năm 2015, trong cuộc gặp mặt giữa người bạn “trước lạ sau quen”. Duyên số giữa đôi bạn trẻ bắt đầu từ khi ấy, rút ngắn quãng đường ngót nghét 200 cây số từ Hải Lăng (Quảng Trị) về Ái Nghĩa (Quảng Nam).
Gần 3 năm quen nhau, Thảo và Thuận đã đăng ký kết hôn và nghĩ đến việc sẽ có một đám cưới trọn vẹn với mâm quả, với cau trầu, với nụ cười rạng rỡ của gia đình và sự góp mặt của bạn bè gần xa. Thế nhưng, do áp lực mưu sinh, gia đình hai bên khó khăn và bố mẹ đã lớn tuổi mà ước mơ ấy cứ lặng lẽ trôi đi theo tháng ngày. Riêng chỉ có hạnh phúc thì vẫn đơm hoa, kết quả với một em bé kháu khỉnh chào đời vào năm 2017.
Sang năm 2018, sau bao buổi lần lữa chuyện cưới hỏi, vợ chồng Thuận – Thảo quyết định sẽ có một lễ kết hôn giản đơn nhưng trọn vẹn vào cuối năm. Và rồi, “cái duyên” của đôi uyên ương với chương trình “Lễ cưới tập thể đoàn viên” năm 2018 cũng bắt đầu từ đó.
“Đó là một buổi chiều khi Thảo đi làm về, tình cờ thấy một bức băng-rôn treo nổi bật, trên ấy ghi thông tin về lời kêu gọi tổ chức một lễ cưới tập thể dành cho các đối tượng đoàn viên, công nhân… khó khăn như hai vợ chồng mình. Hai vợ chồng đọc một hồi mới biết đã quá hạn đăng ký tham gia. Tuy nhiên, khi liên hệ với LĐLĐ thành phố, được các anh chị hướng dẫn nhiệt tình thì vợ chồng mình đã được gia hạn đăng ký”, Thuận kể lại.
“Khi nguyện vọng của hai vợ chồng được chấp thuận, cả hai đã rất vui, hồi hộp mong chờ đến ngày lễ cưới được cử hành. Đây sẽ là ngày cưới duy nhất, đặc biệt và trọng đại của cuộc đời mình”, Thảo cười rạng rỡ.
Thuận bảo, anh khắc ghi khoảnh khắc nhìn vợ thử nhẫn cưới, khoác lên mình chiếc áo cưới mới tinh. Với hai vợ chồng, khoảnh khắc đó tưởng chừng như không bao giờ đến do cuộc sống vất vả thường nhật. Giữa vòng tay của họ, bé Anna mới hơn 1 tuổi đưa đôi mắt tròn xoe nhìn ba mẹ hạnh phúc.
Căn phòng trọ nhỏ xíu trên đường Mê Linh (phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) ngày ấy cũng chộn rộn hơn hẳn khi người thân cùng tề tựu về giúp đỡ đôi vợ chồng trẻ Phan Minh Huy (SN 1992, lao động tự do) và Đặng Thị Quế (SN 1994, công nhân Công ty TNHH Vina-Kad) sửa soạn, chuẩn bị cho đám cưới như ước ao bao lâu nay của họ.
Anh và chị đều sinh trưởng trong gia đình khó khăn ở 2 miền quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam. Trong khi những người cùng trang lứa vẫn đang miệt mài trên ghế học đường, cả hai đã sớm bươn chải mưu sinh để đỡ đần gánh nặng kinh tế cho mẹ cha. Duyên số run rủi, họ ở cùng một dãy phòng trọ và cùng sẻ chia ngọt, bùi của cuộc sống tha phương lập nghiệp. Lâu dần, tình cảm nảy nở.
Yêu nhau 7 năm, họ nhiều lần bàn tính đến chuyện kết nghĩa vợ chồng nhưng điều kiện kinh tế không cho phép nên lần lữa hết lần này đến lần khác.
Cách đây 4 tháng, được gia đình động viên, anh chị quyết tâm tổ chức lễ cưới nho nhỏ. Chạy vạy vay mượn khắp nơi, anh chị tối giản lễ cưới hết mức có thể - không ảnh cưới, không váy áo lộng lẫy, cũng không dám mời bạn bè chung vui. Đám cưới chỉ là mâm cơm đơn sơ cúng ông bà và ra mắt cha mẹ, họ hàng hai bên. Vậy mà, bấy nhiêu đó cũng khiến họ lo lắng, thao thức ngày đêm.
“Ba mẹ của anh đều đã lớn tuổi nên anh phải nghỉ việc để về quê chở ba mẹ đi mời họ hàng. Hai đứa vừa tổ chức cưới vừa run, cứ sợ không biết khi nào mới có thể trả hết nợ”, chị cười nhớ lại. Với chị, hạnh phúc lúc ấy không phải là trở thành cô dâu mới mà là thở phào nhẹ nhỏm vì vẫn có thể giữ lại chiếc vòng tay mẹ tặng sau khi đã bán hết quà cưới của mọi người.
Vì vậy, khi biết đến chương trình “Lễ cưới tập thể đoàn viên năm 2018” do LĐLĐ thành phố tổ chức, chị về kể với chồng. Đêm ấy, họ nắm chặt tay nhau, không nói lời nào. Rồi niềm vui vỡ oà trong giọt nước mắt mừng tủi khi đơn đăng ký tham gia của họ được xét duyệt. Niềm vui nối dài đến tận những ngày sau này.
Anh Huy cười bảo: “Từ hôm biết sẽ tham gia “Lễ cưới tập thể đoàn viên”, ngày nào vợ cũng xem lịch để đếm còn bao nhiêu ngày. Còn hôm trước ngày thử đồ cưới, nhẫn và chụp ảnh cưới, vợ thao thức, trằn trọc cả đêm không chịu ngủ vì nôn nao”. Chị nhìn anh, mắt lấp lánh hạnh phúc...
Lễ cưới tập thể được LĐLĐ thành phố tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 nhằm hỗ trợ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) khó khăn có một lễ cưới sum vầy, trọn vẹn cũng như tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi. Sau 2 lần tổ chức vào năm 2015 và 2016, có 13 cặp đôi đã được hiện thực hoá giấc mơ về một lễ cưới đầm ấm, trang trọng trong sự chúc phúc của người thân, bạn bè.
Ban đầu, nhiều gia đình, cặp đôi vẫn còn e dè với lễ cưới mang tính chất tập thể bởi cho rằng đám cưới là chuyện trọng đại, phải làm cho tươm tất với nhiều nghi lễ. Vì vậy, những người tham gia tổ chức đã dành nhiều tâm huyết tuyên truyền rộng rãi về chương trình đến từng cấp Công đoàn. Bên cạnh đó, có không ít trường hợp đã chung tổ ấm nhiều năm, có con cái đề huề nhưng vì nhiều lý do mà không thể tổ chức đám cưới. Dẫu ước ao có một đám cưới “cho bằng bạn bè” nhưng họ lại có tâm lý rụt rè. Lúc này, ban tổ chức lại dành thời gian tâm sự, tỉ tê, động viên các cặp đôi “cởi bỏ” sự e ngại.
Với mong muốn tổ chức lễ cưới ngày càng hiệu quả, những năm qua, LĐLĐ thành phố không ngừng nỗ lực thay đổi, hoàn thiện. Theo ông Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, Trưởng ban Tổ chức chương trình “Lễ cưới tập thể đoàn viên năm 2018”, năm nay, tên gọi “Lễ cưới tập thể” đã được thay đổi thành “Lễ cưới tập thể đoàn viên”. Đây là một trong những điểm mới của chương trình nhằm mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng là tất cả đoàn viên, CNVCLĐ đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong đó, một trong hai người đăng ký tham gia phải là đoàn viên Công đoàn trực thuộc.
Đặc biệt, năm nay, LĐLĐ thành phố hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức cưới cho các cặp đôi, gồm: xe hoa, bánh, hoa cầm tay, chụp ảnh, quay phim, trang điểm, trang phục, nhẫn cưới, phòng ngủ đêm tân hôn tại khách sạn 3 sao, 5 cặp vé xem chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng quyến rũ” tại Charming Đà Nẵng, kinh phí chụp bộ ảnh cưới cá nhân cùng nhiều phần quà của các nhà tài trợ.
Lễ cưới tập thể đoàn viên tạm khép lại trong nụ cười xen lẫn nước mắt hạnh phúc sau khi các đôi uyên ương hoàn thành nghi lễ, mở ra một hành trình mới đong đầy yêu thương và trách nhiệm. Từ giây phút thiêng liêng trao nhẫn cưới cho người mình thương, họ đã gắn kết cuộc đời với nhau, cùng sẻ chia ngọt bùi lẫn đắng cay của cuộc sống ở phía trước.
Những món quà chúc phúc tại lễ cưới vẹn tròn yêu thương này sẽ giúp các đôi uyên ương có thêm chút vốn cho hành trang xây tổ ấm của riêng mình. Hơn hết, niềm vui rạng rỡ của họ cũng đang lan toả giấc mơ về một lễ cưới ấm áp cho các cặp đôi đoàn viên Công đoàn khác có cùng cảnh ngộ. Những năm sau, có lẽ, sẽ có thêm nhiều nụ cười lứa đôi nắm chặt tay nhau tại lễ cưới tập thể...