Multimedia

Mang yêu thương đến với người nghèo

10:53, 23/01/2019 (GMT+7)

 

 

Mỗi năm trôi qua, bên cạnh sự thay da đổi thịt của phố thị, vẫn còn những phận người loay hoay trong vòng xoáy mưu sinh. Mặc cho họ tần tảo, lam lũ mỗi ngày, cái khốn khó vẫn cứ bám riết chẳng buông. Lại có những tổ ấm thoáng chốc liêu xiêu bởi biến cố cuộc đời bất ngờ ập đến. Giữa bão tố ấy, may mắn đã mỉm cười với họ, khi có những bàn tay kịp thời động viên và trao cho họ cơ hội để cải thiện cuộc sống...

 

Họ ở đây có bà Võ Thị Hồng Đức (SN 1957, phường Thuận Phước, quận Hải Châu), người giáo viên mầm non chịu thương chịu khó, vừa say mê với bục giảng, vừa cố gắng tăng thu nhập với bầy heo. Thế nhưng, cuộc sống gia đình vẫn hụt trước, nợ sau khi chồng, các con và cha mẹ đều ốm đau liên miên. Bao nhiêu tiền bạc đều đổ dồn vào thuốc men, khoản nợ ngày càng chất chồng, mái nhà thêm xiêu vẹo, ngổn ngang...

Họ ở đây, tựa như nỗi nhọc nhằn của người phụ nữ đơn thân Lưu Thị Hoa (ngụ tổ 25, phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn). Không chịu nổi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của nghề nông mà vẫn phải chạy ăn từng bữa, chồng của bà đã bỏ nhà đi khi đứa con thứ 3 vừa được 2 tuổi. Từ đó, bà vừa là mẹ, vừa là cha, làm đủ mọi nghề để kiếm tiền nuôi con, từ làm ruộng, nuôi heo đến phụ hồ... Những đứa trẻ thương mẹ cũng vội đỡ đần gánh mưu sinh từ thưở nhỏ, lăn xả xúc đất, bó lúa... Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” tưởng chừng có lúc khiến trẻ thơ phải dang dở chuyện học hành...

Những phận người chênh vênh có cả nỗi bất lực khi lao động chính trong một gia đình có 9 nhân khẩu Huỳnh Bá Dũng (con liệt sĩ thuộc diện hộ nghèo, SN 1969, ngụ tổ 23 phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) bỗng dưng nằm một chỗ vì chứng thoái hóa cột sống dai dẳng, đến mức bị liệt một thời gian. Mẹ già ốm đau, chị và em trai tai biến, 4 con thơ nheo nhóc tưởng chừng như rơi vào khoảng lặng im hụt hẫng...

Danh sách ấy còn dài dằng dặc. Dẫu hoàn cảnh, nỗi nhọc nhằn khác nhau nhưng họ đều cùng chung giọt nước mắt bất lực, chưa bao giờ dám mơ về tương lai với viễn cảnh tươi sáng hơn.

 

 

Vậy mà, giờ đây, bà Đức đã trở thành bà chủ dịch vụ nấu ăn cho các đám tiệc. Những đứa con của bà Hoa đã gặt hái quả ngọt trên con đường học vấn và có việc làm ổn định. Tổ ấm của anh Dũng trở lại tràn ngập tiếng cười như những ngày xưa. Và tất cả, đều có một mái nhà che nắng che mưa khang trang, kiên cố.

Để có được sắc màu hạnh phúc này là nhờ thời gian qua, chính quyền các cấp Đà Nẵng luôn đồng hành cùng người nghèo bằng các chính sách trợ giúp mang tính thiết thực, toàn diện và hiệu quả. Từ chỗ chủ yếu lo giảm nghèo về lương thực, thành phố đã tiến đến giảm nghèo theo hướng đa chiều, hầu hết hộ nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản (ăn mặc, ở, đi lại, học hành, việc làm, chữa bệnh, môi trường sống, nước sạch, thông tin...

Bà Đức chia sẻ, tỏ tường tay nghề nấu ăn của bà, chính quyền địa phương đã động viên bà thử sức với mô hình dịch vụ nấu ăn cho các đám tiệc. Thế là, ở độ tuổi 57, bà quyết định mạnh dạn… khởi nghiệp. Tiếng lành đồn xa, từ việc nấu nướng một mình lúc ban đầu, đến nay, sau 4 năm, dịch vụ nấu ăn của bà Đức đã trở nên “nổi tiếng” trên địa bàn phường Thuận Phước và nhiều địa phương khác. Hầu như ngày nào, gia đình bà và các nhân công cũng tất bật với bếp núc.

Thu nhập ổn định từ dịch vụ nấu ăn không chỉ giúp gia đình bà vượt qua nghịch cảnh, xây dựng căn nhà mới khang trang mà còn tạo việc làm cho nhiều trường hợp khó khăn trên địa bàn phường với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Năm 2017, gia đình bà chính thức thoát nghèo sau hàng chục năm.

Trong khi đó, chính quyền phường Hoà Quý luôn đồng hành với bà Hoa trong cuộc chiến thoát nghèo, khi thì dăm ba vật dụng học tập, lúc là học bổng động viên, khi lại tặng xe đạp... cho các em nhỏ. Khi ngôi nhà dột nát của 4 mẹ con bị sập, chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ 15 triệu đồng để cùng chung tay khắc phục. Sự quan tâm đúng lúc này trở thành động lực to lớn, giúp những đứa trẻ vượt qua khó khăn chất chồng về điều kiện kinh tế, kiên trì theo đuổi việc học và có công việc ổn định về sau.

 

Tương tự, nắm bắt kịp thời hoàn cảnh của gia đình anh Dũng, địa phương không chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế, học bổng mà còn trao “cần câu” là kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh và kỹ thuật sản xuất nấm rơm, nấm bào ngư.

Bên cạnh đó, phường Hòa Quý còn hỗ trợ kinh phí hơn 10 triệu đồng, tạo điều kiện để gia đình anh vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 30 triệu đồng. Những việc làm này đều nằm trong đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm đối với nông hộ không còn đất sản xuất giai đoạn 2011-2020” của quận Ngũ Hành Sơn.

 

Từ đó, vợ chồng anh Dũng mạnh dạn đầu tư sản xuất nấm bào ngư tại nhà, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Sau này, khi việc sản xuất nấm gặp khó khăn, anh bắt đầu đẩy mạnh việc kinh doanh, chăm sóc cây cảnh trên khu đất 200m2 trong vườn nhà. Bên cạnh đó, anh còn mở rộng thêm nghề làm chậu cây cảnh để có thêm nguồn thu cho gia đình.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Đình Hoàng, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, thành phố đã ban hành nhiều văn bản mang tính đột phá có sức lan tỏa sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, huy động cả cộng đồng vào cuộc. Đặc biệt, chuẩn nghèo của thành phố luôn cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 20-30% và hoàn thành mục tiêu về đích trước thời hạn 1-2 năm.

Bên cạnh đó, thành phố luôn đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực trợ giúp cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn. Cùng với bố trí kinh phí thực hiện đầy đủ các chính sách trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội do Trung ương quy định, thành phố đã nâng mức chuẩn hỗ trợ hằng tháng lên 350.000 đồng/người; đồng thời mở rộng ra một số nhóm đối tượng khó khăn khác.

Hiện nay có hơn 4.900 đối tượng thụ hưởng với kinh phí trên 22 tỷ đồng/năm. Thành phố cũng đã ban hành các chính sách ưu tiên về bảo hiểm y tế, nhà ở, giáo dục, sinh kế... đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng núi, chủ yếu ở xã Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang)...

 

Song song đó, hệ thống các chính sách giảm nghèo của thành phố được xây dựng một cách đồng bộ, mang tính tích hợp, toàn diện trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội dựa trên tình hình thực tế của địa phương và hoàn cảnh điều kiện của từng hộ nên có tác động tích cực giúp hộ nghèo thoát nghèo nhanh.

Để hệ thống các chính sách giảm nghèo của thành phố cũng như các giải pháp trợ giúp đạt hiệu quả cao ở thực tiễn, không thể không kể đến sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị. Trong đó, có sự đóng góp thầm lặng của nhiều cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo.

Ông Nguyễn Đức Phú Sỹ, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo phường Bình Hiên (quận Hải Châu) chia sẻ, với mong muốn các giải pháp trợ giúp ngày càng hướng đến tính thiết thực, bền vững, gắn với sự nỗ lực vươn lên của từng hộ, đầu mỗi năm, Ban chỉ đạo giảm nghèo (CĐGN) của phường sẽ mời các hộ dự kiến thoát nghèo tại đại phương đến đối thoại.

“Buổi đối thoại có sự tham gia của đại diện Phòng Lao động, Thương binh và xã hội quận, bí thư chi bộ, tổ trưởng các tổ dân phố… Tại đây, mỗi người dân sẽ trình bày tâm tư, nguyện vọng để Ban CĐGN xem xét hỗ trợ”, ông Sỹ cho hay.

Sau khi lắng nghe, Ban CĐGN phường tiến hành khảo sát thực tế, xác minh hoàn cảnh và có những giải pháp hỗ trợ cụ thể, như: tín dụng ưu đãi, góp vốn quay vòng, hỗ trợ tư liệu, phương tiện sản xuất, giống cây trồng, con vật nuôi... Từ đó, tạo nên sự chủ động vươn lên thoát nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo và khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo.

Trong khi đó, để có nguồn kinh phí hỗ trợ hội viên nghèo, Hội LHPN phường Hải Châu 1 đã triển khai nhiều cách làm năng động. “Bên cạnh việc vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, chúng tôi còn huy động nguồn lực tại chỗ bằng các mô hình: Tiết kiệm nuôi heo đất, thu gom và bán phế liệu gây quỹ, tổ chức bán hàng đấu giá, giao lưu ẩm thực...”, Chủ tịch Hội LHPN phường Hải Châu 1 Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.

Đặc biệt, ông Thái Đình Hoàng nhấn mạnh, việc làm là giải pháp quan trọng tạo điều kiện để hộ nghèo thoát nghèo nhanh và bền vững. Vì vậy, cùng với việc ban hành và thực hiện chính sách tư vấn, đào tạo nghề miễn phí cho con em hộ nghèo, vận động các doanh nghiệp ưu tiên tiếp nhận lao động thuộc hộ nghèo vào làm việc, tổ chức hội chợ việc làm tại các vùng nghèo, xã nghèo để người nghèo có cơ hội tiếp cận việc làm; thành phố còn chú trọng đầu tư phát triển các mô hình đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ.

 

Đơn cử, xuất phát từ nhu cầu thực tế, Hội LHPN phường Hải Châu 1 đã triển khai mô hình “Tổ dịch vụ giúp việc gia đình”. Theo bà Cúc, sau khi từng tổ dân phố nắm thông tin, lập danh sách các chị em có thể đảm đương công việc này, Hội liên hệ với một số đơn vị, doanh nghiệp hay những hộ gia đình trên địa bàn để giới thiệu việc làm, tạo thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, giúp nhiều chị có việc làm ổn định với thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng.

Ông Hoàng khẳng định: “Các mô hình trên đã tận dụng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời phù hợp với tính đặc thù, khả năng của người nghèo nên đã phát huy hiệu quả, tạo được nhiều chỗ làm việc mới, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo”. Riêng Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 thành phố sớm về đích trước 2 năm.

Có thể nói, với nhiều cách làm thiết thực và sáng tạo, chính quyền các cấp thành phố Đà Nẵng đã thật sự trở thành điểm tựa cho người nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội tại địa phương.

 

.