Multimedia
Để nghề dệt thổ cẩm Cơ tu "sống" lại
Cứ đến thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, sau những giờ lên nương rẫy, 20 chị em trong Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Cơ tu (gọi tắt là tổ hợp tác) thuộc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí lại tập trung tại nhà Gươl để dệt vải.
Tiếng lách cách từ khung dệt vang lên đều đều theo nhịp tay của các chị. Những đôi tay hàng ngày quen với việc phát nương, làm rẫy đầy thô ráp nhưng khi ngồi bên khung dệt, những đôi tay ấy trở nên mềm mại, khéo léo và tỉ mẩn để luồn từng hạt cườm, se từng sợi chỉ.
Đôi mắt các chị to tròn, đen láy dõi theo từng sợi chỉ trên khung dệt, lúc nào cũng ánh lên tia sáng long lanh, với một khát khao duy nhất là khôi phục nghề dệt vải truyền thống đã mai một từ lâu.
Vừa quấn chỉ, chị Nguyễn Thị Mai (SN 1977, thôn Tà Lang), thành viên tổ hợp tác kể: “Chúng tôi lớn lên trong sự mơ hồ về nghề dệt truyền thống. Những năm trước, chị em phụ nữ chúng tôi chỉ biết lên nương rẫy chứ không hề biết đến nghề dệt, không biết khung dệt hình dáng ra sao. Qua phương tiện truyền thông, tôi thắc mắc vì sao đồng bào Cơ tu như mình ở huyện Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) dệt vải đẹp quá, khéo quá mà chúng tôi không làm được. Từ đó mới thấy nghề dệt trong cộng đồng người Cơ tu ở Hòa Bắc đã thất truyền từ lâu…”.
Trước thực trạng ấy, từ năm 2018, với định hướng phát triển du lịch cộng đồng, xã Hòa Bắc đã đưa nghề dệt vào một trong 6 nhóm nghề để phục vụ du lịch cộng đồng. Trong đó, chủ trương khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào địa phương.
Đầu năm 2018, xã Hòa Bắc thành lập Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Cơ tu với sự tham gia của 20 phụ nữ thuộc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Trên cơ sở đó, UBND huyện Hòa Vang phối hợp với xã Hòa Bắc tổ chức 2 lớp dạy nghề cơ bản và nâng cao cho các thành viên tổ hợp tác với sự giảng dạy của 2 nghệ nhân dệt thổ cẩm ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam).
Nghệ nhân Alăng Thị Phương (SN 1978, trú thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) là một trong hai người trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho các chị em. Theo bà Phương, nghề dệt là nghề không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại mà còn cần sự tỉ mỉ, khéo léo, tinh tế của người thợ. Để dệt ra một tấm vải chắc chắn, đẹp và cân đối, người thợ dệt phải thật sự chăm chú, dành nhiều tâm huyết cho sản phẩm. Mặt khác, để cho ra những tấm vải với hoa văn đẹp mắt, độc đáo, người thợ cần sự tinh tế, năng khiếu thẩm mỹ.
Bà Phương kể lại, những ngày từ huyện Đông Giang xuống Hòa Bắc, bà Phương phải ăn ở cùng với chị em để dạy nghề. Những buổi học đầu tiên, chị em được làm quen với khung dệt, với sợi chỉ, hạt cườm. Những ngày tiếp theo, bà Phương dạy cách se chỉ, căng khung và dệt những đường đầu tiên. “Chị em phụ nữ vốn trước giờ chỉ quen với việc phát rẫy, làm nương nên khi ngồi bên khung dệt, không ít người lúng túng, không quen. Nhưng rồi ngày qua ngày, chị em dần quen việc và thành thạo hơn. Nhìn những tấm vải đầu tiên được dệt bởi bàn tay của chị em, tôi hạnh phúc lắm”, bà Phương kể.
Tuy nhiên, cũng theo bà Phương, vì thời gian các lớp học ngắn nên việc truyền đạt hết những kỹ năng, kinh nghiệm dệt cho chị em còn hạn chế. “Để chị em thành thạo hơn trong mọi kỹ năng, nhất là kỹ năng tạo hoa văn, đính cườm, tôi nghĩ cần tổ chức thêm một đợt học nâng cao nữa để chị em hoàn thiện hết mọi kỹ năng”, bà Phương nói.
Cuối tuần miệt mài bên khung dệt, chị Nguyễn Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tà Lang, Tổ trưởng tổ hợp tác chia sẻ: “Vải dệt có hoa văn, kích thước tùy theo yêu cầu của khách. Từ vải mà có thể làm khăn choàng, ba lô. Hoa văn thường được đính cườm, dệt tên, dệt chữ, dệt hình hoa, chim, thú…”.
Chị kể, ngày đầu được nghệ nhân Alăng Thị Phương truyền dạy, ai cũng lúng túng vì… khó quá, bởi mọi công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo. Dần dần, sau hơn 1 năm kiên trì, các chị em cũng nắm được những kỹ thuật cơ bản để cho ra tấm vải hoàn thiện.
Chị Lan kể, để ra được một tấm vải hoàn thiện cần từ nửa tháng đến 1 tháng tùy kích thước và thời gian ngồi dệt. Dệt vải trơn đã khó, việc phối màu vải, đính cườm, dệt hoa văn càng khó và tốn thời gian gấp nhiều lần. Vì làm thủ công, không có máy móc nên giá bán cũng sẽ cao hơn chỗ khác.
Đồng tình với chị Lan, chị Nguyễn Thị Nga (thôn Giàn Bí) kể: “Mỗi lần dệt phải tập trung để cho ra tấm vải đẹp, không lỗi, nếu lỗi một chi tiết thì coi như bỏ cả tấm. Nếu không đủ kiên nhẫn, không yêu cái nghề của dân tộc mình, có lẽ mọi người đã bỏ cuộc từ lâu”.
Mất hơn 1 năm để những đôi tay vốn quen việc nương rẫy thành thạo với nghề dệt vốn dĩ là của họ. Từ những thước vải “đầu đuôi xô lệch”, thô cứng ban đầu, họ đã làm nên những sản phẩm đẹp, hữu dụng, có những đơn đặt hàng đầu tiên. Chẳng hạn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã đặt may 63 cái ba lô thổ cẩm cho học sinh. Hay như dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hòa Bắc mới đây, các chị cùng nhau dệt nên hơn 200 chiếc khăn choàng theo đơn đặt hàng của xã.
Từ nghề dệt, các chị em có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, thậm chí đi theo nghề lâu dài. Như chị Nga kể, tháng 6-2019, chị được xã hỗ trợ sinh kế là chiếc máy may. Từ đây, chị nhận may, sửa áo quần tại nhà. “Không có dịch Covid-19 thì chắc tôi đã đăng ký đi học thêm khóa may nữa, nhưng dự định gác lại. Có lẽ, được học, được trở về với nghề dệt truyền thống của tổ tiên để lại là một niềm vui và tôi hoàn toàn yêu thích nó”, chị Nga cho biết.
Học được nghề, các chị cũng đang ra sức lưu giữ, truyền nghề cho thế hệ sau. Chị Nguyễn Thị Mai có cô con gái đang học cấp 2, chia sẻ: “Tôi bày con mình, cũng như cháu mình biết dệt để tiếp nối nghề truyền thống, để nghề không thất truyền và lãng quên như nhiều năm qua”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân cho biết, trước những thành công bước đầu trong việc khôi phục nghề dệt, UBND xã Hoà Bắc đã và đang triển khai nhiều hoạt động để nghề dệt thật sự “sống” lại trong cộng đồng người Cơ tu ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí.
Khoảng 2 năm trở lại đây, khi các thành viên trong tổ hợp tác đã làm ra được những sản phẩm ban đầu, UBND xã Hòa Bắc phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt của người Cơ tu tại các hội chợ, triển lãm hàng Việt.
Bên cạnh đó, xã Hòa Bắc cũng cử 4 chị trong tổ hợp tác đi học thêm nghề may để phục vụ việc may các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các đơn đặt hàng và thị trường. Địa phương cũng tích cực kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức để tiếp tục tổ chức các lớp dạy nghề để nâng cao kỹ năng, mở rộng nhân lực, kết nối thêm thành viên tham gia vào tổ hợp tác.
Để sản phẩm dệt thổ cẩm của người Cơ tu ở Hòa Bắc dần chuyên nghiệp hóa, xã Hòa Bắc phối hợp với huyện Hòa Vang đã làm hồ sơ gửi Sở Công thương để đăng ký thương hiệu, nhận diện logo đối với sản phẩm dệt thổ cẩm Hòa Bắc. Cũng theo ông Nhân, xã Hoà Bắc đang nghiên cứu và xin chủ trương từ UBND huyện để xây dựng nhà sinh hoạt làng nghề.
“Hiện nay, người dân chủ yếu dệt tại nhà, chưa có nơi cố định để làm việc. Làm tại nhà có thuận lợi là người dân vừa làm được việc nhà, vừa tranh thủ lúc rảnh rỗi để dệt. Tuy nhiên, vì làm tại nhà nên các thành viên không có sự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức. Mặt khác, vì làm tại nhà nên hiệu quả công việc không cao, tính chuyên nghiệp không đạt”, ông Nhân lý giải.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại (trực thuộc Sở Công thương thành phố) Lê Thanh Hạ, trung tâm luôn tạo điều kiện để giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của người Cơ tu tại xã Hòa Bắc ra thị trường, tiếp cận với đông đảo khách hàng.
Thông qua các đợt hội chợ hàng Việt, hội nghị kinh tế, trung tâm tích cực hỗ trợ cho người dân Cơ tu thông qua các hình thức: bố trí gian hàng để giới thiệu sản phẩm, dựng mô hình nhà Gươl để quảng bá hình ảnh truyền thống của người Cơ tu, mời các thành viên trong tổ hợp tác dệt trình diễn nghề dệt, trình diễn múa tung tung da dá… Qua đó, dần đưa hình ảnh của người dân Cơ tu nói chung, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu nói riêng đến với đông đảo người dân, du khách.
Tuy nhiên, ông Hạ cũng nhìn nhận: “Hiện nay, các sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân Cơ tu vẫn còn hạn chế về mẫu mã, hoa văn, độ tinh xảo so với sản phẩm dệt của các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, vì làm thủ công nên giá thành sản phẩm khá cao, khó cạnh tranh được với sản phẩm của người dân Cơ tu các địa phương khác”. Mặt khác, dù Trung tâm đã tích cực hỗ trợ để giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm trong các hội chợ, tuy nhiên người dân Cơ tu vẫn còn giới hạn phạm vi tham gia, chỉ tham gia các hội chợ trên địa bàn thành phố, chưa mạnh dạn tham gia các hội chợ tại các tỉnh, thành khác.
Một khó khăn nữa đối với nghề dệt truyền thống ở Hòa Bắc nói riêng, hoạt động phát triển kinh tế cho nhân dân Tà Lang, Giàn Bí nói chung chính là đường sá, hạ tầng từ “xuôi” lên 2 thôn còn nhiều trắc trở. Tuyến đường men theo nhánh sông Cu Đê vẫn những lối đi gập ghềnh, lăm dăm đá sỏi và bùn đất. Như Phó Chủ tịch UBND xã Trương Thanh Nhân nhìn nhận, chính điều này phần nào cản trở sự phát triển du lịch của địa phương và cần thêm thời gian để mọi thứ thật sự “vào guồng”.
Mặc dù khó khăn và thuận lợi vẫn còn ở phía trước, song công tác khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống của người Cơ tu ở Hòa Bắc vẫn đang được chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang quyết tâm hồi sinh và phát triển. Bởi đây chính là giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo - là niềm tự hào của người dân Cơ tu nơi đây.