Multimedia

Bảo tồn cá niên ở thượng nguồn Cu Đê

13:58, 05/07/2020 (GMT+7)

 

 

 

 

 

Mấy năm gần đây, hình ảnh con cá niên (còn gọi là cá liêng) “bơi từng đàn tán loạn” đã vơi dần trên từng nhánh suối ở núi rừng Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Cá vẫn còn, nhưng hiếm và có nguy cơ biến mất khi nạn tận diệt thủy sản đã và đang diễn ra trên những con nước từ thượng nguồn Cu Đê. 

Con suối sau nhà già làng Bùi Văn Siêng (trú thôn Giàn Bí) nép mình dưới những mỏm đá và cây rừng. Trong ký ức của ông, đấy từng là nơi những con cá niên (tiếng Cơ tu gọi là A xiu hưr liêng) lấp lánh sắc bạc bơi từng đàn qua khe nước trong vắt. Ông kể: “Ngày ấy cá nhiều, lại to. Đứng ở bờ suối đã thấy cả đàn cá “bơi tán loạn”. Lội qua suối lắm khi giẫm trúng cá nhột cả chân. Nếu thả lưới thì chừng nửa giờ đồng hồ là bắt được 15-20kg cá, con to nhất cũng trên nửa ký”.

Cá nhiều, đồng bào Cơ tu đem nấu, nướng, trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cơm, mâm cúng núi. Từ vị ngon của con cá thượng nguồn, hàng loạt món đặc sản ra đời: chiên giòn, làm gỏi, hấp, kho, nấu nghệ… hoặc đơn giản hơn thì nấu nước sôi, thêm tí muối, ớt hiểm rồi thả cá vào; đơn giản nữa thì cứ thả lên than hồng mà nướng.

 

 

“Đặc biệt là món cá niên nướng trên than hồng. Cá niên để nguyên con, xiên que tre dọc thân cá, thả lên bếp than. Lớp vảy cháy xém thơm nồng, mỡ cá chảy ra, nhỏ giọt xuống bếp than kêu xèo xèo. Cầm nguyên con cá niên nướng, chấm muối ớt xanh, cắn một miếng, ngon… khó tả”, già Siêng nhớ lại.

Cũng theo lời già Siêng, cá niên là loài cá rất sạch, chỉ sống được ở nơi dòng nước chảy. Nước chảy càng mạnh, cá càng thích. Cá niên chỉ ăn rong rêu nơi lòng suối chứ không ăn thịt các loài khác. Chưa kể, các dòng sông, suối ở Hòa Bắc thường dốc, thác ghềnh. Để sống được, con cá niên phải bơi vẫy liên tục. Nhờ vậy thịt cá săn chắc, dai ngon, thơm, ngọt nước. Mật và ruột cá có vị đắng đặc trưng. Nhất là mật cá rất đắng, được dùng làm bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày.

 

 

Khoảng chục năm về trước, cá nhiều nhưng đường sá chưa phát triển, việc giao thương còn hạn chế. Bà con Cơ tu bắt cá niên chủ yếu để phục vụ bữa ăn, không bán. Vài năm trở lại đây, đường sá được nâng cấp, việc giao thương, đi lại thuận lợi hơn, “danh tiếng” con cá niên không còn bó hẹp trong phạm vi núi rừng ở thượng nguồn Cu Đê mà lan rộng xuống miền xuôi, vào nhà hàng, thành đặc sản.

 

 

“Mà đặc sản thì giá sẽ cao. Mỗi kg cá niên bây giờ dao động từ 250.000 đến 300.000 đồng một kg, nhưng rất hiếm. Chỗ nào khó khăn lắm, xa lắm, con người không đi đến được thì mới còn cá. Những chỗ dễ đi, dễ tìm thì “không còn cái vảy”…”, già Siêng thở dài.

Cũng vì cái giá cao ngất ấy mà sinh ra nạn “tận diệt”. Đồng tình với già Siêng, anh Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Giàn Bí trầm ngâm nhìn về con suối trước mặt. Anh kể, ngày xưa có bắt cá niên cũng chỉ dùng lưới, xiên, chĩa hoặc nỏ - là những phương thức đánh bắt thủ công, thô sơ nhưng giữ được số lượng đàn cá.

 

Còn giờ, lặn mãi cũng không thấy cá nhiều nữa. Cá to, cá nhỏ gì cũng bị người ở nơi khác đến bắt sạch bằng xung điện. Cá dính điện rồi chết trắng suối, có những con không chết thì thương tật, khả năng sinh sản cũng khó... Người Cơ tu ở mình không ai làm thế. Xưa nay bà con vẫn luôn bảo nhau đánh bắt có chừng mực, chỉ bắt cá lớn, không “tận diệt” cả đàn thế này!”, anh Như khẳng định.

 

Sau khi thành công với dự án bảo tồn con cua đá tại Cù Lao Chàm, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (Công tác tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) bén duyên với Hòa Bắc thông qua một dự án cộng đồng. Trong dự án ấy, có một nhiệm vụ quan trọng được “đính kèm” tâm tư và nguyện vọng của người Cơ tu tại Hòa Bắc, đó là bảo tồn loài cá niên đang có nguy cơ biến mất.

Công tác bảo tồn ấy được được “chắp cánh” khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Bắc cũng đang loay hoay tìm giải pháp phát triển sinh kế cho hội viên phụ nữ của xã. Ý tưởng lớn gặp nhau, ông Trinh bắt tay vào triển khai ý tưởng, hỗ trợ Hội LHPN xã viết dự án để tìm nguồn hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thông qua Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ nhỏ (GEF SGP).

 

 

Theo ông Trinh, để bảo tồn cá niên tại các dòng sông, suối Hòa Bắc, người dân Hòa Bắc cần sử dụng kiến thức văn hóa Cơ tu về bắt con cá niên bằng công cụ truyền thống, tránh tình trạng khai thác hủy diệt. Người đi khai thác cá niên trong làng ngồi lại với nhau thảo luận, cùng thống nhất các quy định về kích thước cá được bắt, mùa đánh bắt, số lượng bắt trong ngày hoặc tập trung thành đội, nhóm đội để cùng săn bắt cá một cách phù hợp.

“Điều đáng mừng là khi chúng tôi đề xuất các hướng khai thác ấy thì bà con đều vỗ tay rào rào đồng tình. Hóa ra, từ bao đời nay, đồng bào Cơ tu tại xã Hòa Bắc đã ý thức và luôn bảo vệ, giữ gìn đàn cá niên rồi chứ không phải đợi đến hôm nay”, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh chia sẻ.

 

Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho hay, đây là dự án lớn với nhiều nội dung, trong đó có việc bảo tồn cá niên. Dự án đã được UBND huyện Hòa Vang cơ bản thống nhất và đang trình tổ chức UNDP xem xét, phê duyệt. UBND xã rất kỳ vọng dự án được thông qua để tiến tới bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có bảo tồn loài cá niên, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân.

Cũng theo ông Nam, để từng bước bảo tồn và khôi phục loài cá niên, UBND xã giao lực lượng Công an xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nắm nguồn tin từ nhân dân để xử lý, xử phạt các trường hợp người dân ở nơi khác đến địa bàn xã Hòa Bắc để khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép bằng các hình thức hủy diệt.

 

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân, dự án trên được triển khai tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí có nhiều thuận lợi vì nhân dân 2 thôn đã có kinh nghiệm trong dự án trước đây. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo được sinh kế cho người dân, giúp người dân phát triển cuộc sống trên chính mảnh đất của họ.

 

Dọc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, nhiều bà con nói đùa về sự hiếm của con cá niên những năm qua, rằng: “Có khi nào con cá sợ bị chích điện nên “trốn” hết rồi chăng?”. Họ, với cái tâm lành, một lòng một dạ tin vào núi rừng, sông suối vẫn luôn dặn nhau, bảo ban thanh niên, con cháu trong làng phải giữ gìn giá trị mà thiên nhiên ban tặng, cụ thể là loài cá niên.

Ông Nguyễn Văn Lân (người dân thôn Giàn Bí) cho biết, để bảo tồn và phát triển loài cá niên, bản thân ông cũng như hầu hết người dân Cơ tu đều thống nhất không sử dụng xung điện để đánh bắt cá để tránh gây hủy duyệt, thay vào đó là dùng lưới mùng lớn để bắt cá đã trưởng thành.

Đồng thời, bà con khuyến khích nhau không bắt cá mùa sinh sản (tháng 3 đến tháng 4 âm lịch), chỉ bắt cá trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12 âm lịch và chỉ bắt cá đã đủ trọng lượng cho phép từ 0,3 đến 0,5kg. Bên cạnh đó, họ cũng kiến nghị thành lập tổ cộng đồng chung tay bảo vệ loài cá niên.

 

 

 

 

.