Multimedia

Tín hiệu khởi sắc về xuất khẩu

20:49, 26/12/2020 (GMT+7)

 

 

 

Kết thúc năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư ước đạt hơn 1,563 tỷ USD. Mặc dù có giảm so với năm 2019 do tác động tiêu cực của dịch bệnh và thiên tai nhưng điểm sáng tích cực trong hoạt động xuất khẩu của thành phố đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành được thành phố ưu tiên tập trung phát triển từng bước đi vào chiều sâu. Trong đó, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chuyển dịch theo hướng các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

 

 

Dù Covid-19 khiến các ngành sản xuất nói trên cùng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các ngành này phải chịu ảnh hưởng lớn, nhưng ước tính tỷ trọng các ngành/sản phẩm có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật cao, giá trị gia tăng cao, thuộc các nhóm ngành ưu tiên trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2020 vẫn có sự tăng trưởng 1,1% so với năm 2019.

 

Một điểm sáng nổi bật trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động xuất khẩu của thành phố Đà Nẵng trong năm 2020 đó là ngành công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục cho thấy sự bứt phá với mức tăng trưởng ấn tượng, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin năm 2020 ước đạt 14.053 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 97 triệu USD, tăng 9%.

Bên cạnh đó, sau một thời gian dài để khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm ưu thế trong cán cân kim ngạch xuất khẩu của thành phố, những năm gần đây, khu vực kinh tế trong nước có sự bứt phá đáng kể, rút ngắn khoảng cách với khối doanh nghiệp FDI và vươn lên khẳng định vai trò động lực cho sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 641 triệu USD.

 

 

Trên lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, năm 2020, Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng sụt giảm gần 30% tổng doanh thu nhưng theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng Nguyễn Quan Hoàng, những tháng cuối năm, tình hình đã khởi sắc hơn khi các đơn hàng dần được kết nối trở lại, nhờ đó đơn vị vẫn duy trì được việc làm cũng như các chế độ lương, thưởng cho hơn 1.000 công nhân đang làm việc, nhất là khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần.

“Với những nỗ lực của chính quyền thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua cũng như các chính sách thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tôi tin rằng bước sang năm 2021, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chúng tôi sẽ bắt nhịp tăng trưởng trở lại”, ông Nguyễn Quan Hoàng chia sẻ.

 

 

Ở các nhóm ngành sản xuất công nghiệp truyền thống, thủy hải sản là lĩnh vực hiếm hoi ghi nhận những con số tăng trưởng vào thời điểm kết thúc năm 2020. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, đơn vị xuất khẩu hàng đầu của thành phố cho biết, ước tính doanh thu năm nay của doanh nghiệp tăng 5-7% so với năm 2019. Kết quả này có được do thời gian qua công ty mở rộng thị trường ở một số nước châu Âu do nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng mạnh. Bước sang năm 2021, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, tình hình sẽ có nhiều khởi sắc hơn khi dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các quốc gia là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản thành phố như Mỹ, châu Âu…

Theo nhận định của Sở Công thương, kết thúc năm 2020, bên cạnh những khó khăn chung thì hoạt động xuất khẩu của thành phố vẫn đón nhận tín hiệu đáng mừng khi tỷ trọng các ngành và sản phẩm có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật cao, giá trị gia tăng cao, thuộc các nhóm ngành ưu tiên của thành phố tiếp tục gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Phần lớn cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu giữ được tinh thần lạc quan và có được sự chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong tình hình chung đó, để bức tranh xuất khẩu có thêm nhiều nét chấm phá khởi sắc khi bước sang năm mới 2021, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp then chốt.

Động thái tích cực nhất là việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và lựa chọn tư vấn lập, thẩm định, phê duyệt giá trị đề xuất nộp ngân sách tối thiểu đối với 3 khu công nghiệp mới; triển khai đầu tư xây dựng 4 cụm công nghiệp mới; hoàn thành 60% giai đoạn 3 Khu Công nghệ cao và khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao…

 

Công tác quy hoạch mở rộng Khu Công nghệ cao và đề án nghiên cứu chuyển đổi dự án chế biến thủy sản sang thương mại dịch vụ tại Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đang chờ Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phê duyệt để làm cơ sở thực hiện. 

Những nỗ lực này góp phần quan trọng giải quyết các bài toán về đất sạch cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu, tạo thêm lợi thế để tăng cường thu hút đầu tư các dự án chất lượng cao và có tiềm năng trên khắp thế giới. 

 

Ở một khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng việc nước ta ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ tạo ra đòn bẩy tăng trưởng, giúp doanh nghiệp cũng như nền kinh tế có được sức bật mới trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

“Với việc cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại thì các mức cam kết trong EVFTA  được coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho đến nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của nước ta vẫn là dệt may, da giày, thủy sản…”, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước nhận định.

Đối với ngành dệt may, theo ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, EVFTA được ký kết đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nước ta tiếp cận với thị trường nhập khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, có trị giá 250 tỷ USD/năm, với dân số khoảng 500 triệu người, GDP chiếm gần 26% tổng GDP toàn cầu. Đồng thời, hiệp định này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mang tính chất dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam tại thị trường EU.

Để tận dụng tốt các lợi thế từ EVFTA, ông Trị cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cần chủ động đánh giá nhu cầu về sản phẩm, dung lượng của thị trường xuất khẩu mục tiêu để chọn mặt hàng có khả năng đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, kết nối các thành viên trong nước để hình thành chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu về xuất xứ của EVFTA. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, ổn định để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức hệ thống sản xuất, kiểm soát chất lượng đủ năng lực đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường châu Âu, bắc Mỹ...

 

 

Trong khi đó, dưới góc độ thu hút đầu tư, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng nhấn mạnh, với những nỗ lực liên tiếp trong nhiều năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã có nhiều cải thiện đáng kể. Các quy định, quy trình về thu hút đầu tư đã thông thoáng hơn theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

 

Thị trường thu hút đầu tư ngày càng đa dạng, không chỉ dừng lại ở những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc… mà ngày càng có thêm nhiều quốc gia khác xuất hiện trên bản đồ thu hút đầu tư vào thành phố như các nước châu Âu và Mỹ. Đây sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy sản xuất, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có giá trị công nghệ cao song song với những mặt hàng truyền thống của thành phố trong thời gian qua.

Có thể thấy, với những nỗ lực không mệt mỏi từ phía chính quyền thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng năm 2021 sẽ ghi nhận những con số bứt phá ấn tượng của xuất khẩu thành phố sau một năm 2020 trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

 
 

 

.