Multimedia

Rộn ràng lễ hội đầu xuân

18:27, 20/02/2023 (GMT+7)

 

 

 

 
 

 

 

 

Đầu năm 2023, trong điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, nhiều địa phương tổ chức lễ hội truyền thống với quy mô phù hợp để đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

Diễn ra trong mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng, lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động hấp dẫn. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Ngô Văn Nhân cho biết, lễ hội năm nay vẫn giữ nguyên nét truyền thống trong khâu tổ chức.

Trong đó, phần lễ được tổ chức trang trọng với nghi lễ rước sắc từ nhà thờ tộc về đình làng, tế lễ cổ truyền, thả hoa đăng. Phần hội có các trò chơi dân gian như kéo co, thi tráng - nướng bánh tráng, gói bánh tét, hô hát bài chòi.

Đặc biệt, phần hội còn có một số hoạt động sôi nổi như: thi cờ tướng bằng người, hát hò khoan trên sông, đua thuyền, hội thi ẩm thực truyền thống.

 

 

Trong 2 ngày tổ chức, lễ hội đình làng Túy Loan thu hút hàng nghìn người dân đến tham gia và cổ vũ. Đây là tín hiệu tích cực, mang không khí tươi vui cho nhân dân đầu năm mới và góp phần gắn kết cộng đồng dân cư, làng xã.

Bà Đặng Thị Ngân, người dân làng Túy Loan cho biết, sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng của Covid-19, năm nay, nhân dân làng Túy Loan lại tưng bừng khai hội nhằm tụ họp con cháu làm ăn xa quê về dự, thắp hương tỏ lòng thành kính tổ tiên, ghi nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ. Năm nay, bên cạnh các hoạt động phần lễ, còn nhiều hoạt động phần hội nên người dân đều rất phấn khởi, nô nức tham gia đầy đủ.

Ngoài ra, đến với hội làng, mọi người còn được tự tay thực hiện cũng như thưởng thức những món ngon đặc sản trứ danh của địa phương như: bánh tráng, mỳ Quảng Túy Loan.  

“Tâm lý dân làng, từ già đến trẻ đều muốn tham gia để cầu mong một năm an lành thịnh vượng. Đây còn là dịp để người dân duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của quê hương”, bà Ngân chia sẻ.

 

Tiếp nối lễ hội đình làng Túy Loan, từ 11 đến 13 tháng Giêng âm lịch, tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cũng liên tiếp diễn ra lễ hội đình làng Hòa Mỹ và Hòa Phú. Cả 2 lễ hội này chủ yếu thực hiện phần lễ với các nghi thức cổ truyền trang nghiêm.

Trong đó, lễ hội đình làng Hòa Mỹ có lễ vọng, lễ cầu quốc thái dân an, lễ kỵ. Còn lễ hội đình làng Hòa Phú có lễ rước văn; lễ vọng; lễ yết; vía quan thổ, cúng cô bác (vào rạng sáng); lễ cúng tiền hậu hiền và cầu quốc thái dân an. Dù không tổ chức những hoạt động phần hội sôi nổi, song cả 2 lễ hội này vẫn có một số hoạt động như văn nghệ, múa lân sư rồng, hội bài chòi để đáp ứng nhu cầu vui chơi, thụ hưởng văn hóa của người dân.

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Lê Thành Quyết bày tỏ, trong 2 năm bị ảnh hưởng của Covid-19, các hoạt động lễ hội phải tạm ngừng, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, đời sống trở lại bình thường, việc khôi phục lễ hội là việc làm cần thiết, đúng theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Vào thời điểm đầu năm, các làng trên địa bàn phường Hòa Minh lần lượt thực hiện các lễ hội truyền thống nhằm tri ân công đức của tiền nhân, có công xây ấp lập làng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đây cũng là dịp để người dân giao lưu, tổ chức các trò chơi dân gian bổ ích sau những ngày làm việc vất vả. Đồng thời, động viên nhau thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chung sức xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

“Lễ hội đình làng cũng là dịp để con cháu các chư phái tộc của bản xứ, cả những người đi làm ăn xa tìm về cội nguồn, cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng làng xã”, ông Quyết nhấn mạnh.

 

 

Hằng năm, cứ khoảng độ rằm tháng Giêng âm lịch, người dân làng Nam Ô lại nô nức tổ chức cầu an và tế âm linh với mục đích tưởng nhớ những bậc tiền nhân và cầu cho dân làng no ấm, hạnh phúc.

Lễ hội cầu an và tế âm linh làng Nam Ô được chia thành 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: nhương ôn - tống ôn, cầu quốc thái dân an; thỉnh sắc - thỉnh hương. Phần hội sẽ diễn ra với các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn của làng như: chợ quê, thi làm gỏi cá truyền thống… Trong đó, đặc sắc nhất là phần hội văn nghệ quần chúng “cả làng cùng hát”.

Ông Trương Văn Đô, người dân làng Nam Ô cho biết, lễ hội này mang ý nghĩa văn hóa tâm linh rất lớn, được gìn giữ từ lâu đời; thể hiện mong mỏi, ước muốn của nhân dân về một cuộc sống yên bình, ấm no. Bên cạnh đó, thể hiện tình đoàn kết của dân làng, ghi nhớ công ơn của những anh hùng đã dũng cảm hy sinh vì quê hương, đất nước.

 
 
 

Đối với đời sống cộng đồng miền biển, lễ hội cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa - cầu ngư, tế ngư thần, bày tỏ khát vọng một năm trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang. Trở lại sau hai năm Covid-19, lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê mang đến một không khí đầy hứng khởi, vui tươi, hy vọng về một năm mới hạnh phúc, bình an cho người dân trên địa bàn quận và cả những du khách gần xa.

Trong sự mong đợi của người dân, lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 8 đến 10-2 với các nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động hội. Trong đó, phần lễ được tiến hành trang trọng, đầy đủ nghi thức cổ truyền như: lễ nghinh thần; lễ cầu an, cầu ngư; lễ cúng tạ. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức đan xen nhau như: đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, hát tuồng, hội bài chòi, mô-tô lướt sóng, bóng đá bãi biển...

 

Góp mặt trong hội thi đan lưới, dù không giành được giải thưởng cao nhất nhưng ông Nguyễn Văn Xuyến (SN 1969, phường Thanh Khê Đông) vẫn nở nụ cười tươi rói với tinh thần “vui là chính, thắng thua là chuyện bình thường”.

Nối tiếp nghề từ người cha, hơn 40 năm qua, dẫu không ít lần đối mặt với những con sóng dữ dội, hiểm nguy, ông Xuyến vẫn một lòng bám biển vì đã trót yêu nghề. “Đối với ngư dân, lễ hội cầu ngư có ý nghĩa rất lớn, giúp chúng tôi càng thêm vững niềm tin ra khơi để mưu sinh, giữ biển đảo quê hương. Vì vậy, khi biết lễ hội được tổ chức trở lại, chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi”, ông Xuyến nói. 

 

Lễ hội cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, sản phẩm đặc trưng của cộng đồng dân cư vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ. Tại Đà Nẵng, lễ hội cầu ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công cho biết, lễ hội cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê là hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, gắn với đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân miền biển và được chính quyền địa phương duy trì tổ chức hằng năm. Đây là minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn và phát triển lễ hội truyền thống này; đồng thời, là bằng chứng vật chất, tinh thần xác thực về ứng xử với biển, đảo của người dân Thanh Khê từ bao đời nay.

“Những chiếc thuyền sẽ hanh thông vượt sóng, những mẻ cá bội thu sẽ nườm nượp đổ về, một năm mưa thuận gió hòa, đời sống nhân dân được bình yên, no ấm”, ông Công tin tưởng. 

 

Tiếp nối lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê, ngày 26-1 âm lịch đã diễn ra lễ hội cầu ngư phường Mân Thái. Chủ tịch UBND phường Mân Thái Nguyễn Lâm Hà cho biết, tuy là lễ hội cấp phường, nhưng địa phương vẫn tổ chức đầy đủ phần lễ và một số hoạt động phần hội, văn nghệ, trò chơi dân gian cho người dân tham gia. Qua đó, góp phần cố kết cộng đồng trong đời sống hiện đại, cầu mong một năm trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang.

Vào dịp 29-3 năm nay, quận Sơn Trà tiếp tục tổ chức lễ hội cầu ngư cấp quận với quy mô lớn hơn năm 2022 cùng nhiều hoạt động đặc sắc.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà Võ Thị Phương, hiện nay, lãnh đạo quận đã làm việc với phường Nại Hiên Đông về kế hoạch tổ chức. Trong đó, ngoài những hoạt động truyền thống, các lễ cúng, rước kiệu ông Nam Hải, một điểm nổi bật là năm nay sẽ có hội đua thuyền truyền thống trên sông Hàn với 5 đội thi.

“Đây cũng là một hoạt động nằm trong trục sự kiện văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông Hàn năm 2023. Qua đó, góp phần tạo không khí sôi động trong các sự kiện của thành phố và thu hút du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân miền biển”, bà Phương nói.

 

Trong nhịp sống hối hả hiện nay, những lễ hội tại Đà Nẵng vẫn giữ nguyên nét truyền thống, không chỉ trong cách tổ chức mà còn là ở tâm thức của bao thế hệ người dân.

Đến với các lễ hội này, từ đình làng cho tới cầu ngư, người dân, du khách sẽ cảm nhận rõ nét văn hóa truyền thống từ ngàn xưa được ban nghi lễ tái hiện một cách chỉn chu, trang nghiêm.

Đặc biệt, năm 2023, hầu hết lễ hội đầu xuân đều được tổ chức với quy mô lớn hơn và nâng tầm các hoạt động để tạo điểm nhấn, tạo ấn tượng cho những người tham gia.

Beige Romance Valentine’s Day Couple Photo Collage (1).png
 

Ông Lê Đình Liên, Ban nghi lễ làng Thanh Khê cho biết, lễ hội này có từ hồi lập làng (1613) và được duy trì cho đến nay. Theo dân gian, đây là lễ xuất quân để cho đoàn tàu ra khơi đánh bắt hải sản. Những năm trước, lễ hội cầu ngư chỉ có 3 phường, gồm: Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà tham gia.

Năm nay, lễ hội đã được nâng tầm cả về quy mô và hình thức, thu hút các phường còn lại tham gia với hơn 350 hội đoàn thể cùng hàng nghìn người dân trên địa bàn. “Tôi mong muốn, lễ hội sẽ được tiếp nối trong những năm tiếp theo, không bao giờ bị mai một. Đồng thời, mong thế hệ kế thừa sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc vốn có của lễ hội cầu ngư này, đúng theo cha ông và thế hệ này đang làm”, ông Liên bày tỏ.

Tuy mỗi lễ hội có một đặc điểm, ý nghĩa riêng, song tất cả đều nhằm mục đích chung là gắn kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, lan tỏa nét đặc sắc của văn hóa địa phương đến thế hệ sau và bạn bè gần xa. Ông Đặng Nga, Trưởng ban lễ làng Túy Loan cho biết, lễ hội đình làng Túy Loan đã có từ bao đời nay, luôn được người dân các thế hệ trân trọng, giữ gìn. Bởi lẽ, mục đích của lễ hội này là mang lại sự đoàn kết trong nhân dân. Đồng thời, giúp bà con nhân dân, thế hệ trẻ hiểu biết được truyền thông lịch sử của quê hương Hòa Phong.

Qua mỗi lần lễ hội, ban lễ làng lại họp rút kinh nghiệm để sửa đổi những phần chưa được, phát huy những phần làm tốt trong những năm tiếp theo. Đồng thời, vận động nhân dân hãy cố gắng giữ gìn, phát huy lễ hội này đến muôn đời sau. “Riêng ban lễ làng, hội đồng chư phái tộc làng Túy Loan luôn luôn quyết tâm bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của làng, nhất là lễ hội đình làng Túy Loan”, ông Nga nhấn mạnh.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Lê Thị Thu Trang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố diễn ra hơn 10 lễ hội văn hóa truyền thống với quy mô khác nhau. Trong đó, có thể kể đến như: lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội đình làng Hòa Mỹ, lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê… và sắp tới đây là lễ hội Quán Thế Âm với quy mô cấp thành phố.

Năm nay, các lễ hội được tổ chức với không khí rộn ràng, quy mô bài bản và sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền địa phương, cơ sở, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân. Phần lễ được chú trọng với các nghi thức truyền thống, tâm linh gắn với ý nghĩa giáo dục sâu sắc; phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, có sự tham gia của người dân địa phương và du khách, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân.

 

Theo bà Trang, để giữ gìn và phát huy các lễ hội truyền thống thành phố đang có, trước hết các địa phương, cơ sở nơi có lễ hội diễn ra phải chú trọng công tác tuyên truyền về các giá trị lịch sử, văn hóa, cội nguồn, ý nghĩa của lễ hội để người dân hiểu, ngưỡng vọng và tự hào truyền thống văn hóa của địa phương.

Trong công tác tổ chức lễ hội cần giảm tính hành chính, đa dạng hóa hoạt động để tạo sự hấp dẫn của lễ hội, chú trọng bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và làm phong phú hơn các giá trị mới trong lễ hội; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội gắn với ý nghĩa của các di tích nhằm nâng cao hiểu biết của nhân dân và người tham gia lễ hội.

“Những lễ hội truyền thống vừa là tài sản, cũng vừa là di sản mà chúng ta cần phát huy. Chúng ta - những người kế thừa, thụ hưởng phải cố gắng giữ gìn, phát huy, để di sản ấy “sống” được với thời gian”, bà Trang bày tỏ.

 

.