Emagazine
eMagazine - Rèn luyện kỹ năng bơi trong dịp hè
Bơi lội là hoạt động bổ ích, giúp trẻ phát triển trí não, thể chất. Đồng thời hình thành kỹ năng phòng, chống đuối nước ở trẻ. Hiện nay, việc cho trẻ học bơi dần trở nên phổ biến, đặc biệt vào mùa hè, nhu cầu này càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, nhiều lớp học bơi trên địa bàn thành phố được tổ chức sớm từ đầu hè, với đa dạng loại hình, mức giá. Ngay khi kết thúc năm học, từ đầu tháng 6, các trường có trang bị hồ bơi đồng loạt triển khai lớp học bơi an toàn với hình thức miễn phí cho học sinh trong hè.
Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, hiện trên địa bàn có 86 bể bơi dạy bơi miễn phí tại trường và 316 giáo viên dạy bơi. Các bể bơi được tu sửa, vệ sinh thường xuyên nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh khi học bơi.
Giáo viên dạy bơi đa số là giáo viên phụ trách bộ môn giáo dục thể chất của trường, được đào tạo qua khóa học ngắn hạn về cứu hộ, cứu đuối do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu chia sẻ: “Ngay từ đầu tháng 5, chúng tôi đã có văn bản về phòng, chống đuối nước, bơi an toàn tại các trường học, trong đó đặc biệt quan tâm đến những trường học ở gần khu vực biển, sông vì những em học sinh ở khu vực này hay có hoạt động tiếp xúc với nước.
Đến nay, được sự đầu tư của thành phố, của quận, ngoài các bể bơi di động, nhiều trường trên địa bàn quận đã có những bể bơi kiên cố”.
Đơn cử như tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu), lớp học bơi an toàn được tổ chức với 20 buổi, sau 20 buổi, các em học sinh sẽ biết bơi và xử lý những sự cố dễ xảy ra tại hồ bơi.
Trong dịp hè 2023, Thành Đoàn - Hội đồng Đội thành phố tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước tại 7 quận, huyện. Ngoài ra triển khai lớp tập huấn kỹ năng trực tuyến cho thanh, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, chỉ đạo các cơ sở Đoàn - Đội tổ chức các lớp học bơi miễn phí, tập huấn kỹ năng bơi an toàn cho thanh, thiếu nhi tại địa phương.
Phát huy lợi thế về chuyên môn, nằm trong chuỗi các hoạt động của chiến dịch thanh niên Tình nguyện hè 2023, ở giai đoạn 1, Đoàn Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng đã tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại quận Liên Chiểu trong vòng 1 tháng.
Qua hoạt động, các em được học các kiểu bơi cơ bản, trang bị kiến thức về phòng, chống tai nạn đuối nước và bơi an toàn. Bên cạnh đó, Đoàn trường phối hợp nhà tài trợ trao tặng toàn bộ trang phục, kính, mũ bơi cho các học sinh tham gia.
Anh Bùi Đăng Toản, Bí thư Đoàn trường Đại học Thể dục Thể thao (TDTT) Đà Nẵng cho biết: “Bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch tình nguyện hè, dự kiến vào tháng 8-2023, Đoàn trường sẽ tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh khó khăn trên địa bàn quận Hải Châu nếu các em có nhu cầu. Là đoàn viên thanh niên, chúng tôi rất vui khi được góp chút sức nhỏ vào công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng, đồng thời tạo sự thúc đẩy cho các tỉnh, thành phố khác quan tâm hơn nữa về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ”.
Ngoài ra, Câu lạc bộ dạy bơi, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng thường xuyên chiêu sinh các lớp bơi cho mọi đối tượng. Mức học phí 450.000 đồng/tháng đối với lớp cơ bản (khoảng 10 học viên/lớp) và 1,2 triệu đồng/tháng với lớp nâng cao (3-4 học viên/lớp). Các lớp học được tổ chức 3 buổi/tuần, mỗi buổi 1 tiếng. Dịp hè này, có khoảng 100 trẻ đang theo học tại đây.
Tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, từ đầu hè, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con theo học bơi. Để thuận tiện cho việc phụ huynh đưa đón con theo học khi bên cạnh việc học bơi, trẻ còn theo học các lớp năng khiếu khác tại Cung thiếu nhi, các lớp học được tổ chức xuyên suốt trong tuần với nhiều khung giờ học khác nhau.
Mức học phí 600.000 đồng/tháng, 3 buổi/tuần, mỗi buổi 1 tiếng. Trước khi vào lớp, các em được giáo viên điểm danh để vừa quản lý số lượng vừa bảo đảm chất lượng học tập sau khi kết thúc khóa học.
Bắt đầu học bơi từ hè năm 2022, đến nay, em Trần Thị Hoài An (9 tuổi) đã có thể bơi ngửa, đạp chân, thở nước, lướt nước. Thích thú bơi lội trong làn nước mát, khoe với chúng tôi những động tác được học, An vui vẻ chia sẻ: “Tại đây con được học trước khi bơi phải khởi động, không được ăn no và dù biết bơi thì vẫn phải mặc phao khi xuống nước để giữ an toàn cho bản thân”.
Với mong muốn con được rèn luyện sức khỏe, biết bơi, đồng thời có kỹ năng phòng, chống đuối nước, khi con 5 tuổi, sau quá trình tìm hiểu về những nơi dạy bơi bao gồm cơ sở vật chất, chuyên môn và thái độ của người giảng dạy, chị Lê Thị Thu Hồng (trú tại quận Ngũ Hành Sơn) đã cho con theo học bơi tại Cung thiếu nhi Đà Nẵng.
Bên cạnh sự lựa chọn cho con học bơi tại các hồ nhân tạo, một số phụ huynh cho con theo học lớp “Bơi lặn tự cứu” được giảng dạy trực tiếp tại bãi biển của chị Lê Lan, nhằm giúp con sớm làm quen với môi trường nước mở (sông, biển, ao, hồ,…).
Chị Lan cho biết, hè năm nay, lớp “Bơi lặn tự cứu” có gần 30 trẻ đăng ký theo học, mức học phí 100.000 đồng/buổi. Thời gian học từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi. Để bảo đảm chất lượng giảng dạy cũng như an toàn trong quản lý học viên, mỗi buổi, chị Lan nhận dạy từ 3-4 trẻ.
Từng theo học lớp “Bơi lặn tự cứu” vào mùa hè năm ngoái, năm nay, em Nguyễn Võ Hoàng Khôi (6 tuổi) vẫn tiếp tục tham gia theo học. Trước khi xuống biển, không đợi cô giáo nhắc nhở, Khôi tự giác trang bị áo phao, phao bơi. “Mỗi khi được đi bơi con rất vui vì được tắm biển và chơi đùa cùng các bạn”, Khôi kể.
Việc học bơi diễn ra sôi nổi với đa dạng hình thức là một tín hiệu tích cực cho thấy bơi lội đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh trong việc rèn luyện sức khỏe và phòng, chống đuối nước ở trẻ.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, ở nước ta, mỗi năm vẫn ghi nhận nhiều tình trạng đuối nước thương tâm ở trẻ. Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, tại Đà Nẵng, từ năm 2020-2023 có 4 trường hợp (năm 2020 có 1 trường hợp, năm 2021 có 1 trường hợp, năm 2022 có 2 trường hợp) học sinh tử vong do đuối nước. Phần lớn nguyên nhân do các học sinh tự phát đi chơi vào các khu vực nguy hiểm (sông, biển) và bị tai nạn đuối nước nên xảy ra tử vong.
Từng tốt nghiệp Trường Đại học TDTT Đà Nẵng chuyên ngành bơi lội, với 23 năm kinh nghiệm giảng dạy về phòng, chống đuối nước, đối với chị Lê Lan, làm sao để tình trạng đuối nước ở trẻ em nói riêng và người lớn nói chung không xảy ra nữa là một điều khiến chị luôn trăn trở.
Chính vì lẽ đó, trong khóa học “Bơi lặn tự cứu”, chị Lan chú trọng trang bị cho học viên hai kỹ năng quan trọng nhất để phòng, chống đuối nước là phân biệt, nhận biết nguy hiểm tiềm ẩn trong mặt nước hở và phân bổ sức lực để bơi vào bờ (khi tắm biển).
Theo Th.S Lê Chí Hùng, Phó trưởng bộ môn Thể thao dưới nước, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, chuyên gia phòng, chống đuối nước quốc gia cho biết, nguyên nhân trẻ dù biết bơi nhưng vẫn bị đuối nước là do các em không có kiến thức về an toàn nước, trẻ đi bơi không tuân thủ quy định, nội quy hồ bơi, biển cấm ở các vùng nước mở như ao, hồ, song, suối; nhiều trường hợp chứng kiến bạn bị đuối nước, nhảy xuống cứu không đúng cách nên bị đuối nước theo...
Để tránh tình trạng trên, theo thầy Hùng, phụ huynh khi cho con học bơi cần chọn những nơi giảng dạy có uy tín, không chỉ dạy trẻ biết bơi mà còn phải trang bị cho trẻ kiến thức về an toàn nước. Đó là kỹ năng giải thoát trong lúc đi bơi khi bị bạn ôm, bấu, víu; kỹ năng cứu đuối - xử lý khi gặp người bị tai nạn đuối nước, nhiều vụ việc đuối nước tập thể xảy ra là do trẻ thiếu kỹ năng này; nhận biết những nơi nào được bơi; kỹ năng đứng nước, thả nổi, xử lý tình huống khi gặp dòng chảy xa bờ, gặp trường hợp rơi vào vòng xoáy, dòng chảy xa bờ trẻ phải biết thả nổi, thay vì cố bơi ngược dòng, vùng vẫy dẫn đến kiệt sức. Khi rơi xuống nước phải biết chuyển đổi tư thế sấp sang tư thế ngửa, thả lỏng. Đó là những kỹ năng cần nắm bắt được để phòng, chống đuối nước.
Song song với việc trang bị kỹ năng, khi cho trẻ đi bơi, dù chưa biết hay đã biết bơi, phụ huynh vẫn phải bảo đảm trẻ được giám sát thường xuyên, chặt chẽ bởi gia đình, nhà trường và chỉ bơi ở những khu vực có cứu hộ.
Ngoài việc học bơi tại hồ bơi, trẻ cần được đi bơi, làm quen, tiếp xúc với những mặt nước mở. Phụ huynh cũng cần trang bị, nắm chắc những kiến thức về phòng, chống đuối nước để không chỉ hướng dẫn, bảo vệ trẻ mà còn bảo vệ bản thân mình.
Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng, việc trẻ biết bơi, bơi giỏi không đồng nghĩa với việc trẻ sẽ không có nguy cơ bị đuối nước. Phụ huynh không nên có tâm lý chủ quan khi trẻ đã biết bơi.
Bơi lội đã trở thành một kỹ năng sống quan trọng, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và niềm vui cho trẻ, đặc biệt khi hè về.
Những người thực hiện: THU DUYÊN - CHÁNH LÂM -
QUỐC CƯỜNG - QUANG THẢO - PHƯƠNG MINH