Báo Đà Nẵng xuân 2016

Hình ảnh khỉ trong Điêu khắc Chăm

Hiện thân của thần Hanuman bất tử

08:19, 06/02/2016 (GMT+7)

Nghệ thuật tạo hình về những con thú trong huyền thoại là một phong cách tiêu biểu trong nghệ thuật điêu khắc Chăm (ĐKC), trong đó, hình ảnh con khỉ - hiện thân thần Hanuman bất tử, khá phổ biến.

Tượng khỉ được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Tượng khỉ được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Do ảnh hưởng đậm nét văn hóa Ấn Độ, tác phẩm ĐKC thường mang ý nghĩa tôn giáo, được khắc tạc theo những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết của đất nước này.

Trong đó, thần khỉ Hanuman là nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Cho đến ngày nay, các đền thờ khắp nước Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng của lòng dũng cảm và sự bất tử.

Theo thần thoại Ấn Độ, Hanuman là con của thần Gió Vayu. Là vị tướng giỏi của vương quốc khỉ, Hanuman có sức mạnh vô song, có thể nhảy những bước khổng lồ. Trong sử thi Ramayana, thần Hanuman đã phụng sự trung thành và đắc lực cho người hùng Rama lập những chiến công lừng lẫy.

Tuy nhiên, chiến công được người Chăm quan tâm, thể hiện đậm đặc trong các tác phẩm nghệ thuật của mình, có lẽ là chiến thắng của thần Hanuman (phò Rama) trước quỷ vương Ravana, giải cứu nàng Sita (vợ của hoàng tử Rama).

Tại Bảo tàng ĐKC Đà Nẵng hiện còn lưu giữ 6 phù điêu, tượng khỉ được tạo hình gắn với những đặc trưng, câu chuyện của thần Hanuman. Ông Võ Văn Thắng – Giám đốc bảo tàng cho biết, các phù điêu, tượng khỉ này đều được khai quật từ sau năm 1975, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Hiện có 4/6 tượng khỉ mới được chọn trưng bày tại gian mở rộng, gồm 1 tượng khỉ ngồi, 2 tượng bán thân và một phù điêu. Tượng khỉ ngồi là một chú khỉ được tạc dạng tượng tròn. Khỉ ngồi theo kiểu Java trên một chiếc ghế hình bát giác, giống với kiểu ngồi của các tượng thần trong nghệ thuật ĐKC.

Đáng chú ý với tượng khỉ ngồi này là hai tay khỉ đều có giữ vật có hình bán cầu (1 để ngửa, 1 úp lên ngực trái). Theo trường ca Ramayana thì có thể đây là hai nửa hòn đá để tạo lửa mà thần Hanuman dùng để đốt vương quốc Sri Lanka của quỷ vương Ravana, sau khi cứu công chúa Sita ra khỏi nơi này. Căn cứ vào cách trang trí những quả chuông tròn đều đặn quanh thắt lung và sampot có thể tác phẩm thuộc phong cách Tháp Mẫm, thế kỷ 12.

Tuy nhiên, tác phẩm vẫn mang phong thái sống động, tự nhiên lại khiến người ta liên tưởng đến nghệ thuật thời kỳ đầu. Tượng khỉ bán thân cũng được thể hiện ở dạng tròn. So với tượng khỉ ngồi, đôi mắt được thể hiện ấn tượng với khóe đẹp, tạo nét tinh nghịch cho khuôn mặt khỉ.

Tay trái bị vỡ mất chỉ còn tay phải đưa lên ngang ngực, lòng bàn tay cũng cầm vật tròn hình cầu. Phải chăng đây cũng là vật tượng trưng hòn đá dùng để tạo lửa của thần Hanuman? Tác phẩm được tìm thấy ở Phú Hưng - Quảng Nam vào năm 1993.

Du khách chụp hình lưu niệm với tượng khỉ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: T.T
Du khách chụp hình lưu niệm với tượng khỉ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: T.T

Tượng bán thân còn lại thể hiện khỉ ngồi nhìn thẳng phía trước. Khuôn mặt tươi vui, nét cười thân thiện. Mặc dù tượng bị hư hỏng nhiều nhưng đây là tác phẩm được thể hiện bằng một thủ pháp khác hẳn với các tác phẩm được trưng bày tại bảo tàng.

Khỉ được nhân hóa bằng hình thức thể hiện bán thân, nhìn thẳng như chân dung người. Cách trang trí ba cánh hoa ở vòng cổ gợi liên tưởng đến các tác phẩm thuộc thời kỳ đầu tìm thấy ở Quảng Nam.

Tại bức phù điêu mang tên Chiến sĩ và khỉ, thần khỉ Hanuman là nhân vật trung tâm, được thể hiện như đang vận dụng sức lực để nâng một người lên quá đầu. Hai chân khỉ dạng ra, chùng xuống. Bên phải của Hanuman là một nhân vật quỳ, mình hướng về phía trước nhưng đầu lại ngoái ra sau.

Nhân vật này nhe hai răng nanh, có lẽ là quân của quỷ vương Ravana… Hình ảnh trang trí trên phù điêu này vì vậy cũng khiến người ta liên tưởng đến cuộc chiến giữa thần Hanuman với quân quỷ vương Ravana, trong huyền thoại Ấn.

Theo ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, người rất tâm huyết với văn hóa Chăm, thì hiện chưa có công trình nghiên cứu, bài viết nào thật bài bản, chuyên sâu về hình tượng khỉ trong ĐKC. Vì vậy, hình ảnh khỉ trong ĐKC xuất hiện từ bao giờ, có ý nghĩa như thế nào trong tâm thức người Chăm - Việt...? Khỉ trong ĐKC giống và khác gì trong các loại hình điêu khắc, nghệ thuật khác, trong đời sống của người Việt... vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Tuy nhiên, trong ĐKC, hễ nói đến khỉ thì người ta nghĩ ngay đến vị thần Hanuman trong các thần thoại Ấn Độ. Nhận định này không chỉ căn cứ từ tạo hình các tượng khỉ đang được lưu giữ tại Bảo tàng ĐKC Đà Nẵng, mà với các phát hiện cũ và mới có liên quan đến hình ảnh khỉ trong các nền móng tháp Chăm rải rác khắp miền Trung.

Như bức chạm khắc trang trí được phát hiện tại Tháp Đôi (Bình Định) vào những năm 1991, 1992 đã ghi lại cuộc giao chiến ác liệt giữa khỉ Hanuman với rắn Surasa trong một câu chuyện của thần thoại Ấn Độ. Ở đó, chú khỉ được tạo hình hai tay dang ra, hai chân đang phóng về phía trước, đầu ngoảnh lại phía sau nhìn rắn, chiếc đuôi chưa lọt ra khỏi miệng rắn...

Hay những hình ảnh sinh hoạt khá độc đáo của “đoàn quân khỉ” được ghi lại trên các khối đá trang trí tại chân tháp Khương Mỹ (Quảng Nam), vừa được khai quật, cũng dường như có liên quan đến trường ca Ramayana. Đoàn khỉ đang gánh, vác, đội hành lý và đang lội nước khá mệt nhọc khiến người ta liên tưởng đến đội quân khỉ của thần Hanuman năm xưa vượt biển để đến đảo Lanka...

Đáng chú ý, những tượng khỉ được thể hiện trên các mảng phù điêu này rất sinh động và ngộ nghĩnh, hé lộ kiểu tư duy nghệ thuật của người Chăm trong khắc tạc thần khỉ Hanuman. Đó là những chú khỉ vừa được “linh hóa” vừa rất đỗi tự nhiên, sống động.

Dường như đối với họ, những vị thần khỉ gần gũi đến mức có những hành động, điệu bộ, cử chỉ... không khác mấy người thường. Điều này cho thấy, văn hóa Ấn, cùng những câu chuyện thần thoại của đất nước này đã ăn sâu trong tiềm thức, trong cuộc sống của người Chăm một thuở.

Theo trường ca Ramayana, khi trận chiến Lanka kết thúc, chiến thắng trở về Ayodhya, Rama hứa ban tặng cho Hanuman bất cứ danh hiệu, tước vị gì, nhưng thần khỉ chỉ muốn được sống cho đến khi nào Rama chết. Vì vậy mà Hanuman bất tử, bởi ký ức về Rama không bao giờ chết, trong trái tim nhân loại!

"Người Chăm đã vận dụng những gì có trong tự nhiên, như hình ảnh các loài hoa, các con thú… để đưa vào nghệ thuật điêu khắc, cách điệu nó lên thành những hình tượng nghệ thuật vừa mềm mại, uyển chuyển, vừa quyết liệt, mạnh mẽ.

Không ngừng học hỏi kinh nghiệm các nền văn hóa lớn, song họ luôn có sự sáng tạo riêng cho mình không lẫn với bất kỳ nền nghệ thuật nào khác ở trong khu vực Đông Nam Á. Điều ấy phần nào thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của họ khi sáng tác nghệ thuật và tiếp thu văn hóa"

Hồ Tấn Tuấn

Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố

THANH TÂN

.