Báo Đà Nẵng xuân 2019
Giữ mùi hương
Bước vào tháng hai dương lịch, nghĩa là tầm tháng Chạp âm lịch, băng giá đã dần lùi lại trên khắp vùng Trung Mỹ. Các vùng đồi đã hé lộ những vệt nắng trong và hoa mùa xuân tím biêng biếc.
Từng bụi tulíp thơ ngây ẩn mình trong tuyết lạnh đã vươn lên mạnh mẽ và đẹp nao lòng. Những ngày này, đi chợ châu Á rất vui. Cũng chợ đó, người đó, mà gần Tết, không khí cứ chộn rộn hẳn. Làm như mấy bác đồng hương chỉ đợi tới giờ này để ra hỏi thăm nhau. “Bác Tám khỏe hả? Ngày nào mới bay về Việt Nam?”, “Ủa chớ năm nay không về chơi Tết sao mà còn ra đây?”.
Cái tiếng Việt hay ho, thân thiết nhiều khi dẫn tôi đi trong vô định, đi chợ mà quên mất mình phải mua gì, cứ hóng tai để nghe người ta nói tiếng Việt, cho đã. Không riêng gì tôi, những ai ở nước ngoài sẽ hiểu cảm giác thèm nghe tiếng Việt, thèm nói tiếng Việt giữa muôn màu những tiếng Mỹ, tiếng Mễ, tiếng Lào... trộn lộn. Các cô, các bác lớn tuổi, làm gì làm, sáng chủ nhật nào cũng phải đi lễ nhà thờ, phải ra chợ Việt Nam, để mình được nói tiếng mình, được hiểu tiếng mình.
Đối với người tha hương như tôi, Tết đã trở thành một danh từ vừa thân thuộc, vừa xa xôi và gây đau đớn, bởi nó nhắc nhở về những kỷ niệm và ký ức quê nhà mà từ lâu tôi đã cố tình thôi thương nhớ. Mùa Tết đầu tiên ở Mỹ, tôi cứ ngồi thừ nhìn ra cửa sổ, không biết phải làm gì. Gọi điện về Việt Nam, nghe mọi người í ới chúc nhau, trong lòng như đã vụn mất đi một điều gì đó. Bởi vậy, những mùa Tết sau, nếu không thể bay về, thể nào tôi cũng sắm trong nhà ít bánh chưng, hũ dưa kiệu, mấy cành lay ơn đỏ, mua thêm khay bánh mứt và chuẩn bị vài phong lì xì, cho đỡ nhớ Tết.
Nhà tôi lưng chừng một vùng đồi, lúc mới dọn tới đã nghe hàng xóm bảo có đâu hơn ba mươi mấy nóc nhà Việt Nam. Như vậy đã là nhiều, vì tiểu bang Oklahoma thời tiết khó chịu, không được người Việt ưa chọn. Mấy bác lớn tuổi hay tụm nhau đi bộ thể dục buổi sáng đã “thiếu tay”, vì vài người đã tạm biệt lên đường về Việt Nam ăn Tết. Những người ở lại, không được đủ đầy thì cũng cố gắng sắm cho giống Tết Việt Nam.
Từ khoảng 15 tháng Chạp trở đi, các chợ Việt Nam đã la liệt các sản vật truyền thống được mang tới từ các cộng đồng người Việt khắp nước Mỹ, cũng như các món ngon do dân địa phương tự làm lấy, không thiếu thứ gì, kể cả... vàng mã. Những cửa hàng đảm nhận giao dịch, chuyển hàng, chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam phải luôn tay nhận hàng, kiểm hàng, làm thủ tục ký nhận. Mỗi khách hàng thường mang ít nhất một thùng đồ và ít tiền gửi về làm quà Tết cho gia đình, anh em. Các sản phẩm được nhận nhiều nhất vẫn là mỹ phẩm, áo quần, kẹo socola... Và tùy theo từng vùng, giá chuyển hàng có thể dao động 8-16 USD/kg.
Nhà thờ Việt Nam đã nhận gói bánh tét theo đơn đặt hàng, chừng 15 USD/đòn, nhiều khi gói không kịp bán. Các nhà thờ, nhà chùa đều có chương trình đón giao thừa, đón Tết riêng, nhưng không thể thiếu múa lân và hái lộc đầu năm, cầu nguyện cho năm mới hanh thông và may mắn.
Cộng đồng người Việt tụ tập rất xôm tụ ở những chốn này, để “ngửi” mùi hương Tết xa nhà, và thưởng thức các món ăn quê hương thường được bày bán rất nhiều, như: bún Huế, bánh bò, bánh xèo, xôi đậu, chè bà Ba... Cũng như những ngày trước ở Việt Nam, tôi thích ngắm nhìn những gương mặt buổi đầu năm.
Khác xa với vẻ bận rộn, lo toan, vội vàng thường thấy, hôm nay họ đẹp lạ lùng trong những tà áo dài gấm vóc, gương mặt ngời ngời niềm vui và nói toàn những điều tốt đẹp. Nhiều người còn xin nghỉ nhiệm sở hoặc đóng cửa tiệm một ngày mồng Một để không lỡ dịp cùng bạn bè, bà con đón Tết, mời nhau ly rượu mừng, chúc nhau vài câu năm mới. Các chợ Việt Nam lớn ở vùng tôi ngoài việc mời các đội lân nhảy múa rình rang vào sáng mồng Một, có nơi còn thêm tràng pháo nổ tí tách rất Việt Nam.
Mà, dù múa lân có rộn ràng tươi vui bao nhiêu chăng nữa, bánh kẹo có ngon, áo quần có thơm đẹp bao nhiêu chăng nữa, vẫn không bao giờ có thể so sánh được với cái mùi Tết “thật” trong đêm ba mươi thiêng liêng thoang thoảng trầm nhang, mùi của cửa nhà được dọn dẹp chà rửa và sơn phết lại, mùi của hoa cúc hoa mai trước hiên nhà, mùi của những nụ cười thứ tha chỉ có riêng trong năm mới của Việt Nam… Ai bàn chuyện bỏ hay giữ Tết cứ bàn, tôi thấy mình miễn nhiễm với điều đó. Tôi sẽ và luôn giữ Tết cho riêng mình, để thấy còn một chốn thân thương nhớ về, lòng không bơ vơ lạc lõng ở nơi phương trời không kỷ niệm.
HẰNG VANG