Báo Đà Nẵng Xuân 2020
Điểm đến khởi nghiệp
Dẫu không có thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, song Đà Nẵng vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với những nhà khởi nghiệp trở về từ nước ngoài hay đến từ những thành phố khác trong nước. Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn ấy?
Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Ảnh chụp tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc tế Đà Nẵng SURF 2019. Ảnh: KHANG NINH |
Đất lành chim đậu
Trên sân khấu Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2019, anh Đinh Quang Huy (sinh năm 1987) giới thiệu về dự án khởi nghiệp Botstar (nền tảng tạo công cụ trò chuyện tự động chatbot) bằng tiếng Anh giọng Úc lưu loát. Không ngạc nhiên khi biết rằng trước khi về Đà Nẵng khởi nghiệp, anh từng có 10 năm học tập và làm việc tại thành phố Melbourne (Úc).
Năm 2005, học xong lớp 12 chuyên Sinh (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng), anh Huy tiếp tục theo học ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Công nghệ Swinburne ở thành phố Melbourne. Trong lúc học, anh làm thêm cho một số công ty, trong đó có cả startup và doanh nghiệp truyền thống tại Úc. Năm 2015, anh chấm dứt công việc lập trình viên ứng dụng tại Service Stream (một trong những công ty lớn nhất Úc về cung cấp mạng lưới viễn thông, năng lượng và nước) để quay về Việt Nam. Anh nói: “Đã đến lúc mình cần có những thử thách mới. Hơn nữa, mình cũng thích sống ở Việt Nam hơn”.
Về Đà Nẵng, anh Huy làm quản lý kỹ thuật cho một công ty công nghệ thông tin tên tuổi. Bên cạnh đó, anh cùng người bạn Tường Lê của mình tại Melbourne phát triển Botstar - một nền tảng tạo chatbot và xem đây như một “dự án thú cưng” của mình lúc rảnh rỗi. Đến năm 2017, hai người bạn quyết định “chơi lớn” bằng cách nghỉ việc, biến Botstar thành một doanh nghiệp khởi nghiệp và dồn toàn bộ tâm sức vào đó. Anh Huy chia sẻ: “Sau 1 năm, chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ hơn 10 người, cung cấp dịch vụ cho hơn 5.000 khách hàng toàn cầu”. Với khả năng giúp những người “mù công nghệ” cũng tạo được chatbot, Botstar đã được FinancesOnline (trang web chuyên đánh giá các phần mềm quốc tế) trao giải thưởng Rising Star 2019 và Premium Usability 2019. Dự án này cũng giành giải ba cuộc thi thuyết trình khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2019 do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Không chỉ thu hút các startup của những người con Đà Nẵng đi xa trở về, hệ sinh thái khởi nghiệp bên bờ biển miền Trung này còn là điểm đến của nhiều startup được sáng lập bởi những người “ngoại tỉnh”, trong đó có CodersX - Cộng đồng học lập trình và kết nối việc làm Nhật Bản do kỹ sư phần mềm Phạm Văn Thịnh (sinh năm 1991) sáng lập. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, làm việc ở Nhật Bản trong gần 7 năm, song đến năm 2018, Thịnh quyết định về Đà Nẵng khởi nghiệp. Anh chia sẻ: “Mình rất thích khí hậu ở đây. Đà Nẵng phát triển nhưng đường phố vẫn còn thông thoáng. Chỉ ở đây mình mới được trải nghiệm việc... đi xe máy chưa đầy 5 phút đã đến chỗ làm, 3 phút là đến quán cà-phê hẹn gặp bạn bè. Hơn nữa, nhiều lập trình viên trong đội ngũ của mình là người Đà Nẵng và mình thấy họ rất có trách nhiệm, luôn học hỏi”.
Hiện Đà Nẵng đang triển khai Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng thành phố Đà Nẵng là điểm đến của khởi nghiệp và sáng tạo của Việt Nam và khu vực. |
Hiện đội ngũ của CodersX đã lên đến hơn 30 người, cung cấp các khóa học công nghệ thông tin trực tuyến cho hơn 5.000 học viên trên khắp cả nước. Thịnh cho biết, điểm khác biệt lớn nhất của CodersX là không chỉ dạy các ngôn ngữ lập trình, mà còn dạy cách tư duy, kỹ năng cơ bản để người học tự nghiên cứu các ngôn ngữ, công nghệ mới. Ví dụ, thay vì bày tường tận cách làm ra một ứng dụng di động hay một trang web, CodersX sẽ giải thích cơ chế tại sao các dòng code lại hoạt động như vậy, rồi người học sẽ tự mày mò làm tiếp.
Một trong những cái tên nổi bật trong giới khởi nghiệp Đà Nẵng gần đây là AI Fuel - startup chuyên dùng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu thô nhằm tạo ra dữ liệu đáng tin cậy. Trụ sở của AI Fuel nằm trong Công ty CP VBPO (Công viên phần mềm Đà Nẵng), anh Trần Mạnh Huy, người sáng lập dự án này và cũng là Giám đốc Công ty VBPO lại là “dân” thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ vai trò Giám đốc BPO của Công ty Hệ thống thông tin FPT Hà Nội. Anh chia sẻ: “Tôi lại chọn con đường khởi nghiệp vì muốn đem lại nhiều việc làm cho người kém thế ở miền Trung. Lĩnh vực chuyên môn của tôi là BPO có thể tạo ra khối lượng công việc lớn và đơn giản (xử lý ảnh, nhập liệu, số hóa văn bản...). Do đó, tôi quyết định vào Đà Nẵng và bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình”. Hiện AI Fuel đã ra mắt ứng dụng và đang triển khai thực hiện một số đơn đặt hàng từ Singapore, Mỹ. Anh Huy bày tỏ, tầm nhìn của AI Fuel là trở thành nhà cung cấp dữ liệu đáng tin cậy hàng đầu Việt Nam trong thời gian tới.
Thế mạnh riêng của khởi nghiệp Đà Nẵng
Dẫu không sở hữu một thị trường tiêu dùng lớn hay một nền kinh tế sôi động như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng vẫn hấp dẫn các nhà khởi nghiệp bởi môi trường sống ôn hòa, cân bằng giữa phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống. Anh Trần Mạnh Huy chia sẻ: “Ở Đà Nẵng mình không phải mất hàng giờ đồng hồ đi lại trên đường. Hơn nữa, con người Đà Nẵng cũng ôn hòa, làm việc chăm chỉ, thật thà”. Anh Huy tiết lộ, Đà Nẵng hiện là nơi sống và làm việc của nhiều tài năng công nghệ ở nước ngoài trở về. “Những “đầu tàu” này sẽ kéo theo những nhân sự giỏi khác về đây” - anh nói.
Anh Đinh Quang Huy (đứng) cùng đội ngũ dự án khởi nghiệp Botstar trong văn phòng ở đường Thái Phiên (quận Hải Châu). Ảnh: KHANG NINH |
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng Đà Nẵng hiện vẫn chưa có startup kỳ lân (tức công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD) nào. Hơn nữa, nếu một startup ở Đà Nẵng muốn mở rộng quy mô thì sẽ vướng bài toán thiếu nhân sự. Anh Mạnh Huy cho biết, nhiều nhà đầu tư cũng khuyên các startup rằng nếu muốn phát triển mạnh, cần đến những thành phố lớn hoặc ra nước ngoài. Ông Alan El-Kadhi, Giám đốc cấp cao Chương trình ươm tạo thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng cho biết, đây là thách thức chung đối với tất cả các thành phố cấp 2 như Đà Nẵng: số lượng doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm ít hơn, lại chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Dẫu vậy, “bí quyết” của các nhà khởi nghiệp tại Đà Nẵng là phải chọn đúng loại hình startup. Theo anh Mạnh Huy, Đà Nẵng là địa điểm thích hợp cho các startup cần nguồn lao động dồi dào, không cần quá nhiều tiền và đang trong giai đoạn kiểm nghiệm thị trường. Còn anh Quang Huy nhận định, nếu làm startup ở Đà Nẵng, không nên chọn mô hình có đối tượng khách hàng địa phương mà chọn khách hàng toàn cầu, có thể làm việc trực tuyến. Ông Alan El-Kadhi nhận xét: “Với lợi thế thị trường nhỏ, Đà Nẵng là nơi phù hợp để các startup thử nghiệm thị trường. Tuy nhiên, đối với các startup ở thị trường nước ngoài, hãy xem xét thành lập đội ngũ công nghệ tại Đà Nẵng để xây dựng MVP (sản phẩm khả dụng tối thiểu) và liên tục phát triển sản phẩm, đồng thời duy trì hoạt động tiếp thị và bán hàng tại thị trường mục tiêu”.
Anh Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng chia sẻ: “Lâu nay chúng ta thường nghe nhắc tới thực trạng nhiều nhà khởi nghiệp ươm tạo ở Đà Nẵng, rồi lại vào thành phố Hồ Chí Minh, ra Hà Nội để tiếp tục phát triển. Tôi nghĩ điều này không có gì là đáng ngại. Thị trường của chúng ta chưa thể so với thị trường của 2 thành phố lớn ở 2 đầu đất nước, và chúng ta cũng không cần phải tập trung cạnh tranh ở khía cạnh này. Thay vào đó, Đà Nẵng có thể tập trung xây dựng thương hiệu “cái nôi” khởi nghiệp bằng cách đẩy mạnh đào tạo, tăng hàm lượng công nghệ trong các trường đại học, tuyển chọn những người sáng lập tiềm năng và trực tiếp đào tạo họ”.
NGUYỄN HUY KHANG NINH