Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Năm tý nói chuyện chuột

Chuột - nhân vật sống động trong truyện thiếu nhi

11:30, 26/01/2020 (GMT+7)

Chuột thường được chọn làm nhân vật phản diện trong các câu chuyện cổ tích hoạt hình, ngụ ngôn, luôn luôn đối diện với đối thủ truyền thống: Mèo. Nhưng chuột nhanh nhẹn, lém lỉnh, luôn là con chuột chiến thắng cái ác.

Minh họa truyện Hai chú chuột xấu xí.
Minh họa truyện Hai chú chuột xấu xí.

Những tranh vẽ mang tính hoạt hình dưới đây là minh họa cho những câu chuyện nổi tiếng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng lời nói. Đây có thể là những câu chuyện ngụ ngôn mang tính đạo đức, như truyện ngụ ngôn Aesop, truyện cổ Ấn Độ hoặc chúng có thể là những câu chuyện trẻ con thời hiện đại về chuột của Beatrix Potter - The Tale of two bad rats (Câu chuyện về hai con chuột xấu xí) và The Tale of Samuel Whiskers (Câu chuyện về Samuel Whiskers).

Trong thời Phục hưng, câu chuyện ngụ ngôn Sư tử và chuột của Aesop lên án tham vọng xã hội. Truyện này có các phiên bản ở nhiều nước.

Trong các phiên bản cũ nhất, một con sư tử đe dọa một con chuột đã đánh thức nó khỏi giấc ngủ. Con chuột cầu xin sự tha thứ và đưa ra quan điểm rằng, chuột chỉ là con mồi nhỏ bé, không xứng đáng với sự oai phong của sư tử. Con sư tử đồng ý và thả chuột. Sau đó, sư tử bị sa lưới của những người thợ săn. Nghe tiếng gầm rú của sư tử bị nạn, con chuột nhớ lại sự khoan hồng của sư tử đối với mình trước đây, nó vội chạy đến, dùng răng gặm đứt lưới để cứu sư tử. Đạo đức của câu chuyện là sự thương xót và tha thứ sẽ mang lại phần thưởng cho chính mình. Các phiên bản tiếng Anh sau này củng cố điều này bằng cách hứa hẹn chuột sẽ trả lại sự ưu ái cho sư tử, để giải trí.

Trong những thế kỷ sau, truyện ngụ ngôn của La Fontaine bao gồm một phiên bản Sư tử và chuột ngắn gọn hơn.

Trong phiên bản của Ivan Krylov (1833), con chuột - thay vì làm phiền con sư tử, xin phép làm nhà trên lãnh thổ của mình, nói rằng một ngày nào đó nó có thể trở nên hữu ích. Bực bội với ý tưởng rằng một sinh vật quá đáng thương có thể cung cấp cho anh ta một bữa ăn, con sư tử tức giận bảo con chuột nên chạy trốn trước khi bị ăn thịt. Nhưng đến khi sư tử bị săn bắt, chỉ trong chuồng, sư tử mới nhận ra rằng niềm tự hào của chính mình bị sụp đổ.

Panchatantra, tên bộ sưu tập truyện ngụ ngôn thơ và văn xuôi về động vật cổ xưa của Ấn Độ. Tác phẩm gốc tiếng Phạn, mà một số học giả tin rằng được sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, của Vishnu Sharma. Chuyện cổ tích này kể về một đàn voi đến một khu rừng và muốn lấy nơi này để sinh sống. Nhưng đây là không gian của loài chuột. Chuột đầu đàn thay mặt cư dân nhà chuột tại đây tìm đến gặp các chú voi để trình bày hoàn cảnh, đời sống của chuột bao đời qua nơi đây. Thương tình, bầy voi không nỡ giành đất ở. Một hôm, đàn voi bị sa lưới thợ săn, tất cả chuột từ khu rừng xông xáo chạy đến cứu. Sự cảm thông của voi đã được đền đáp.

Một bậc thầy khác về nghệ thuật viết truyện thần tiên hay truyện trẻ em là nhà văn Hans Christian Andersen (1805-1875). Các truyện của Andersen có nguồn gốc từ các truyền thuyết dân gian, lại hàm chứa bên trong thể văn cá nhân và các yếu tố tự thuật hay tính châm biếm xã hội đương thời. Những câu chuyện cổ tích của Andersen đã được dịch sang hơn 125 ngôn ngữ, trở thành văn hóa gắn liền với ý thức tập thể của phương Tây, dễ dàng tiếp cận với trẻ em, nhưng cũng đưa ra những bài học về đức hạnh và khả năng phục hồi trước nghịch cảnh cho những độc giả trưởng thành. Câu chuyện “Nồi súp bằng xúc-xích” của Andersen, trong đó 4 con chuột khám phá cách nấu súp từ phần thừa bỏ hai đầu của cây xúc xích. Nghĩa là phải xoay sở, sáng tạo để có thức ăn. Đó là một bài học về sức mạnh của sự tích cực, xây dựng cộng đồng và làm thế nào để tạo ra thứ gì đó từ chỗ không có gì trong tay!

Nhà văn cho trẻ em và là họa sĩ chuyên vẽ minh họa các tác phẩm về động vật Helen Beatrix Potter (1866-1946), sinh và mất tại Kensington, phía tây London. Trong số những câu chuyện của Beatrix Potter, có truyện Two Bad Mice - Hai con chuột xấu xí, kể về sự tinh nghịch của hai nàng chuột và câu chuyện lôi cuốn bằng những tranh minh họa do chính tác giả vẽ.

HOÀNG ĐẶNG

.