Báo Đà Nẵng Xuân 2020

60 năm làm công dân Đà Nẵng

08:39, 27/01/2020 (GMT+7)

Lần đầu tiên tôi theo người chị con cậu ruột ra Đà Nẵng là năm 1960, tính đến nay đã tròn 60 năm. Hồi đó, chỉ mới 9 tuổi nên trông phố xá đất Hàn cái gì cũng to lớn, lạ lẫm so với những cảm nhận đã trở thành quen thuộc ở vùng nông thôn Điện Bàn quê nhà…

 

Từ những đường xưa, lối cũ

Lúc đó, phải đi bộ từ bến xe Vĩnh Trung lên kiệt 7 đường Đỗ Hữu Vị vừa đổi tên thành Hoàng Diệu. Đó là con đường nhựa cấp phối, hai bên lề đường toàn là cát. Trước khi đến Hoàng Diệu là đường Ông Ích Khiêm (trước có tên Rue Sabiella), có một chỗ băng qua đường ray xe lửa, sau này là khu chợ trời và khu gia binh. Trên những đường này, thỉnh thoảng có những cây cổ thụ tỏa bóng trồng từ thời Pháp thuộc, nơi các thợ thuyền, người đạp xích lô, những bà buôn gánh bán bưng thường dừng chân nghỉ.

 

Một lần tôi được dẫn đi coi xi-nê ở Rạp Chợ Cồn, cũng đi bộ trên đường Triệu Nữ Vương mà cha tôi nói là đường Lắp-Bê (Rue Labbée) hồi trước 1945. Lần đó, trước rạp là tấm phông lớn có vẻ cảnh một tài tử cưỡi ngựa mang súng ru-lô, chung quanh bụi mù và những cao bồi cỡi ngựa khác trông rất uy dũng. Đó là những bảng giới thiệu phim cao bồi mới du nhập đến Đà Nẵng, do các học trò của tiệm vẽ chân dung trên đường Hùng Vương (trước là đường Avenue de France) được thuê vẽ bằng màu.

 

Những con đường Đà Nẵng mà tôi có dịp đi qua bằng xe đạp, đi bộ hoặc được chở, thật tôi không nhớ hết. Sau này, đến năm 1965, khi đã ra định cư hẳn tại đây, cha tôi mới ghi chép lại trên một bản đồ ông vẽ bằng cái vỏ bao xi-măng cho tôi nhớ. Ví dụ, đường Lê Lợi có tên cũ là Francis Garnier, đường Phan Châu Trinh là Marc Pourpé, đường Bạch Đằng là Quai Courbet, Trần Bình Trọng là Cimetiere, Quang Trung là Rue Clemenceau, đường Thống Nhất, sau là Lê Duẩn có tên ban đầu là Rue Pigneau de Béhaine… Đường Trưng Nữ Vương nơi tôi ở ngày nay nguyên là Rue Quảng Nam, nơi đây có chợ Mới Huyện thuộc Hòa Vang dẫn lên sân bay và ngã chùa Bà Quảng phía Cẩm Lệ. Đi về phía Cẩm Lệ còn có con đường khác qua Đò Xu mà nay là Núi Thành thì vẫn gọi là Đò Xu, có lẽ người Pháp chưa đặt tên đường, sau 1954, đường này đặt tên là Võ Tánh.

Con đường Avenue de France từ ngã tư chợ Cồn lên ngã ba Cai Lang có tên là Rue de Huế, có lẽ do vậy mà phía ngã ba phía trên tượng Mẹ Nhu dân gian đã gọi là Ngã ba Huế chăng? Cũng từ ngã tư chợ Cồn ra bên biển Thanh Bình là tên vị vua người Việt Khải Định. Đà Nẵng lúc đó theo chỗ tôi biết, ngoài tên vua Khải Định chỉ còn tên Đỗ Hữu Vị, một người gốc Chợ Lớn, là phi công lái máy bay chiến đấu người Việt đầu tiên trong quân đội Pháp được đặt tên đường mà sau này đổi là Hoàng Diệu…

 

Có hai con đường mang tên các nhà khoa học Pháp được đặt ở Đà Nẵng thời ấy là đường Pasteur, nay vẫn còn nguyên và đường bác sĩ Yersin nay đã đổi thành Ngô Gia Tự. Việc thay đổi tên đường cũng như thay đổi tên làng là một việc làm rất nhạy cảm. Ví dụ đường Hải Phòng nguyên là đường Nguyễn Hoàng, trước đó là Rue Doudart de Lagrée (là nhà côn trùng học từng thám hiểm sông Mê Kông những năm 1860 và là sĩ quan Hải quân Pháp hoạt động ở Đông Dương), sau này tên Nguyễn Hoàng mới được đặt lại cho con đường mới trên nền đường xe lửa nối Ông Ích Khiêm tới sân bay. Việc thay đổi tên cũng dẫn đến những ngộ nhận khác là đường và các cầu De Lattre (sau đổi ra Trịnh Minh Thế rồi Trần Thị Lý) và cầu Nguyễn Hoàng do quân đội Mỹ xây dựng năm 1965-1966, sau đổi thành Nguyễn Văn Trỗi…

Đến những khu phố mới…

Ngày ông Nguyễn Bá Thanh mới được đề cử giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũ, ông có gặp vài anh em quen biết cũ để hỏi chuyện. Vì ông là người làm ở ngành nông nghiệp nên việc tham khảo ý kiến là dễ hiểu. Được biết, nhiều bạn bè và người quen đã nói với ông rằng, muốn Đà Nẵng phát triển thì phải trang bị kiến thức về quản lý đô thị, xây dựng cho được chính quyền đô thị và quy hoạch mở rộng Đà Nẵng về các xã chung quanh phía nam, phía tây và qua bên kia sông Hàn về phía biển…
Đến nay, từ mấy trăm ngàn dân, Đà Nẵng đã có dân số trên một triệu người, không gian đô thị đã mở rộng theo nhiều hướng và rộng gấp 4-5 lần so với cách đây 20 năm.

 

Từ các phường nội thị và khu ngoại vi Hòa Cường, Khuê Trung, Bắc Mỹ An… làm nông nghiệp, từ chiếc phà ngang cũ kỹ qua sông Hàn, nay Đà Nẵng đã mở ra các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa. Các vùng đất nông nghiệp trồng lúa và rau màu, đồi gò chung quanh Đà Nẵng đã nhanh chóng thành các khu đô thị và khu công nghiệp mới; khu vực ven biển, ven sông và cả chân núi đã thành các khu nhà cao tầng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Kinh tế và cả diện mạo Đà Nẵng đang phát triển nhanh chóng. Quy hoạch Đà Nẵng và các vùng phụ cận đang được điều chỉnh cho phù hợp với nhịp điệu đầu tư.

Từ một thành phố trực thuộc tỉnh, ngang cấp huyện, nay là đô thị loại 1 cấp quốc gia, trực thuộc Trung ương, đầu mối của Hành lang kinh tế đông - tây, nối liền khu tiểu vùng Mê Kông. Sân bay Đà Nẵng từ tình trạng “dưới cánh máy bay”, sau 20 năm đã có trên 30 tuyến bay nối liền các nước khu vực và thế giới. Đó là điều đáng mừng cùng với các danh xưng một bãi biển đẹp nhất hành tinh, là thành phố đáng sống, các hội nghị quốc tế như APEC đã chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức…

Nhưng, cũng có những điều khác “phía sau tấm huy chương” cần được nhìn nhận. Đó là ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt nhiễm mặn và ngập nước vào mùa mưa ở các khu đô thị mới lẫn cũ, rác và nước thải đang uy hiếp các bãi biển, nạn kẹt xe bắt đầu xuất hiện…

Tất cả như một thách đố trước mắt và lâu dài từ công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng quản lý đô thị một cách bài bản đến ý thức trách nhiệm và tinh thần thượng tôn pháp luật của các nhà quản lý, từng quan chức đến mỗi người dân!

Sáu mươi năm tôi làm công dân của một thành phố như Đà Nẵng mà nói thật, khi được mời đến nơi khác làm việc tôi đã mạnh dạn từ chối. Khi đi du lịch dài ngày hay công tác ở nước ngoài, tôi đã vội rút ngắn lịch trình và quay về. Không chỉ vì ở đây mình có gia đình, bạn bè, mà là ở chỗ không một đô thị nào mà sông, biển, núi, rừng là các tiện ích lại cận kề nhau, lại quyến rũ tôi đến vậy!

Nhưng cuối năm nhìn lại, để thấy những thách đố như vừa kể là có thật để sớm chung tay, đối diện và giải quyết, để Đà Nẵng thật sự là nơi đáng sống.

Nguyễn Sông Hàn

.