Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Cuối năm trên đỉnh Phou Khun

07:55, 26/01/2020 (GMT+7)

Tôi đi Lào nhiều lần, nhưng cứ đến cuối năm, đến gần Tết lại nhớ đến một địa danh ám ảnh tôi nhiều năm. Đó là dãy Phou Khun. Trong chiến tranh chống Mỹ, các bản tin chiến sự Đài Tiếng nói Việt Nam, đài BBC không hiểu sao đều gọi nó là Phou Khut.

Sinh thời anh trai tôi từng là quân tình nguyện trên chiến trường Lào, đều hỏi tôi mỗi lần tôi sang đó về: Mày có qua Phou Khút không? Rồi ông kể cho tôi nghe những năm tháng ông lăn lộn trên chiến trường gian khổ và ác liệt từ Cánh đồng Chum đến Phou Khun.

Tác giả trên Cánh đồng Chum.
Tác giả trên Cánh đồng Chum.

Lần qua Lào này tôi có ý định phải ngủ trên đỉnh Phou Khun một đêm, nơi ngã ba đường 13 nối với đường 7 là ranh giới của 3 tỉnh Vientiane, Luông Phrabang và Xiêng Khoảng, rồi sau đó theo đường 7 qua Cánh đồng Chum về cửa khẩu Nậm Cắn của Nghệ An.

Cung đường 13 quá thơ mộng từ Vientiane lên Luông Phrabang qua đèo Phou Khun mà tôi đã đi nhiều lần giờ đã khác xưa.

Không còn những khúc cong êm đềm bên các dòng suối, không còn sự yên tĩnh cùng những địa danh Văng Viêng, Kasi mà cả cung đường mù mịt bụi đất. Đường xe lửa cao tốc xuyên Á do Trung Quốc xây dựng cứ tưởng mới chỉ nói trên mạng không ngờ nó đã hiện ngay ở đây rồi. Những đoàn xe chở đất đá, vật liệu xây dựng nặng nề do lái xe Trung Quốc điều khiển cày nát mặt đường. Những bảng hiệu tiếng Trung lớn hơn tiếng Lào đỏ rực như để làm tăng thêm cái bức bội của bụi đất.

Công trường đồ sộ đó đã tiến gần tới thủ đô Vientiane mà từ biên giới Lào - Trung đến đây dài cả mấy trăm cây số. Có thể phía trên người ta đã làm xong rồi cũng nên? Những quán ăn bên đường thực đơn cũng ghi bằng tiếng Trung, công nhân Trung Quốc từng đoàn dừng xe trước quán ăn uống rất nhanh để trở về với công việc đang hối hả ngoài kia. Tôi ngỡ ngàng như mình đang lạc đường, không thể hình dung nổi con đường yên lành, thơ mộng mấy năm trước đã từng qua đây lại như thế này được.

Đến Kasi, thị trấn rất đẹp trước khi leo lên đèo Phou Khun thì có một con đường mới làm, không phải qua đỉnh đèo để lên Luông Phrabang. Con đường này đi men theo chân núi vừa ít dốc và gần hơn mấy chục cây số. Chúng tôi đến cách cố đô hơn 20 cây số mới nối vào đường 13 quen thuộc.

Luông Phrabang vẫn như xưa dù khách du lịch đã đông hơn nhiều và cũng như mọi nơi ở Đông Nam Á này, đông nhất vẫn là khách Trung Quốc. Chợ đêm đông vui nhưng có vẻ những người đến với nó không phải chỉ để mua bán. Khách ngồi kín các khu ẩm thực được quy hoạch gọn gàng để thưởng thức các món ăn Lào, mà cũng không phải chỉ có các món ăn Lào. Tôi cũng đi chợ nhưng không đến các quầy bán hàng. Vì lần nào tới đây cũng đến chợ đêm trở nên rất thân quen mà tôi thuộc diện người không nghiện mua sắm. Tôi ngồi ở một quầy ẩm thực, uống cạn ly bia Lào cho đã cơn khát sau một chặng đường đèo dốc và bụi đất.

5 giờ sáng, chúng tôi dậy tỏa ra các ngả đường, sẵn sàng máy quay phim, chụp hình để ghi nhận một sự kiện mà ai đến Luông Phrabang cũng không thể bỏ qua. Đó là hình ảnh các nhà sư khất thực. Lào theo Phật giáo Nam truyền, các bậc tu hành buổi sáng đi khất thực, ai cúng dường thức gì cũng nhận, không kể chay mặn, để dùng cho bữa ăn duy nhất trong ngày vào buổi trưa, trước ngọ. Ở các ngã ba ngã tư, hay trước nhà mình, phật tử chuẩn bị sẵn thức ăn, phần nhiều là xôi để chờ quý thầy đi qua. Có cả những khách du lịch nước ngoài cả Âu cả Á cùng mua xôi thành kính quỳ bên đường.

Khách sạn chúng tôi ở gần một ngôi chùa, khi ra đến đường thấy các nhà sư trẻ trở về chùa, tức là buổi khất thực đã xong, nhưng tôi không thất vọng vì biết còn nhiều đoàn đang khất thực ở các tuyến đường khác. Các bạn tôi - những người lần đầu đến Luông Phrabang, ấn tượng với hình ảnh này đã xách máy đi như chạy khắp các nơi có phật tử chờ cúng dường, cố ghi càng nhiều càng tốt vào máy của mình hình ảnh đặc sắc này.

Một điều thú vị nữa của buổi sáng Luông Phrabang là cà-phê ở bờ sông Mê Kông. Trước 9 giờ, khi các khách du lịch trong phố cổ, chủ yếu là châu Âu, là người Pháp chưa thức dậy, đoạn phố dọc bờ sông yên tĩnh, huyền bí vô cùng. Mấy năm trước đã vậy mà bây giờ vẫn còn vậy, chỉ mong sao sau này cũng sẽ vậy. Trong một quán nhỏ xinh xắn sát bờ sông, bên ly cà-phê pha theo kiểu Pháp, mùi bốc lên quyện vào sương sớm.

Vừa nhâm nhi vừa ngắm những con thuyền lặng lẽ lướt qua trên mặt sông yên ắng có thể nói là đủ cho chuyến đến Luông Phrabang rồi, còn các chuyện khác là lãi ròng. Tôi có một anh bạn, là một doanh nhân bận bịu nhưng đã bỏ ra hàng tháng lên ở đây chỉ để làm cái việc này mỗi  buổi sáng.
Tôi đưa các bạn đi thăm Hoàng Cung, di sản thế giới, đền Phou Si viếng chùa và vọng cảnh cố đô, đi chợ Sáng xem những con cá lăng sông Mê Kông nổi tiếng nặng hàng chục ký, mua loại rong sông chỉ có ở đây về làm quà.

Đầu giờ chiều chúng tôi theo đường 13 lên đỉnh Phou Khun, đoạn đường chỉ 129km mà Google bảo đi 4 giờ thì biết là đường hiểm trở thế nào. Chênh vênh trên đỉnh núi giữa các bản làng người H’Mông, năm trước tôi đi hoa ban trắng xóa trên các sườn núi. Bây giờ mới đầu mùa khô mà đã kém phần xanh tươi, lại thêm các đoàn xe của Trung Quốc dạng hổ vồ đang cày nát mặt đường nên con đèo này trở nên ít thân thiện hơn.

Cũng phải mất hơn 4 giờ mới lên đến đỉnh Phou Khun, xe chúng tôi tấp vào một quán ăn mà tôi đã từng dùng bữa trưa ở đây. Tôi khựng lại một lúc mới nhận ra cái quán này giờ là của người Trung Quốc. Từ bảng hiệu đến thực đơn đều là tiếng Trung. Bần thần như vừa mất một điều gì đó, tôi đi tìm một quán của người Lào. Có ai lại trên đỉnh Phou Khun mà ăn đồ Tàu, cũng như giữa Hàng Châu mà ăn lẩu Thái?

Cái quán tôi tìm được cũng là quán quen, hai vợ chồng người Lào trung niên rất dễ thương. Nơi này tầng dưới là nhà hàng, tầng trên là nhà trọ, có không khí của các hiệp khách giang hồ trong truyện kiếm hiệp. Chúng tôi được ăn một bữa ngon, chị chủ nhà làm cho món nhậu để tối đến sẽ thưởng thức rượu Lào trong cái rét lạnh đỉnh đèo.

Về khuya, rét càng đậm. Có chăn mền ấm được một giấc ngủ ngon nhưng 3 giờ sáng tôi đã thức dậy. Nhìn qua cửa sổ màn sương bao phủ khắp nơi. Cái phòng trọ giá chỉ 200.000 đồng tiền Việt
có thể quan sát ngã ba mà nhiều lần tôi mong muốn nghỉ được một đêm nay mới làm được. Chục năm trước ở ngã ba này còn cái trụ bê-tông làm từ thời Pháp ghi tên ngọn đèo, độ cao, nhiệt độ các mùa và mũi tên chỉ về ba phía: nam Vientiane, bắc Luông Phrabang, đông Xiêng Khoảng giờ không còn nữa, nhường chỗ cho biển quảng cáo. Có một chút nuối tiếc cùng với cảm giác bâng khuâng ở chốn gần với trời cao này làm tôi tỉnh táo chờ trời sáng.

Chưa sáng, chúng tôi đã lên đường theo đường số 7 về Cánh đồng Chum, con đường và địa danh mà tôi chưa từng qua, hồi hộp lạ lẫm chỉ biết trông chờ vào Google maps. Sau gần 100 cây số đồi núi nhấp nhô, một cánh đồng lúa hiện ra, rồi đường bằng phẳng dần. Tôi biết mình đã ở trên cao nguyên Xiêng Khoảng, hồi nhỏ học địa lý gọi là cao nguyên Trấn Ninh.

Cánh đồng Chum là địa danh để gọi chung cho 90 điểm có hàng ngàn cái chum đá khổng lồ rải rác trên cao nguyên. Trong chiến tranh vùng này là nơi quân Mỹ ném bom rất ác liệt. Đến nay chỉ có 3 trong 90 điểm đã gỡ bom mìn xong, đủ an toàn để đón khách. Người ta đang tranh luận rất nhiều về nguồn gốc, công dụng của những cái chum bí ẩn này và cũng chưa có kết luận nào rõ ràng. Cánh đồng Chum đúng là một thử thách cho các nhà khoa học thế giới. Những cái chum đá dù là để chôn người, chứa rượu, hay là gì đi nữa thì nó cũng là những vật thể thật ám ảnh. Nó còn lành hay đã vỡ cũng gợi cho ta về sự kỳ vĩ. Một điều ám ảnh nữa là vô số hố bom, có cái thật lớn cỡ bom tấn mà người Mỹ ném xuống cánh đồng này. Nghe nói các phi công Mỹ đi ném bom ở Việt Nam hay Lào, bom còn thừa thì đạp xuống đây. Có thể nào con người chế ra những cái chum này cả ngàn năm trước đã tiên đoán được những trận bom của thế kỷ 20 mà làm nó thật lớn để tồn tại.

Lẽ ra chúng tôi còn ghé tỉnh lỵ Xiêng Khoảng nhưng Google bảo đó là một đoạn đường vắng. Hỏi người dân họ nói: đây là Xiêng Khoảng, phía sau là chợ, phía trước là đường về Việt Nam. Đáng ra chúng tôi phải gõ vào Phonsavan thị xã của Xiêng Khoảng chứ không phải Xiêng Khoảng chung chung. Có chút tiếc nối, nhưng mục tiêu đến đây là Cánh đồng Chum đã xong, mọi người đều vui vẻ qua cửa khẩu Nậm Cắn về thị trấn Mường Xén của huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An.

Năm hết Tết đến có được một chuyến đi như thế này thật khó mà quên được.

Cuối năm 2019.

Thái Bá Lợi

 

.