Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Phát triển & bền vững

14:33, 14/01/2020 (GMT+7)

Đà Nẵng chọn chủ đề năm 2020 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Đây là năm thứ ba liên tiếp lãnh đạo thành phố chọn chủ đề này, trong khi có nhiều đề xuất chọn các chủ đề khác, như “Năm môi trường và trật tự đô thị” - hai lĩnh vực vốn rất “nóng” trên địa bàn thành phố trong những năm qua.

Tuyến đường ven biển quận Sơn Trà.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Tuyến đường ven biển quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Có nhiều nguyên nhân Đà Nẵng tiếp tục chọn thu hút đầu tư để tập trung nguồn lực trong năm 2020: Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã trao cho Đà Nẵng một vai trò và một tâm thế khác, thành phố có nhiều điều kiện và thuận lợi hơn trong phát triển, trong đó có các chính sách thu hút đầu tư. Số lượng các dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng cao trong các năm gần đây, năm sau cao hơn rất nhiều lần so với năm trước.

Nếu như trước đây các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đà Nẵng thường có quy mô nhỏ, số vốn thấp, quá trình triển khai kéo dài, thậm chí “treo”, thì năm 2019 vừa qua, các dự án mà Đà Nẵng thu hút đều có quy mô lớn, thời gian triển khai nhanh, đúng tiến độ. Cụ thể, sau Tọa đàm mùa Xuân 2019 diễn ra vào tháng 3, trong 8 dự án lớn được trao chứng nhận đầu tư, đến cuối năm đã có 5 dự án khởi công, 3 dự án triển khai đúng tiến độ cam kết.

Nhưng những tiền đề trên có lẽ chưa phải là vấn đề cốt lõi trong quyết định “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” của Đà Nẵng, mà là quan điểm thu hút đầu tư và hướng đi hết sức đúng đắn của thành phố: thu hút đầu tư gắn chặt với phát triển bền vững. Nhìn vào các dự án đã khởi công và đang triển khai các thủ tục đầu tư năm 2019 có thể thấy, đó đều là những dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, đúng với định hướng đầu tư phát triển Đà Nẵng: dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin…

Phương án “Chiếc nhẫn vì hòa bình” của Công ty StudioMilou Architecture (Singapore) được chọn để đầu tư nâng cấp Công viên 29-3.
Phương án “Chiếc nhẫn vì hòa bình” của Công ty StudioMilou Architecture (Singapore) được chọn để đầu tư nâng cấp Công viên 29-3.

Một quan điểm nữa về thu hút đầu tư của thành phố, rất rõ ràng: đầu tư thực chất. Nghĩa là trong quá trình tìm tòi, xúc tiến đầu tư, Đà Nẵng “chọn mặt gửi vàng”, chỉ “kết duyên” với những ai thực sự yêu, quý mến mình. Một vài dự án đầu tư chất lượng, rõ ràng, minh bạch sẽ có giá trị hơn rất nhiều lần hàng chục, thậm chí hàng trăm dự án hùng hồn đăng ký rồi “một đi không trở lại” sau khi các hội nghị xúc tiến đầu tư kết thúc. Quan điểm này đã được thể hiện rõ xuyên suốt trong các chương trình Tọa đàm mùa Xuân, trong các thông điệp của lãnh đạo thành phố trong thời gian qua và kể cả sau này.

Phát triển bền vững sẽ không có ý nghĩa khi tách khỏi cộng đồng và không phát triển vì cộng đồng. Một nền kinh tế, hay cụ thể hơn là một quá trình phát triển, phải phục vụ cộng đồng, trong đó người dân phải là đối tượng được hưởng thụ đầy đủ thành quả phát triển đó.

Cũng như các đô thị khác trong cả nước, Đà Nẵng đã trải qua một quá trình phát triển khá nóng và đã bộc lộ những bất cập, khiếm khuyết. Nhiều dự án đầu tư phát triển ồ ạt, ảnh hưởng đến cộng đồng, không gian và kể cả cảnh quan tự nhiên. Vấn đề là thành phố đã kịp thời nhìn ra và quyết tâm “sửa sai”. Chủ trương mở lối xuống biển là sự khởi đầu cho quyết tâm đó.

Từ khi bắt đầu thực hiện “mở lối xuống biển” đầu năm 2018 đến mùa xuân này, 3/5 lối xuống biển đã hoàn thành với không ít cam go, thử thách. Thử thách vì đụng chạm không ít lợi ích và quyền lợi của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, những người đang “sở hữu” các khu resort và các bãi biển thuộc loại đẹp nhất hành tinh. Cam go vì phải vận động, thuyết phục, thương thảo, đàm phán… Khó khăn và kéo dài như vậy, nhưng qua đó mới thấy được rằng, các doanh nghiệp, chủ đầu tư một khi “hiểu nhau” đều đồng thuận với chủ trương của thành phố giảm diện tích, quy mô đầu tư để người dân có thể đường hoàng xuống biển. Vạn sự khởi đầu nan, doanh nghiệp đã đồng lòng, người dân phấn khởi, các bước tiếp theo của “mở lối xuống biển”, tiếp đó là “đường đi bộ ven biển”, dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng chắc chắn sẽ làm được.

Tương tự như vậy là khu vực biển Nam Ô. Một dự án du lịch sinh thái tại khu vực này khi triển khai có nguy cơ ảnh hưởng đến những giá trị cộng đồng, xâm lấn các giá trị văn hóa, đã được thành phố điều chỉnh quy hoạch, trong đó đưa 5 lối xuống biển, ghềnh Nam Ô, bãi cát... ra khỏi dự án để phục vụ cộng đồng. Quyết định này được ban hành vào những ngày cuối năm 2019, mang đến rất nhiều niềm vui, không chỉ người dân Nam Ô mà hầu hết người dân thành phố. Không chỉ vậy, tin vui tiếp tục loan tới khi cũng vào những ngày cuối năm, đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô” bắt đầu được triển khai. Bản thân hai chữ “cộng đồng” xuất hiện trong đề án đã nói lên tất cả ý nghĩa của nó: dù đầu tư phát triển bất cứ cái gì, dự án nào thì cũng phải bảo đảm được giá trị cộng đồng. Rõ ràng hơn một chút, đó là phát triển du lịch nhưng phải hài hòa với môi trường sinh thái; phải bảo tồn, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống… ở khu vực cửa ngõ phía bắc thành phố. Niềm vui nhân đôi khi chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô nói trên cho biết sẽ đầu tư kinh phí và chiến lược để làm đề án này, trong đó sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ người dân nơi đây tham gia vào làm “du lịch cộng đồng”.

Tương tự như vậy là đối với các dự án ven sông Hàn. Có lẽ không nơi nào trên đất nước hình chữ S này có một dòng sông chảy trong lòng thành phố rồi xuôi ra biển như Đà Nẵng. Đẹp, thơ mộng như vậy nên cần phải gìn giữ, nhất là một khi nó có nguy cơ bị xâm hại. Vì lợi ích của người dân, vì giá trị cộng đồng, một lần nữa lãnh đạo thành phố quyết định tạm dừng hai dự án ven sông Hàn để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, công viên, khu vực công cộng… Và cũng như các dự án ven biển, chủ các dự án này đều đồng thuận với chủ trương của thành phố.

Một kiến trúc sư khá nổi tiếng ở Đà Nẵng, khi bàn về chuyện phát triển không gian công cộng ở Đà Nẵng, có nói với người viết đại ý rằng:

Đà Nẵng khi tổ chức không gian công cộng cần lấy dòng sông Hàn và không gian xung quanh nó làm trung tâm chủ đạo. Từ “trung tâm” đó nhìn ra không gian “tứ phía” với ngọn Ngũ Hành Sơn làm trung tâm phát triển không gian công cộng phía nam, tương tự như vậy là bán đảo Sơn Trà ở phía đông, dãy núi nam Hải Vân ở phía bắc, Bà Nà ở phía tây.

Có người cho rằng đây là một “ý tưởng lãng mạn” khi đô thị Đà Nẵng đang phát triển rất nóng, quỹ đất không còn nhiều, nhưng không phải là không khả thi khi Đà Nẵng đang rà soát lại rất nhiều dự án và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Chúng ta có cơ sở đề tin vào điều này, khi mới đây nhất, cuối năm 2019 vừa qua, UBND thành phố đã có báo cáo việc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng về rà soát quỹ đất thương mại dịch vụ để đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng sang đầu tư công trình công cộng, thiết chế văn hóa phục vụ người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng và lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra thực tế các lối xuống biển  và mở đường đi bộ, xe đạp phía đông các khu du lịch ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng và lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra thực tế các lối xuống biển và mở đường đi bộ, xe đạp phía đông các khu du lịch ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trong rất nhiều sự kiện diễn ra trong năm 2019 ở thành phố Đà Nẵng, tôi rất ấn tượng với ba cuộc thi thiết kế kiến trúc: công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng; phương án quy hoạch, kiến trúc Vườn tượng APEC mở rộng; phương án điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc Công viên 29-3.

Cả ba phương án thiết kế này đều đẹp, ấn tượng. Nhưng không chỉ đẹp, quan trọng và ý nghĩa hơn, đó là tính quyết định: quyết định thương thảo với doanh nghiệp để mở rộng công viên ở vị trí “kim cương” của thành phố; quyết định đưa bảo tàng Đà Nẵng đến vị trí đẹp hơn, bề thế hơn nhằm trả lại không gian cho Thành Điện Hải để tiến hành dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt này; quyết định nâng cấp công viên lớn nhất thành phố đúng nghĩa một công viên.

Cả ba công trình đều hướng đến mục đích: mở rộng không gian công cộng, nâng cao giá trị cộng đồng, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa và lịch sử để hướng đến mục tiêu: vì người dân và cộng đồng.
Những giá trị bền vững và rất hợp lòng dân như vậy, cần gìn giữ, mở rộng, nâng cao. Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đà Nẵng đã và đang làm, từng bước, chắc chắn!

THẢO NHI

.