Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022
Dấu ấn nhân văn
Tuy đậm nhạt nhiều lúc khác nhau, nhưng nguyên nhân nổi trội nhất làm nên sức mạnh Đà Nẵng trong suốt một phần tư thế kỷ trực thuộc Trung ương vừa qua chính là sự đồng thuận của người dân.
Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà). Ảnh: DOÃN TRIỀU |
Nguyên nhân nổi trội này từng được người đứng đầu Đảng bộ thành phố ghi nhận và khẳng định cách đây mười năm, khi Đà Nẵng vừa trải qua chặng đường mười lăm năm trực thuộc Trung ương - trong buổi nói chuyện với đông đảo cán bộ lãnh đạo quản lý toàn thành phố ở Cung Thể thao Tiên Sơn vào sáng 24-2-2012, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã nhấn mạnh: “Cái được lớn nhất là lòng dân”.
Thế nhưng muốn được lòng dân, muốn được người dân đồng thuận, muốn Đảng nói dân tin, Mặt trận và các đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ nhằm đưa Đà Nẵng đi lên đi tới trong phát triển, cần phải có những chính sách an sinh xã hội để bản thân người dân có thể được thụ hưởng hầu hết thành quả của phát triển. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng phải điều chỉnh một cách đầy thuyết phục phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nêu ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
3 chương trình đặc biệt
Có thể nói, thành tựu “đắc nhân tâm” nhất của Đà Nẵng trong 25 năm qua là các chương trình an sinh xã hội được người dân rất đồng thuận, không chỉ đánh giá cao mà còn chung tay góp sức cùng thực hiện. Đó là chương trình “Thành phố 5 không” khởi xướng năm 2000 với năm mục tiêu: “không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có giết người để cướp của và không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”.
Sau hai năm, Đà Nẵng tiến hành điều chỉnh hai mục tiêu đầu cho phù hợp hơn với thực tế: “không có hộ đặc biệt nghèo và không có trẻ em bỏ học vì lý do kinh tế”. Đến năm 2016, điều chỉnh mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” thành “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng”. Và đến năm 2020, bổ sung vào mục tiêu “không có học sinh bỏ học vì lý do kinh tế” nội dung “không có học sinh bị bạo hành và bị xâm hại trong trường học, bị đuối nước”, đồng thời bổ sung vào mục tiêu “không có giết người để cướp của” nội dung “không có băng nhóm tội phạm bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê”.
Đó là chương trình “Thành phố 3 có” khởi xướng năm 2005 với ba mục tiêu: “có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Đó là chương trình “Thành phố 4 an” khởi xướng năm 2016 với bốn mục tiêu: “an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội”. Đến năm 2020, bổ sung vào mục tiêu “an sinh xã hội” nội dung “không có điểm nóng về môi trường”. Mục tiêu khó nhất trong quá trình thực hiện ba chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và “Thành phố 4 an” ở Đà Nẵng là “có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà hai năm liền - năm 2015 và năm 2016 - Đà Nẵng đã chọn chủ đề năm là năm Văn hóa, văn minh đô thị.
Hiện nay cả ba chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và “Thành phố 4 an” vẫn đang được Đà Nẵng tiếp tục thực hiện góp phần xây dựng thương hiệu của thành phố bên sông Hàn trong thập niên thứ ba thiên niên kỷ mới. Có thể nói trong hai thập niên đầu, ba chương trình an sinh xã hội này đã đồng hành cùng người Đà Nẵng trong phát triển, trở thành ký ức khó phai mờ.
Vì thế nên mặc dù có ý kiến cho rằng có thể tích hợp ba chương trình này thành một chương trình “ba trong một”, chẳng hạn tích hợp hai chương trình “thành phố 5 không” và “thành phố 3 có” vào chương trình “thành phố 4 an” đi đôi với việc bổ sung điều chỉnh một số nội dung cho sát hơn với thực tế, nhưng người Đà Nẵng quyết định vẫn duy trì cùng lúc cả ba chương trình để lưu giữ dấu ấn nhân văn tốt đẹp từng tỏa sáng ở hai thập niên trước, cũng là cách truyền cảm hứng về an sinh xã hội trong thập niên thứ ba này.
Truyền cảm hứng an sinh xã hội
Truyền cảm hứng về an sinh xã hội là công việc của toàn xã hội, hẹp hơn là của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là thông qua công tác dân vận của Đảng, của chính quyền, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhằm tạo sự đồng thuận rồi tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền thành phố.
Tuy nhiên đồng thuận rồi tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền thành phố chỉ mới chứng tỏ người dân Đà Nẵng có niềm tin vào Đảng bộ và chính quyền, trong khi mục đích của công tác dân vận thông qua các chương trình an sinh xã hội không chỉ dừng ở đó. Có một thời, Đà Nẵng tự hào “Đảng nói dân tin, Mặt trận và các đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ”, nhưng dân tin, dân theo, dân ủng hộ cũng chỉ là sản phẩm của sự đồng thuận ở mức độ thấp.
Mục đích cao hơn của công tác dân vận thông qua các chương trình an sinh xã hội là phải vận động người dân - nhất là đối tượng tinh hoa - sẵn sàng đóng góp tài năng, trí tuệ vào công cuộc phát triển thành phố. Đóng góp tài năng, trí tuệ mới là biểu hiện cao nhất của niềm tin.
Người dân đồng thuận rồi tự giác chấp hành chủ trương, chính sách chỉ chứng tỏ là đã “được lòng dân”; còn người dân sẵn sàng đóng góp tài năng, trí tuệ vào công cuộc phát triển, sẵn sàng mang hết sở học phụng sự cộng đồng mới chứng tỏ là đã “đứng giữa lòng dân” - từ “được lòng dân” cho đến “đứng giữa lòng dân” là cả một khoảng cách rất dài trong quá trình vận động quần chúng.
Chính những kết quả về an sinh xã hội đã thúc đẩy Đà Nẵng đặt ra một khát vọng là làm sao để thành phố mình đáng sống hơn, để cuộc sống hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay; đã thúc đẩy Đại hội đại biểu lần thứ XX Đảng bộ thành phố năm 2010 đưa vào nghị quyết mục tiêu phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố “đáng sống”.
Tuy nhiên, đây mới là đề bài chứ chưa phải đáp số, đòi hỏi người Đà Nẵng phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chương trình an sinh xã hội, phải hướng mạnh về mục tiêu xây dựng một Đà Nẵng “an bình” nêu ra từ Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố và được tiếp tục khẳng định ở hai Đại hội lần thứ XXI và lần thứ XXII.
Xin nói thêm, người Nhật cũng có một khái niệm rất hay là vĩnh bình - bình an vĩnh viễn, và có thể nói rằng, ở đây vĩnh viễn bình an vẫn chỉ là một khát vọng hơn là một sự thực nhãn tiền. Hay tiêu chí Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ mà cụ Nguyễn Công Trứ đề cập trong bài “Hàn Nho phong vị phú” nổi tiếng vẫn chỉ là một khát vọng hơn là một sự thực nhãn tiền, thậm chí suy đến cùng đây là lời tự trào của một hàn Nho/học trò nghèo, nghèo quá chẳng có gì để giữ nên bỏ ngỏ chứ đóng ngõ làm gì!
Đổi mới cách nghĩ, cách làm
Trở lại các chương trình an sinh xã hội của Đà Nẵng trong suốt một phần tư thế kỷ trực thuộc Trung ương vừa qua, có thể thấy vào đầu năm 2019, khi ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XII đã đánh giá về những hạn chế bất cập liên quan tới kết quả thực hiện các chương trình an sinh xã hội của Đà Nẵng trong quá trình phát triển như sau: “Ô nhiễm môi trường gia tăng, xử lý chưa hiệu quả... Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định; công tác xóa đói, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao”.
Người Đà Nẵng quyết định vẫn duy trì cùng lúc cả ba chương trình để lưu giữ dấu ấn nhân văn tốt đẹp từng tỏa sáng ở hai thập niên trước, cũng là cách truyền cảm hứng về an sinh xã hội trong thập niên thứ ba này.
|
Rõ ràng thời gian tới. Đà Nẵng cần phải đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội với quyết tâm chính trị cao hơn trước, thậm chí cần đổi mới cách nghĩ, cách làm để có thể thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Ngoài việc tiếp tục duy trì cùng lúc cả ba chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” và “thành phố 4 an” trên cơ sở bổ sung điều chỉnh cho sát hơn với thực tế, theo tôi nên quan tâm hơn khía cạnh văn hóa của một số nội dung. Chẳng hạn Ban Văn hóa và Xã hội HĐND thành phố nên được giao nhiệm vụ giám sát tất cả nội dung của chương trình “thành phố 4 an” chứ không chỉ hai nội dung “an toàn vệ sinh thực phẩm” và “an sinh xã hội” như hiện nay. Bởi lẽ hai nội dung “an ninh trật tự” và “an toàn giao thông“ không chỉ liên quan tới khía cạnh pháp chế, mà còn và chủ yếu là liên quan tới khía cạnh văn hóa, chẳng hạn văn hóa giao thông, tinh thần thượng tôn pháp luật…
Nội dung “có việc làm” trong chương trình “thành phố 3 có” cũng đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này là sở và các phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phải có năng lực tham mưu sâu hơn nữa về khoa học lao động, từ việc dự báo nhu cầu đến việc tạo nguồn lao động được đào tạo đúng chuẩn… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trên địa bàn thành phố và từng quận, huyện trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay…
Cần thấy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường lao động, làm thế nào để ngày càng có nhiều việc làm cho người Đà Nẵng ở khu vực nội thành chắc cũng không hề dễ dàng, huống chi là tìm cách để có nhiều việc làm hơn cho người Đà Nẵng ở khu vực nông thôn - không phải một nông thôn thuần túy bình thường mà là một nông thôn đang sôi động trên đường đô thị hóa. Cũng cần thấy, “có việc làm” phải gắn chặt hơn nữa với “có nhà ở”, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung, để khi cần thiết có thể triển khai phương án “ba tại chỗ” một cách an toàn và hiệu quả.
BÙI VĂN TIẾNG