Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022
25 năm nhìn lại và đi tới
Đà Nẵng đã trải qua 25 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 25 năm cũng là dịp cùng nhìn lại những thành tựu quan trọng và hướng tới tương lai thành phố trong chặng đường mới trên con đường xây dựng Đà Nẵng hiện đại, an bình, giàu đẹp, văn minh. Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022 ghi nhận những ý kiến tâm huyết của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; những đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả, cùng chung tay định hướng tương lai, định hình tầm nhìn đưa thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ảnh: HUY TUẤN |
* Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng:
Mạnh mẽ, quyết đoán để phát triển
Năm 2000, tôi được Bộ Chính trị chỉ định về làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, một thành phố vừa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có khát vọng phát triển mạnh mẽ. Lúc ấy, thành phố có những khó khăn nhất định. Kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông còn yếu, cảng biển, sân bay nhỏ. Khả năng kết nối với địa phương xung quanh gặp khó khăn, chưa tạo được sức hút cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cơ hội và thuận lợi là Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997) ngay vào thời điểm cả nước có sự trở mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Đội ngũ lãnh đạo thành phố năng động, tâm huyết và có nhiều hoài bão.
Bắt đầu từ phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thành phố khánh thành cầu Sông Hàn, cây cầu đầu tiên nối trung tâm thành phố với quận Sơn Trà. Tiếp đó, thành phố xây dựng cầu Tiên Sơn, cầu Thuận Phước; khu đô thị và cơ sở hạ tầng ven biển phát triển rất nhanh...
Khi Trung ương xúc tiến làm hầm Hải Vân, thành phố cũng xin phép Trung ương mở rộng cảng Tiên Sa, cảng Hàng không Đà Nẵng và tăng cường tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài... Từ đó, các tiềm năng và thế mạnh của Đà Nẵng hiện rõ dần, sức hút với các nhà đầu tư ngày càng một lớn lên. Đà Nẵng đã có những bước đi ban đầu đúng hướng.
Sau 25 năm, Đà Nẵng tạo lập một diện mạo mới, từng bước trở thành một “thành phố đáng sống”. Trong suốt quá trình ấy, thành phố đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Trung ương. Cụ thể, Bộ Chính trị đã có hai nghị quyết đối với sự phát triển của Đà Nẵng, đặc biệt là Nghị quyết 43-NQ/TW (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết mở đường cho Đà Nẵng tiến lên, xây dựng thành phố trở thành một trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, đặc biệt trong đó Chính phủ đã phê duyệt lại quy hoạch thành phố.
Phát huy những thuận lợi và thời cơ ấy, bám sát những tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, thời gian tới, thành phố vừa lo phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, vừa phải tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vượt qua mọi mặc cảm và e ngại, xóa bỏ thói quen lạc hậu như tâm lý nhiệm kỳ, tiếp tục học hỏi, đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo, tất cả vì tương lai của thành phố, vì hạnh phúc của người dân. Chúng ta có cơ sở để tin rằng trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ có những bước phát triển bứt phá ngoạn mục, phát huy xứng đáng truyền thống hào hùng của thành phố và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong cả nước.
* Ông Lê Quốc Khánh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ); nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Phát huy hết nội lực, đưa thành phố tiếp tục phát triển
Có thể nói, sự chia tách tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương như một tất yếu của lịch sử. Nhờ vậy , thành phố Đà Nẵng cũng như tỉnh Quảng Nam có sự phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu to lớn.
Vượt qua khó khăn, thách thức ban đầu, Đà Nẵng dần đi vào guồng quay đô thị hóa mạnh mẽ, với việc tái thiết gần như toàn bộ không gian đô thị thành phố. Bộ mặt đô thị thành phố đổi khác, to đẹp, rộng lớn và uy cường hơn.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển vượt bậc đó, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã có nhiều chính sách, sáng kiến mang tính đặc thù, từ việc đổi đất lấy hạ tầng, thu hút nhân tài, định hướng cơ cấu kinh tế trong đó lấy dịch vụ du lịch làm trọng tâm…
Kết quả mang lại là rất đáng kể, tạo ra một bộ máy với nguồn nhân lực chất lượng, có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và khát khao cống hiến cho sự phát triển thành phố. Thành phố ngày càng đẹp, là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương, dần định hình được bản sắc của một “thành phố đáng sống”.
Trong thời gian tới, mong muốn lớn nhất và cháy bỏng nhất của nhân dân thành phố, là lãnh đạo thành phố phải quyết liệt, tranh thủ mọi sự ủng hộ của Trung ương, nguồn lực từ bên ngoài và phát huy hết nội lực của mình để đưa thành phố đi lên phát triển.
Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực, dần khẳng định vị thế, trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra.
Với sự quyết tâm, tinh thần cống hiến, sự mạnh dạn của thế hệ trẻ, sự dồi dào về trí lực, học thức của lãnh đạo thành phố hiện nay, tôi tin tưởng rồi thành phố sẽ còn phát triển vượt bậc hơn nữa. Trong năm mới, tôi mong muốn lãnh đạo thành phố mạnh khỏe, nhiệt huyết, trở thành niềm tự hào của người dân thành phố cũng như sự kỳ vọng của nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ.
* Ông Nguyễn Đức Hạt, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng:
Sự phát triển ấn tượng của thành phố bên sông Hàn
Tôi nhớ lại, mùa xuân năm 2002, thành phố đón kiều bào về vui Xuân, đón Tết và thăm quê hương. Trong buổi gặp mặt, nhiều người phát biểu và bày tỏ niềm vui mừng phấn khởi và cả sự ngạc nhiên trước sự đổi thay nhanh chóng của thành phố.
Một vị Đại đức sống lâu năm ở Nepal, nay lần đầu về thăm quê hương rất xúc động nói rằng, trước đây tôi học ở trường cấp 3 Phan Châu Trinh, nay về đây, muốn đến thăm người bạn cũ, nhà ở chỗ cầu Vồng, nhưng tôi tìm mãi không thấy cầu Vồng ở đâu. Vậy là, chính tôi đã đi lạc giữa thành phố của mình.
Năm 2002, chỉ mới có 5 năm sau ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà bà con Việt kiều đã ngạc nhiên trước sự phát triển nhanh chóng. Nay đã 25 năm rồi, nếu có về thăm lại quê hương, chắc bà con còn ngạc nhiên nhiều hơn nữa, vì thành phố đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một đô thị loại 3, không gian đô thị nhỏ, kinh tế kém phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, nhất là sự cách biệt giữa “quận Ba” và “quận Nhất” là quá lớn. Nhớ lại mấy câu thơ thuở nào:
“Đứng bên ni sông Hàn/ Ngó bên tê sông Hàn/ Thấy nước xanh tàu lá/ Đứng bên tê sông Hàn/ Ngó bên ni sông Hàn/ Thấy phố xá thênh thang”
Những hình ảnh trong mấy câu thơ ấy, nay chỉ còn trong ký ức. Những dãy nhà chồ dọc theo bờ sông Hàn, hiện hình cho sự nghèo nàn, lạc hậu không còn nữa. Thay vào đó là những cây cầu hiện đại, độc đáo, mở ra cánh cửa cho một vùng đất mới khai phá - vùng đất phía đông bên kia sông.
Tại vùng đất cát, hoang hóa, khô cằn trước đây, nay nhiều nhà dân khang trang, nhiều khách sạn, nhà hàng, nhiều nhà cao tầng mọc lên; nhiều khu du lịch mở ra dọc theo bờ biển từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn làm thay đổi nhanh chóng diện mạo vùng đông thành phố, đem lại niềm vui mừng phấn khởi cho người dân nơi đây.
25 năm, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, thành phố đã phát triển vượt bậc, bứt phá đi lên. Không gian đô thị mở rộng ra gấp nhiều lần; hệ thống giao thông đồng bộ; nhiều công trình với lối kiến trúc mới mẻ, độc đáo, làm tăng thêm vẻ đẹp và tính hiện đại của thành phố. Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, cơ cấu chuyển dịch tích cực, đúng hướng, nhất là hình thành khu công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng thành phố thông minh và công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với sự phát triển của kinh tế số, xã hội số.
Thành phố xứng đáng nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức uy tín lớn của quốc tế và trong nước như: 11 năm liên tiếp (2009-2019) dẫn đầu cả nước về Chỉ số phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; năm 2019 xếp hạng nhất về chính phủ điện tử; đoạt Giải thưởng Thành phố thông minh của tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại dương. Năm 2021, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đánh giá: Đà Nẵng là thành phố thông minh xuất sắc nhất và thành phố hấp dẫn khởi nghiệp sáng tạo.
Du lịch phát triển đa dạng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, đứng đầu trong top 10 điểm đến du lịch hấp dẫn toàn cầu năm 2020, thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đời sống người dân thành phố ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Có được những thành tựu đó, trước hết là lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã biết kế thừa truyền thống Quảng Nam - Đà Nẵng trung dũng, kiên cường; sự quyết tâm nỗ lực rất lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị, biết phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; biết huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, với bản lĩnh và ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu và vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Đặc biệt được sự đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận, sự ủng hộ đóng góp của nhân dân vào các chủ trương phát triển của thành phố. Mở đầu và điển hình là sự đồng thuận rất cao, đóng góp tích cực của người dân trong việc xây dựng cầu quay Sông Hàn. Sau đó, là hàng trăm nghìn hộ dân sẵn sàng di dời để thành phố có cơ sở xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới khang trang, khớp nối hạ tầng để có diện mạo như ngày hôm nay.
Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, thành phố phải tạo cho được sự liên kết chặt chẽ, hội tụ cho được sức mạnh của cả khu kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây nguyên, tiếp tục phát huy truyền thống, thành tựu, thế mạnh sẵn có của thành phố; đặc biệt tiếp tục phát huy hơn nữa sự đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận, sự đóng góp tích cực của người dân, đồng thời thực hiện tốt các phương châm mà thành phố đã đặt ra: “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ”; thành phố phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức, thông thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần sáng tạo, ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, được dân tin tưởng.
Có như vậy, chúng ta mới vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cho dù đó là thiên tai, bão lũ tàn phá, hay Covid-19 hoành hành; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - “Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước”. Từ đó tạo ra động lực mới, bước đột phá mới, sức hấp dẫn mới, thu hút nhiều hơn nữa các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư lớn, giới tinh hoa trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng, để cho thành phố bên sông Hàn vươn lên mạnh mẽ, trở thành đô thị tầm cỡ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
* Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố:
Đề cao vai trò gương mẫu, đầu tàu của người đứng đầu
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, thành phố Đà Nẵng định hình rõ nét con đường đi lên để tạo ra diện mạo mới, với điểm nổi bật là hạ tầng giao thông. Hệ thống đường bộ, đường biển (cảng biển), đường hàng không được mở rộng, thông thương khắp cả nước và ra thế giới. Những khu du lịch hiện đại, quy mô lớn, đẳng cấp được xây dựng, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước.
Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hình thành, đáp ứng yêu cầu hiện nay và đón đầu sự phát triển tương lai; hệ thống thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm, đầu tư đúng mức. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, bằng nhiều chương trình ý nghĩa, nhân văn như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “thành phố 4 an”…
Những thành tựu trên là kết quả của nhận thức và tổ chức thực tiễn trong việc coi trọng vấn đề quy hoạch tổng thể trên địa bàn cũng như trên từng lĩnh vực. Thành phố đã xác định đúng cơ cấu kinh tế, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm việc phát triển nguồn nhân lực; tìm ra mũi đột phá, tạo ra những bứt phá. Đồng thời, đó cũng là kết quả của việc tạo ra sự đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của người dân trong từng quyết sách phát triển thành phố.
Thành tựu 25 năm qua là công sức của nhân dân và Đảng bộ thành phố. Đó là tiềm lực, tiền đề, xung lực cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy để thúc đẩy sự phát triển thành phố. Đồng thời, cần rút ra những bài học kinh nghiệm để trưởng thành vững vàng hơn.
Vai trò của Đảng bộ và sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đặc biệt của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, là nhân tố quyết định đến sự thành công trong thời gian qua và sự phát triển thời gian đến. Vì vậy, phải quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng Đảng theo chỉ đạo của Trung ương và từ thực tiễn thành phố, trong đó hết sức coi trọng việc tiếp tục nâng cao giác ngộ lý tưởng, phẩm chất, năng lực đảng viên; chống tiêu cực và suy thoái về tư tưởng, đạo đức; đặc biệt đề cao và yêu cầu nghiêm khắc về vai trò gương mẫu, đầu tàu của người đứng đầu trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của đảng viên, quần chúng trong xây dựng Đảng. Có như vậy mới bảo đảm được vị trí tiên phong, vai trò lãnh đạo, uy tín chính trị, năng lực cầm quyền và niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng bộ.
NGỌC PHÚ-TRỌNG HUY thực hiện