Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022

Chuyển đổi để bứt phá

06:53, 04/02/2022 (GMT+7)

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, kinh tế thành phố Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Sau giai đoạn chạy đà (1997-2000), giai đoạn 2000-2010 thành phố phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng GRDP 11,16%. Đầu tư trở thành động lực chính cho giai đoạn này, với đóng góp tới 58,65% vào tăng trưởng. Từ năm 2011-2019, Đà Nẵng tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP xoay quanh trục 7-8%. Trong đó, yếu tố công nghệ đã đóng góp đạt 44,6% GRDP giai đoạn 2016 – 2020.

Tuy nhiên, trong hai năm 2020-2021, Covid-19 bùng phát, Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhiều lần của dịch bệnh và đây chính là yếu tố tác động nặng nề đến tình hình kinh tế - xã hội của thành phố. Sau khi tăng trưởng âm trong năm 2020, năm 2021, kinh tế thành phố lấy lại đà tăng trưởng với GRDP tăng 0,18%.      

Tác động tiêu cực do dịch bệnh dự kiến còn kéo dài, năm 2022 và giai đoạn tiếp theo là thời gian nền kinh tế Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, quá trình phát triển trong xuyên suốt 1/4 thế kỷ qua đã giúp cho thành phố Đà Nẵng nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để vượt qua khó khăn, thách thức, biến những ảnh hưởng bất lợi từ dịch bệnh thành cơ hội để bứt phá.

Trước hết, là bài học về huy động sức mạnh trí tuệ toàn dân, trong đó có đội ngũ trí thức. Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chúng ta ở điểm xuất phát thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, thiếu vốn đầu tư. Nhưng với khát vọng và trách nhiệm đối với người dân thành phố, lãnh đạo thành phố đã luôn động viên sự tham gia tích cực của người dân vào các chương trình, kế hoạch phát triển của thành phố, thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp.

Đã có rất nhiều sáng kiến hay từ người dân góp phần giúp thành phố tháo gỡ được khó khăn, đặc biệt là những trở ngại từ công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ các dự án. Cũng đã có nhiều ý kiến có giá trị từ chuyên gia khắp mọi miền đất nước giúp lãnh đạo có những bước đi sáng tạo, đột phá, khắc phục được rào cản về cơ chế để đưa Đà Nẵng phát triển.

Thứ hai, là bài học về tạo dựng lòng tin. Nỗ lực trong cải cách thể chế, thủ tục hành chính của chính quyền thành phố đã dành được sự tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp thể hiện qua thành tích của Đà Nẵng từ kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với bảy năm xếp thứ 1, ba năm xếp thứ 2, bốn năm xếp thứ 5 trong 15 năm kể từ khi bảng xếp hạng quốc gia PCI được công bố. Tạo được lòng tin của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc tạo ra một nguồn động lực rất lớn từ xã hội. Giải quyết nhanh, kịp thời, có hiệu quả những việc thuộc thẩm quyền, không ngừng tự đổi mới đã tạo ra lòng tin và kích thích ý chí phấn đấu, khát vọng vươn lên của đội ngũ công chức, viên chức.

Trong suốt 25 năm qua, thành phố đã có nhiều chủ trương để phân cấp, phân quyền cho quận, huyện, sở ngành nhằm tạo ra tính tự chủ của các đơn vị. Luôn đặt lợi ích của người dân, của cộng đồng lên trên hết, trước hết trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, quy hoạch, kế hoạch, dự án đã tạo được lòng tin, sự đồng thuận trong nhân dân mà việc tự nguyện di dời của hàng vạn hộ dân để thành phố có mặt bằng xây dựng các công trình thế kỷ là biểu hiện sinh động nhất.

“Đảng nói dân tin, Mặt trận đoàn thể vận động dân theo, Chính quyền làm dân ủng hộ” là đúc kết đầy đủ nhất lòng tin của người dân đối với hệ thống chính trị. Tạo dựng được lòng tin đối với doanh nghiệp, người dân, và đội ngũ công chức thuộc hệ thống chính trị cũng tức là hình thành niềm tin xã hội, sức mạnh để tạo ra cuộc cách mạng về đô thị.

Thứ ba, là bài học về chuyển đổi để bứt phá. Hành trình 25 năm của Đà Nẵng là hành trình chuyển đổi về tư duy và hành động. Chuyển từ tư duy bị động, khuôn mẫu sang tư duy chủ động, tự cường, bứt phá. Chuyển từ tư tưởng, phương thức quản lý cấp huyện, bó hẹp trong không gian địa giới hành chính sang phương thức quản lý đô thị, có tầm nhìn của đô thị hiện đại. Chuyển từ lối sống nông thôn, nếp nghĩ nông nghiệp sang lối sống đô thị, nếp nghĩ công nghiệp.

Giai đoạn 2021-2030 là thời kỳ của cách mạng 4.0, kỷ nguyên số, kỷ nguyên không có dành nhiều cơ hội cho những người đi sau. Cuộc cách mạng lần này sẽ làm thay đổi đời sống xã hội toàn diện, từ cách thức sản xuất đến sinh hoạt hằng ngày của con người, vì vậy yêu cầu về chuyển đổi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Chúng ta đã đi qua chặng đường một phần tư thế kỷ kể từ khi trở thành đô thị trực thuộc Trung ương với rất nhiều bài học rút ra từ thăng trầm của quá trình phát triển. Những bài học đó là sự đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động dựng xây thành phố, kết tinh bởi trí tuệ, sức lực của đông đảo người dân, có giá trị trường tồn. Nhận thức được tính khách quan của quy luật chu kỳ trong phát triển kinh tế, định lượng những khó khăn sẽ gặp phải trên con đường phát triển, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm sẽ giúp thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Đà Nẵng tiếp tục phát triển, bứt phá đi lên.

TS. ĐẶNG VIỆT DŨNG

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

.