Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022

Góc nhìn từ thị trường chứng khoán

13:58, 02/02/2022 (GMT+7)

Chính phủ và các địa phương nỗ lực tìm giải pháp giúp tăng sức “đề kháng” cho doanh nghiệp chống chịu sau Covid-19 và phục hồi kinh tế. Đã có các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp ở quy mô toàn quốc và thành phố diễn ra, nhiều đề xuất, kiến nghị được doanh nghiệp nêu ra và đến nay đã có những chủ trương được chính quyền các cấp ban hành và đã công khai trên phương tiện truyền thông. Bài viết này đề cập một góc nhìn khác, đó là từ góc nhìn từ thị trường chứng khoán, đồng thời đi tìm mối quan hệ tương hỗ của thị trường chứng khoán với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Đà Nẵng như thế nào?

Chắp cánh để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ

Thực tiễn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời kỳ non trẻ 20 năm vừa qua chứng kiến không ít thăng trầm, nhưng đã có sự phát triển vượt bậc. Đến cuối tháng 11-2021, có hơn 1.900 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên 3 sàn chứng khoán HoSE, HNX và UpCom với quy mô thị trường đạt hơn 9,2 triệu tỷ đồng, tương đương 148% GDP - một con số đáng nể. Đặc biệt, TTCK đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

Thông qua kênh huy động vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, thị trường đã “chắp cánh” cho hàng trăm doanh nghiệp trong nước vươn lên lớn mạnh, nâng tầm đối tác trong các hoạt động liên doanh, liên kết, mua bán, sát nhập và nhiều doanh nghiệp nhờ đó đã đầu tư hiệu quả ra thị trường thế giới. Đa số doanh nghiệp niêm yết trên TTCK đã được tái cấu trúc mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng về vốn liếng, sản phẩm - dịch vụ và quản trị doanh nghiệp.

Hàng chục tập đoàn, công ty tư nhân chuyển đổi, công ty Nhà nước cổ phần hóa xuất phát điểm còn  những công ty vừa và nhỏ thì sau một thời gian tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán, đến tháng 12-2021 đã là những tập đoàn vốn hóa tỷ USD.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sau 14 năm niêm yết trên sàn HOSE, vốn chủ sở hữu hiện nay đã lên đến 45.000 tỷ, cao gấp 34 lần so với thời điểm mới lên sàn năm 2007, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng vốn qua từng năm.

Năm 2017, HPG chào bán cổ phiếu ra TTCK và đã nhanh chóng thu về 5.000 tỷ đồng để đầu tư cho dự án chiến lược Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất, nâng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận đến năm 2020, đã đưa HPG vào top doanh nghiệp lớn hàng đầu khu vực châu Á và nhóm 50 công ty thép lớn nhất thế giới.

Hay như Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã sớm trở thành công ty đại chúng trên TTCK từ cuối năm 2006 với vốn điều lệ 92 tỷ, đến nay vốn chủ sở hữu đã tăng lên 1.188 tỷ, gấp 13 lần so với lúc mới niêm yết. 

Một doanh nghiệp làm ăn hiệu quả do nhiều yếu tố quyết định nhưng hai yếu tố quan trọng hàng đầu là quy mô vốn và năng lực quản trị doanh nghiệp. Quy mô vốn ngày càng tăng là yếu tố quyết định cho tăng trưởng doanh thu và năng lực quản trị doanh nghiệp tốt là yếu tố quyết định tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ưu điểm hàng đầu của thị trường chứng khoán là nơi tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp niêm yết huy động vốn trung và dài hạn dễ dàng mà không chịu lãi suất cao như đi vay ngân hàng khi cần đầu tư phát triển quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào những dự án với nhu cầu vốn lớn.

Huy động vốn qua thị trường chứng khoán là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là ngày càng nâng cao chất lượng quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng tăng trưởng, và nhất là càng công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh thì công chúng đầu tư càng tin tưởng rót vốn vào cho doanh nghiệp khi có nhu cầu.

Trong tất cả các nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thì thị trường chứng khoán luôn là một định chế tài chính quan trọng nhằm khơi thông được nguồn lực to lớn trong dân. Mọi nhà đầu tư lớn nhỏ (tổ chức, cá nhân) đều có thể dễ dàng tham gia vào thị trường với tính thanh khoản cao (tức là về cơ bản việc mua bán chứng khoán luôn dễ dàng và nhanh chóng, còn đầu tư vào bất động sản, vàng và ngoại tệ thì tính thanh khoản thấp hơn nhiều).

Có thể đưa ra những lợi thế của một công ty khi chuyển sang loại hình công ty cổ phần đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán: tạo thêm vốn cho công ty từ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và các đợt phát hành hằng năm, nguồn vốn này có thể được sử dụng để phát triển kinh doanh, để đầu tư vào các dự án mới, để trả nợ cũ hay để mua bán và sáp nhập các công ty tiềm năng phù hợp với mục tiêu đã cam kết trong Bản cáo bạch khi phát hành cổ phiếu; tăng giá trị công ty và tạo thêm uy tín cho thương hiệu công ty nhờ tính chất minh bạch và sự tham gia giám sát của công chúng (cổ đông và các thành viên của TTCK…) trong việc quản trị, các công ty đại chúng thường đạt được thị giá trên thị trường cao hơn nhiều lần các công ty có tầm cỡ  tương đương.

Sự gia tăng thị giá này sẽ giúp rất nhiều cho công ty khi đi vay nợ ngân hàng hay tìm tín dụng từ các nhà đầu tư khi công ty phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Các đối tác nước ngoài cũng thích làm ăn với một công ty đại chúng hơn là công ty tư nhân hay công ty Nhà nước; thu hút và giữ chân nhân viên bằng việc bán cổ phiếu ưu đãi (stock options) để thu hút các tài năng vào công ty vì phần lớn người lao động thích làm việc cho một công ty đại chúng hơn là một công ty tư nhân mang tính cách gia đình, nơi sự thăng tiến không minh bạch hay bị nạn bè phái; dùng cổ phiếu thay vì tiền mặt trong thực hiện sáp nhập hay mua bán các công ty đối thủ, các công ty tiềm năng (M&A) - là vũ khí tốt nhất cho chiến lược phát triển công ty.

Chưa có thời kỳ nào ở nước ta mà mọi người đều dễ dàng tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán như hiện nay (chưa bàn đến những mặt hạn chế của việc tham gia đầu tư ồ ạt theo phong trào, theo tâm lý đám đông mà không có những kiến thức tối thiểu có thể dẫn đến thua lỗ, mất vốn). Thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để hưởng lãi suất theo kỳ hạn là cách đầu tư ổn định theo truyền thống - nhưng khi nền kinh tế lạm phát thì lãi suất tiền gửi sẽ không còn nhiều giá trị thực, người dân sẽ trực tiếp đầu tư tiền của mình vào các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.

Họ sẽ trở thành cổ đông - tức là trở thành một trong nhiều người chủ công ty và họ có quyền tham gia quyết định các chủ trương phát triển hằng năm và dài hạn của công ty cổ phần thông qua đại hội đồng cổ đông thường niên. Khi công ty làm ăn có hiệu quả, mọi cổ đông của công ty được chia cổ tức cho phần vốn góp của mình (nhưng không may lựa chọn đầu tư vào công ty làm ăn không tốt thì cổ đông có thể không nhận được cổ tức hằng năm hoặc nhiều năm, thậm chí vốn góp ngày càng nhỏ đi nếu công ty làm ăn thua lỗ).

Quan trọng hơn, khi tham gia vào thị trường, cổ đông còn có một nguồn thu nhập khác ngoài cổ tức, đó là họ có thể chuyển nhượng cổ phiếu đang nắm giữ cho những cổ đông khác trên thị trường một cách nhanh chóng với giá cao hơn giá vốn khi mua vào và bao giờ cũng có những nhà đầu tư khác sẵn sàng mua cổ phiếu được bán ra nếu nó là một cổ phiếu tiềm năng. Cũng vậy, nếu khi cổ đông không còn kỳ vọng vào công ty đại chúng thì họ cũng dễ dàng bán đi chứng khoán nắm giữ để thu hồi vốn và chọn lựa công ty khác để đầu tư.

Cơ hội để tái cấu trúc

Hiện nay dư địa của TTCK còn rất lớn. Đầu năm 2021, VNIndex đã vượt mốc 1.200 điểm và hiện đang tiến sát mốc 1.500 điểm mặc dù nền kinh tế đã phải trải qua 2 đợt bùng phát Covid-19 liên tiếp. Đến cuối tháng 11, chỉ số VNIndex đã tăng 34% so với năm 2020 - nằm trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới với hơn 4 triệu tài khoản đăng ký giao dịch.

Hoạt động của thị trường chứng khoán nhờ nền tảng internet và kỹ thuật số đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Sự hiểu biết của người dân, của nhà đầu tư đối về thị trường vốn, TTCK đã gia tăng nhanh chóng, không bị phản ứng thái quá đối với các thông tin từ bên ngoài mà ngày càng ứng xử phù hợp với các yếu tố căn bản của thị trường.

Tuy vậy, quy mô TTCK Việt Nam so với khu vực và thế giới vẫn còn còn khá nhỏ cả về số lượng doanh nghiệp niêm yết và số lượng nhà đầu tư. Các chuyên gia chứng khoán nhận định năm 2021 cuộc chơi trên TTCK Việt Nam đang đổi vai từ nhà đầu tư ngoại sang nhà đầu tư trong nước (tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư ngoại chỉ còn gần 10% so với 20% những năm trước).

Trong khi các nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 60.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) thì nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 84.000 tỷ đồng. Chính các nhà đầu tư trong nước đang là động lực quan trọng giúp VNIndex liên tục lập đỉnh mới và tăng thanh khoản giao dịch lên gấp nhiều lần.

Thành phố Đà Nẵng đã có hàng chục công ty cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đã tham gia vào TTCK trong những năm qua. Cho đến nay, chưa có một khảo sát đầy đủ về hiệu quả kinh doanh cũng như việc huy động vốn của nhóm công ty này.

Tuy vậy, bằng trực quan chúng ta có thể thấy khá rõ là đến nay vẫn chưa có những công ty đại chúng dẫn dắt trên thị trường so với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số trung tâm công nghiệp khác trong nước. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi, thực tế không ít cổ đông nhỏ của các công ty đại chúng chưa quan tâm nhiều quyền lợi của mình, chưa có những hiểu biết đầy đủ về TTCK.

Họ nắm giữ cổ phiếu khi công ty cũ chuyển đổi cổ phần nhưng sẵn sàng bán trao tay khi có nhu cầu gom cổ phiếu từ vài cổ đông lớn vì lợi ích riêng lẻ của mình đã không muốn đẩy mạnh giao dịch cổ phiếu công ty trên thị trường, nhất là không muốn công ty huy động vốn qua TTCK.

Nguyên nhân chính ở đây là cổ đông lớn không muốn công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh của công ty nhằm hạn chế sự soi xét, thậm chí bị chỉ trích của cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý Nhà nước…Tình hình này dẫn đến các công ty đại chúng trên địa bàn tham gia vào TTCK đã lâu nhưng thị giá vẫn thấp và chưa tăng trưởng bền vững dù lợi nhuận, cổ tức hằng năm khá cao…

Theo số liệu thống kê năm 2020, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 40.000 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện nay do tác động của dịch bệnh đang gồng mình chống chịu được có thể tranh thủ các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước nhưng trước hết phải tự thân vận động để tiếp tục khắc phục những khó khăn phục hồi sản suất kinh doanh.

Việc sớm gia nhập TTCK sẽ là giải pháp bền vững nhất của cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong chiến lược trung và dài hạn. Đối với các doanh nghiệp đã là công ty đại chúng thì đây là cơ hội tốt nhất để tìm nguồn vốn rẻ trên TTCK thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng. Đồng thời cũng là cơ hội vàng để tái cấu trúc lại công ty, giúp công ty phát triển và hội nhập mạnh mẽ hơn với cộng đồng doanh nghiệp quốc gia và sớm vươn ra cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

T.S VÕ DUY KHƯƠNG

.