Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022
Mệnh lệnh từ trái tim
Nhiều áp lực, vất vả đặt lên vai của những nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19 thời gian qua, nhất là những nhân viên y tế cơ sở. Họ nắm rõ từng ngôi nhà, con hẻm trong khu phố, mỗi nhân viên được giao phụ trách, hướng dẫn, hỗ trợ hàng ngàn người dân phòng, chống dịch. Tất cả các nhiệm vụ ấy xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim.
Vượt qua mọi khó khăn, các nhân viên y tế luôn nỗ lực góp phần cùng thành phố phòng, chống Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG |
Vượt qua áp lực
Một ngày đầu tháng 11, bữa cơm trưa của các nhân viên y tế Trạm Y tế phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) diễn ra vội vã ngay chiếc bàn họp đặt ở góc sảnh trạm. 4 nhân viên y tế không ai bảo ai, nhận lấy một phần cơm hộp vừa mang tới. 3 hộp cơm còn lại vẫn y nguyên trong túi, là phần của những nhân viên y tế khác đang trên đường trở về.
Y sĩ Lê Thị Kim Yến, Trạm Trưởng Trạm Y tế phường cười nói: “Không dễ gì mà cả 7 chị em ăn cùng lúc với nhau, bởi công việc quá nhiều, mỗi người một việc. Ai xong việc thì về chủ động bữa ăn để sẵn sàng làm công việc khác”. Thời điểm này phường An Hải Bắc đang thí điểm cách ly F1 tại nhà, là một trong những địa phương triển khai đầu tiên trên địa bàn thành phố nên áp lực cũng rất lớn. Nhiệm vụ của các nhân viên y tế trạm là khảo sát, đánh giá các tiêu chuẩn để tham mưu cho địa phương ban hành quyết định cách ly tại nhà cho F1. Sau đó là những chuỗi ngày theo dõi sức khỏe, hướng dẫn, tư vấn, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm cho các F1…
Nhiều năm liền làm việc tại y tế cơ sở, chị Yến và các đồng nghiệp quá quen với những bận rộn, công việc không tên phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Người ta vẫn thường ví trạm y tế xã, phường như một bệnh viện hay Sở Y tế thu nhỏ. Nghĩa là tất cả các nhiệm vụ ở các cấp phía trên ban hành, triển khai thì đơn vị cuối cùng tham gia, thực hiện chính là trạm y tế. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc chiến phòng, chống Covid-19, nhiệm vụ ấy lại tăng thêm bội phần.
Cả phường chia thành 7 khu vực, mỗi khu vực giao một nhân viên của trạm theo dõi, hướng dẫn F1 cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Thời điểm mới áp dụng cách ly F1 tại nhà, ngành y tế tổ chức xét nghiệm ngày thứ 1, 7, 14 khi cách ly và ngày thứ 21, 28 sau khi theo dõi sức khỏe tại nhà. Nếu số F1 càng nhiều thì việc quản lý, theo dõi, xét nghiệm càng lên. Trong bộ đồ bảo hộ màu xanh kín mít, găng tay và túi đựng rác thải y tế, dụng cụ, sinh phẩm lấy mẫu xét nghiệm, các nhân viên y tế len lỏi qua từng con hẻm nhỏ, rảo quanh các khu phố để nhắc nhở, gọi tên từng người.
Phòng, chống dịch ở địa phương, theo chị Yến là rất áp lực. Áp lực không chỉ khối lượng công việc nhiều mà nó không theo một trình tự cụ thể nào, phải tùy cơ ứng biến. Quan trọng hơn, những tình huống không tên ấy phải được xử lý bằng trách nhiệm và trái tim biết thông cảm, không cứng nhắc. Vì cái lẽ ấy mà trong quá trình đi khảo sát, đánh giá F1 cách ly tại nhà, nhân viên y tế phường An Hải Bắc bắt gặp một gia đình chỉ rộng 50m2 nhưng có đến 15 thành viên thuộc 3 thế hệ cùng sinh sống và 14 người trở thành F1 do có 1 người thân là F0.
Nếu chiếu theo quy định, địa phương không thể đồng ý cho cách ly F1 tại nhà vì nhiều điều kiện không thể đáp ứng. Thế nhưng, chị Yến đã mạnh dạn đề xuất với UBND phường đồng ý để cả gia đình này được cách ly tại nhà vì nhiều lý do. Dường như sự “ưu ái” của nhân viên y tế cơ sở đã chạm vào chỗ yếu đuối, dễ rung động nhất của những con người chỉ biết mưu sinh. Cả gia đình nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch và may mắn vượt qua kỳ cách ly mà không có F1 nào “thăng hạng” (nhiễm F0).
Với chị Yến, đó không chỉ là niềm vui mà còn là thành công trong phòng, chống dịch. “Chẳng ai mong muốn một cuộc sống chật vật để rồi càng trở nên bí bách, khổ sở khi dịch bệnh ập đến. Nhưng nếu họ không được lựa chọn sống an toàn, bình yên với dịch bệnh thì mình cũng nên ứng xử bằng cả chuyên môn và cái tình trong đó”, chị Yến đúc kết.
Chạy đua với thời gian
20 ngày là khoảng thời gian căn nhà nhỏ của y sĩ Võ Thị Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) cửa đóng then cài không một bóng người lui tới. Đó là thời điểm tháng 8-2021, khi thành phố áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ. Chị vội gửi 2 con về quê ngoại ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam để thực hiện “3 tại chỗ” chạy đua với thời gian để ứng phó dịch bệnh. Chồng chị, là bộ đội Biên phòng thực hiện lệnh giới nghiêm để tập trung chống dịch tại đơn vị.
Theo lời chị kể, cả vợ và chồng đều quen với việc tham gia phòng, chống Covid-19 từ năm 2020 nhưng đây là lần đầu tiên mà mọi thứ trở nên căng thẳng, phức tạp và bận rộn đến như thế. “Chỉ riêng điện thoại, mỗi ngày mình nghe hơn 100 cuộc, từ điện thoại của lãnh đạo các cấp cho đến bác tổ trưởng, bí thư chi bộ, người trong khu phong tỏa, người dân cần gọi đến cần giải đáp thắc mắc… Nghe nhiều đến mức tai ù phải bật loa ngoài đặt trên bàn để nghe. Đêm đến, cũng chẳng nghĩ đến nguy hại của sóng wifi, 4G như khoa học khuyến cáo mà mình phải luôn bật điện thoại 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý tình huống”, chị Tùng cho biết.
Dịch bệnh liên tục thay đổi theo diễn biến từng ngày và các biện pháp phòng, chống dịch luôn thay đổi theo từng giai đoạn. Với nhân viên y tế cơ sở, họ phải chạy đua với thời gian để tổ chức truy vết, cách ly, xét nghiệm, quản lý người về từ địa phương có dịch, hỗ trợ tiêm vắc-xin… May mắn, theo chị Tùng, chính là sự đồng hành của người dân, đặc biệt là nỗ lực truy vết, phát hiện các F0, F1, F liên quan. “Khi nhận điện thoại thông báo của người dân, mình hiểu rằng, họ cũng đang rất cần lực lượng chuyên môn hỗ trợ để kiểm soát dịch bệnh trước khi lan rộng.
Chính vì thế, mọi nhiệm vụ, công việc đều chạy đua với thời gian để mang lại sự bình yên vốn có cho bà con trong khu dân cư”, chị Tùng tâm sự. Và điều may mắn giữa bốn bề dịch giã bủa vây, chính là sự quan tâm, động viên nhau của chị em đồng nghiệp và sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể. “Có những ngày mải mê làm việc đến nỗi quên luôn chuyện ăn uống. Khi sực nhớ, bước vào phòng thì thấy các suất ăn được các anh chị bên UBND phường mang sang để sẵn. Tự nhiên lòng cảm thấy ấm áp vì trong muôn vàn khó khăn thì mọi người vẫn còn nhớ đến nhau, chia sẻ cho nhau những điều bình thường nhất”, chị Tùng chia sẻ.
“Lực lượng y tế cơ sở đóng vai trò xương sống trong việc triển khai các hoạt động trong phòng, chống dịch. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn liên quan như truy vết, xét nghiệm, tổ chức theo dõi, cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, các trạm y tế xã, phường còn phải hoàn thành các chương trình mục tiêu dân số y tế của ngành. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ, Bộ Y tế ban hành các quy định, hướng dẫn các địa phương “bình thường mới” và tổ chức cách ly F1, điều trị F0 tại nhà thì các nhân viên y tế cơ sở phải triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ. Nếu số F0, F1 tăng lên thì đồng nghĩa khối lượng công việc sẽ nhiều thêm”
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Thanh Thủy |
PHAN CHUNG