Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022
Những câu chuyện tài trợ cho giáo dục
Một trong những thông tin được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây là việc một nữ doanh nhân người Việt đã tài trợ khủng cho Linacre College, một trường đại học (ĐH) thuộc Viện Đại học Oxford, Vương quốc Anh 155 triệu bảng Anh, tương đương 4.900 tỷ đồng Việt Nam. Chúng ta biết rằng, thành công của các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ như Harvard, Stanford, Princeton, Texas, Yale, MIT… một phần là nhờ nhận tài trợ từ các tỷ phú.
Cùng nhìn lại những tài trợ cho giáo dục Việt Nam điển hình mà tôi đã biết rõ và từng góp phần triển khai như Trường Junko, các dự án của tỷ phú Chuck Feeney, cũng như ĐH Stanford nổi tiếng ở Mỹ để có cái nhìn rõ hơn và mong đợi cho giáo dục Đà Nẵng và miền Trung.
Ông Takahashi Hirotaro (bố của Junko) cùng GS.TS Trần Văn Nam (bên phải) thăm trường năm 2019. |
Chuyện “Yunko School”
Năm 1994, trong niềm tiếc thương cô con gái yêu quý Takahashi Junko không may qua đời vì tai nạn giao thông, ông bà Takahashi Hirotaro và Giáo sư hướng dẫn Ebashi Masahiko, theo sự giới thiệu của GS Trần Văn Thọ đã đến Quảng Nam - Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội để thực hiện di nguyện của con - hỗ trợ cho trẻ em Việt Nam vùng khó khăn có cơ hội đến trường. Phải nói rằng, thời điểm đó mặc dù Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới được 8 năm, nhưng việc nhận tài trợ từ một cá nhân ở nước tư bản, mà lại cho giáo dục vẫn còn dè dặt và vô vàn khó khăn.
Nhưng nhờ tầm nhìn rộng mở, quyết đoán của anh Nguyễn Đình An, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh và anh Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo mà dự án đã tiến hành một cách suôn sẻ, ngay cả đặt tên cho ngôi trường là “Trường Tiểu học Junko” hay “Junko School” cũng là gợi ý của anh An, chứ gia đình Takahashi cũng chỉ là mơ chứ không dám đặt ra.
Có thể nói thời điểm đó, nhận tài trợ 128.808 USD (tương đương 1,419 tỷ đồng) để xây dựng nên ngôi trường khang trang ở xã Điện Phước (huyện Điện Bàn), với cơ sở vật chất trang bị đầy đủ, mang tên “Junko School” thật đáng mơ ước của tất cả trường tiểu học ở nông thôn.
Để nuôi dưỡng và lan tỏa theo ý nguyện của Junko, Đại học Meiji Gakuin đã lập Hiệp hội Junko (Junko Association, JA) do một sinh viên của trường luân phiên làm chủ tịch, dưới sự bảo trợ của các giáo sư. Trong ngày nhập học của sinh viên mới vào trường hằng năm JA lại quảng bá, giới thiệu và chiêu mộ thêm thành viên.
Tại Đà Nẵng, JA cũng kết hợp được với Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng trong các hoạt động giao lưu, sinh hoạt học thuật, từ thiện, làm phong phú và ý nghĩa hơn. Hằng năm JA cử một đến hai đoàn sang thăm Trường Junko, tặng học bổng, quà và giúp tu sửa nhỏ cơ sở vật chất. Nhờ mối quan hệ này, Đại học Meiji Gakuin và Đại học Đà Nẵng đã ký kết hợp tác giao lưu văn hóa, khoa học và hằng năm cấp một suất học bổng toàn phần (bao gồm đi lại, ăn ở và học tập) du học tại ĐH Meiji Gakuin dành cho một sinh viên của Đại học Đà Nẵng mà thời tiểu học học tại trường Junko.
Năm 2000, những người bạn của bố Junko đến thăm trường và quyết định tài trợ thêm 12.000 USD để xây tiếp 5 phòng trên tầng 2. Ngoài các hoạt động tại Junko School, JA còn mở rộng đến các trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Hoa Lư, Ngô Gia Tự, Phan Thanh ở Đà Nẵng; Kim Đồng, Huỳnh Thúc Kháng ở Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) trong việc hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, giao lưu các trò chơi giải trí, khoa học của học sinh Nhật Bản. Ngoài ra, JA còn phát triển hoạt động thiện nguyện đến học sinh các nước Lào, Campuchia, đặc biệt là Myanmar.
Năm 2020, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đến thăm trường và cùng Công ty Mizuno tặng quà đồng thời cam kết hỗ trợ để mở dạy tiếng Nhật tại trường cùng các học bổng khác. Trường Junko cũng tự nhiên trở thành điểm đến của du khách Nhật Bản mỗi khi họ du lịch Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn; làng quê sinh động và văn minh hẳn lên. Hơn 25 năm qua, bao thế hệ học sinh của xã nghèo Điện Phước đã tiếp nối ước mơ của Takahashi Junko, chăm chỉ học tập, góp phần xây dựng quê hương Ngũ phụng tề phi nói riêng và cả nước nói chung ngày càng giàu mạnh.
“Cho đi khi còn sống”
Tỷ phú người Mỹ gốc Ireland Chuck Feeney vừa hoàn thành tâm nguyện “cho đi khi còn sống” với số tiền “cho đi” là 8 tỷ USD hỗ trợ giáo dục đại học, y tế công cộng, nghiên cứu khoa học... và chỉ để lại 2 triệu USD cho quảng đời còn lại của mình. Tỷ phú Warren Buffett nói rằng, chính Chuck Feeney đã truyền cảm hứng cho các tỷ phú như ông và Bill Gates, là hình mẫu cho hai tỷ phú này và nhiều tỷ phú khác thành lập quỹ và cam kết cho đi một nửa tài sản của họ, hoặc nhiều hơn để làm từ thiện. Ông đã tặng 1 tỷ USD cho nền giáo dục phổ thông và ĐH Limerick ở quê hương Ireland, tài trợ cho ĐH Cornell - nơi ông theo học đại học - khoảng 1 tỷ USD và các hoạt động chăm sóc y tế, hỗ trợ cộng đồng của Mỹ.
Ở Việt Nam, ông đã tài trợ 381,5 triệu USD để hỗ trợ cho các đại học, cải thiện sức khỏe cộng đồng. Trong đó, giáo dục đại học được nhận 80,2 triệu USD với các dự án thư viện, ký túc xá, nhà sinh hoạt chung, nâng chuẩn tiếng Anh. 6 đại học ở Việt Nam được nhận lần lượt là ĐH Đà Nẵng (20 triệu USD, ĐH Huế 8,3 triệu USD, ĐH Thái Nguyên 9,8 triệu USD, ĐH Cần Thơ 6,6 triệu USD, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội 1,7 triệu USD, ĐH RMIT 25,5 triệu USD).
Ông cho rằng, bậc đại học nghe giảng ở lớp chỉ là một phần trong chương trình học của sinh viên. Cái chính là sinh viên phải đến thư viện nghiên cứu, tìm tài liệu và làm bài tập, tiểu luận; nên các đầu tư của ông đều tập trung cho thư viện.
Với ĐH Đà Nẵng, ông còn tài trợ thành lập Trung tâm Giáo dục thể chất hiện đại bậc nhất Việt Nam, tương tự như Úc và Viện Anh ngữ - hợp tác với ĐH Queensland (UQ). 60 giảng viên tiếng Anh được đi đào tạo thạc sĩ Phương pháp giảng dạy tiếng Anh (TESOL) cho giảng viên dạy Anh ngữ như là ngoại ngữ tại UQ và 25 nhân viên thư viện được cử đi đào tạo về quản lý và khai thác thư viện hiện đại ở các đại học của Mỹ.
Nhờ vậy mà đội ngũ giảng viên tiếng Anh rất giỏi chuyên môn và nhân viên thư viện của ĐH Đà Nẵng rất thạo nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ. Ngoài ra, ông còn tài trợ cho giảng viên ĐH Đà Nẵng chương trình DDP (Doctoral Development Programme) tại UQ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiến sĩ. Có thể thấy rằng, công trình tài trợ nào ông cũng kèm theo dự án phụ là “Phát triển bền vững”. Dĩ nhiên, người hưởng lợi là các thế hệ sinh viên và đơn vị, đất nước mà các em làm việc sau khi ra trường.
Hoạt động của thư viện do tỷ phú Chuck Feneey tài trợ. |
Chuyện Đại học Stanford
ĐH Stanford được ông Leland Stanford - một trùm tư bản về đường xe lửa và Thống đốc bang California cùng với vợ là Jane Stanford thành lập năm 1885. Trường được đặt theo tên người con duy nhất của hai vợ chồng là Leland Stanford, Jr., anh mất khi còn quá trẻ. Theo Bộ Giáo dục Mỹ, Stanford là trường đại học có mức vốn lớn thứ 5, trị giá 26,5 tỷ USD. Theo CNBC, Top 5 trường đại học tư thục đáng giá nhất nước Mỹ là (1) ĐH Stanford, (2) ĐH Princeton, (3) ĐH Chicago, (4) Học viện Công nghệ California (CalTech) và (5) ĐH Harvard. Chỉ những học sinh xuất sắc mới nộp đơn vào ĐH Stanford, nhưng cũng chỉ 5% trong số đó được trúng tuyển. ĐH Stanford có 48 người đoạt giải Nobel, 5 người đoạt Huy chương Fields, 17 người đoạt giải Turing (“Giải Nobel về khoa học máy tính”),…
Các cựu sinh viên Stanford đã thành lập nhiều công ty và theo Forbes, đã tạo ra số lượng tỷ phú cao thứ hai (25 người) trong tất cả các trường đại học (sau ĐH Harvard). Một số người nổi bật trong số những cựu sinh viên ĐH Stanford thành công ở lĩnh vực công nghệ, mà khi nói đến tên công ty ai cũng có thể biết: William Hewlett và David Packard đã tốt nghiệp tại ĐH Stanford năm 1935, thành lập nên công ty năm 1939 - chính là Tập đoàn HP hùng mạnh ngày nay.
Jerry Yang và David Filo đã cùng nhau tạo nên Yahoo vào năm 1994. Sergey Brin và Larry Page thành lập Google vào năm 1998, dựa trên một thuật toán mà họ đã phát triển khi còn học ở Stanford. Mike Krieger và Kevin Systrom - đồng sáng lập Instagram, Reed Hastings - đồng sáng lập, chủ tịch và CEO của Netflix, hay Reid Hoffman - đồng sáng lập, Chủ tịch LinkedIn,… Những cựu sinh viên này không chỉ tài trợ rất nhiều tiền cho trường, họ còn tuyển dụng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Stanford, đặc biệt mang lại thương hiệu mạnh mẽ cho trường.
Sân trường Đại học Stanford. |
Người giàu mong muốn tài trợ cho giáo dục
Người giàu ở Việt Nam phần lớn chủ yếu từ đất đai, bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, rồi mới đến tài chính, ngân hàng. Ngược lại thế giới hiện nay và tương lai là khoa học, công nghệ, hay nói cách khác là từ chất xám, là phát huy trí tuệ của con người. “Những người giàu và siêu giàu từ công nghệ, viễn thông chiếm nhiều nhất, tiếp đến là bán lẻ, tài chính, đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản, còn từ bất động sản rất ít, coi như không đáng kể (Diễn đàn Davos, Thụy Sĩ)”.
Tôi thiết nghĩ những người giàu có sẽ mong muốn đầu tư, tài trợ cho giáo dục Việt Nam phát triển, rút ngắn nhanh khoảng cách với giáo dục các nước tiên tiến để một ngày không xa sẽ có những trường đại học Việt Nam xứng tầm với thế giới. Nhưng giáo dục cần thời gian và rất nhiều kiên nhẫn. Và ngày mai bắt đầu từ hôm nay”
|
Vì vậy, nếu không đầu tư cho giáo dục đào tạo nhân lực chất lượng, sớm muộn gì tài nguyên, đất đai cũng cạn kiệt. Chúng ta biết, hơn 120 năm trước, hiệu trưởng của ĐH Harvard khuyên tỷ phú John D. Rockefeller rằng cần phải có 50 triệu USD (tương đương 5 tỷ USD ngày nay) và 200 năm để tạo ra một trường đại học nghiên cứu. Nhưng sau đó với khoảng trên 50 triệu USD, ĐH Chicago chỉ mất 20 năm để đến vị trí hàng đầu. Ở châu Á, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) mất 9 năm kể từ khi khai giảng khóa 1 (1991) để xếp hạng 7 ở châu Á (theo Asia Week); mất 19 năm xếp hạng 35 trong 200 trường hàng đầu thế giới và hiện nay xếp thứ 27 thế giới (theo QS Ranking 2021).
Điều ấy cho thấy rằng nếu có tầm nhìn, sứ mạng rõ ràng, minh bạch, có cơ chế quản trị tốt, với thời đại toàn cầu hóa, tôi thiết nghĩ những người giàu có sẽ mong muốn đầu tư, tài trợ cho giáo dục Việt Nam phát triển, rút ngắn nhanh khoảng cách với giáo dục các nước tiên tiến để một ngày không xa sẽ có những trường đại học Việt Nam xứng tầm với thế giới. Nhưng giáo dục cần thời gian và rất nhiều kiên nhẫn. Và ngày mai bắt đầu từ hôm nay.
GS.TS TRẦN VĂN NAM