Trâu ăn... Tết

.

Người già bảo, không chỉ con người mới ăn Tết mà trâu, bò cũng được tận hưởng ba ngày xuân như người. Nhà có Tết nhà, chuồng có Tết chuồng. Xưa bày nay bắt chước!

1. Có lẽ trong mỗi đứa trẻ nhà quê ngày xưa bao giờ cũng nguyên vẹn một ký ức tươi xanh về những ngày Tết xa lăng lắc. Đó là những ngày giáp Tết, nắng hưng hửng cả cánh đồng mạ vừa bén rễ. Cỏ ven sông xanh ngút ngàn. Đám trẻ mục đồng rộn ràng rủ nhau đi cắt cỏ để dành cho trâu, bò ăn trong mấy ngày xuân.

Trẻ nông thôn ngày trước một ngày đi học một buổi, buổi còn lại theo đuôi trâu ra đồng. Có đứa còn mang theo sách vở bên mình để vừa giữ trâu vừa học bài. Thậm chí hồi đó “giữ trâu” còn được xem là một nghề hẳn hoi. “Học không ra chữ thì về giữ trâu kiếm cơm” là câu nói cửa miệng một thời của các bậc làm cha mẹ khi thấy con chểnh mảng chuyện học hành. Không những vậy, nghề giữ trâu còn được xem như một nghề trong bách nghệ. Ở làng Phong Lệ nay là thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có lễ rước Mục đồng tôn vinh những trẻ chăn trâu, diễn ra vào ngày 1-4 âm lịch hằng năm tại đình Phong Lệ, còn gọi là đình Thần Nông. Đó là ngày “Tết Mục đồng”, cũng là ngày cả làng tổ chức lễ Hạ điền (xuống đồng).

Từ ngôi đình Thần Nông của làng Phong Lệ cổ, ông Ngô Văn Nghĩa, 77 tuổi, người từng 10 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Phong Nam, nhìn ra cánh đồng, nắng chấp chới trên ngọn lúa đông xuân mà ôn chuyện xưa bằng cái giọng trầm như gió thoảng. Làng Phong Nam xưa chỉ khoảng 250 hộ, nhưng có đến 60-70% số hộ nuôi trâu. Nhà giàu thì trâu đàn, trâu đống. Người trung lưu cũng chí ít đôi con. Họ nuôi trâu trước để cày bừa, sau để đẻ bán giống. Các nhà giàu trong làng mua trâu các nơi, chủ yếu là vùng Cây Sung, Hội Vực (nay thuộc các xã Hòa Nhơn, Hòa Phú, huyện Hòa Vang), về cho nông dân để lấy huê lợi.

“Hồi trước, trâu ở đây nhiều đến nỗi dọc hai bên đường xe lửa từ Cầu Đỏ chạy qua làng Phong Nam trâu ra ăn cỏ đông đen, xe lửa phải chạy chậm lại vừa cho khách xem trâu vừa tránh va đập làm chết trâu!”. Dòng hồi tưởng của người lão nông một đời gắn chặt với đất chợt chùng xuống như một nốt trầm đầy luyến tiếc.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

2. Đi chầm chậm ven bờ ruộng đang sũng nước vì trận mưa đêm qua, ông Nghĩa nhớ lại thời thơ ấu từng đi giữ trâu cho một địa chủ trong làng. Ông này chuyên đi buôn trâu, mua từ thượng nguồn về bán lại cho nông dân. Trong chuồng lúc nào cũng có cả chục con trâu. Để chuẩn bị cho trâu ăn Tết, ông Nghĩa phải đi cắt mấy chục gánh cỏ để dành cho trâu ăn dần... đến hết ngày mồng 4.

Người già bảo, không chỉ con người mới ăn Tết mà trâu, bò cũng được tận hưởng ba ngày xuân như người. Nhà có Tết nhà, chuồng có Tết chuồng. Xưa bày nay bắt chước. Vậy nên ba ngày Tết, trâu, bò đều được nghỉ cày bừa, nằm ung dung trong chuồng và chậm rãi nhai cỏ tươi mà... nghĩ chuyện vẩn vơ. Con trâu xưa nay vốn dĩ không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là người bạn tâm giao của người làm ruộng. Chính vì vậy Tết trâu hay tục cúng ông Chuồng bà Chuồng là một cách bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với con vật đã cùng họ đi qua suốt một năm cấy cày gian khổ.

Đối với trẻ chăn trâu như ông Nghĩa, vui nhất là ngày cúng ông Chuồng bà Chuồng, dân gian gọi là Tết Chuồng, thường bắt đầu từ sáng mồng 4 tháng Giêng. Dù lễ phẩm chỉ đơn sơ hương, hoa, trầu cau, chè xôi, trái cây... nhưng không khí vô cùng thành kính. Lúc đó, những đứa trẻ chăn trâu được chủ trâu cho mặc áo mới đứng bên cạnh bàn để cúng bái. Xong lễ, chủ nhà không quên “mời” trâu uống rượu, uống trà bằng cách đổ vào miệng rồi đem bánh tét đút cho trâu ăn. Chuồng trâu cũng được dán giấy hình con trâu lên mấy cây róng (thân cây gỗ tròn dài làm thành tường cho chuồng trâu), như một cách để bảo vệ trâu bò khỏi bị tà ma, bệnh tật.

Người ta thường dán giấy vàng, bạc vào đôi sừng cong vút của trâu. Chắc là thấy lạ nên lũ trâu thường ngúc ngoắc cái đầu như làm duyên trong cái nắng hanh vàng rắc mật trên mái tranh. Chủ trâu cũng không quên những bao lì xì hoặc cho những thúng gạo, đòn bánh cho những đứa trẻ chăn trâu mướn, coi như quà thưởng, đền công khó nhọc cả một năm trời cực khổ. Xong nghi thức, trâu được thả ra đám cỏ non người ta đã dành sẵn cho nó ngoài cánh đồng xa xanh…

3. Những tháng ngày trâu cùng người cày bừa dường như đã lùi xa vào ký ức. Tiếng hò tắc (đi), hò rì (đứng lại) trên cánh đồng làng giờ chỉ còn là âm thanh quá vãng. Hẳn đã có nhiều người làm ruộng, đêm đêm trong giấc ngủ chợt giật mình như nghe tiếng trâu gõ móng lóc cóc trên đường về chuồng. Những lão nông ở Hòa Vang đều cho rằng: Từ khi “trâu đỏ” (máy cày) thay thế “trâu đen” cày bừa trên những cánh đồng thì nhiều nhà không còn nuôi trâu nữa. Có chăng còn đâu đó một vài hộ ở mỗi làng vẫn còn giữ nếp dùng trâu để cày hoặc làm sức kéo mà thôi. Theo Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, tổng số đàn trâu của toàn huyện giờ đây chỉ còn 461 con, trong đó xã Hòa Phong và Hòa Liên chiếm gần hết một nửa số lượng.

Ông Ngô Tấn Thiệt, được mệnh danh là người nuôi trâu nhiều nhất làng Phong Nam, hiện cũng chỉ ở số lượng 5 con. Ông bắt đầu nuôi trâu từ năm 1981, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về làng. Giữa cánh đồng Xe sau đình Thần Nông là nơi ông hay thả trâu ăn cỏ, ông Thiệt kể: “Hồi đó ruộng vườn bề bề, không có con trâu là không được. Bây giờ cuộc sống đã khác trước nhiều lắm. Nếu cứ mãi con trâu đi trước cái cày theo sau thì nông dân, nông thôn bao giờ mới khá lên được”.

Tuy nhiên không vì thế mà nông dân từ bỏ con trâu. Trước nuôi trâu để cày, nay thì thêm nghề nuôi trâu đẻ để bán làm giống hoặc mổ thịt. Mỗi khi có con nghé đẹp ra đời là lúc cuộc sống gia đình thêm sung túc.

Dù con trâu bây giờ không còn làm nhiệm vụ cày bừa “trên đồng cạn, dưới đồng sâu” đi nữa nhưng những người nuôi trâu như ông Thiệt vẫn giữ phong tục Tết trâu của cha ông để lại như một nếp nhà. Cứ đến sáng mồng 4 Tết, ông lại áo quần chỉnh tề, hương hoa, bánh trái làm lễ cúng ông Chuồng bà Chuồng. Mấy đứa cháu nội, ngoại ở phố về ăn Tết háo hức phụ ông chuẩn bị bàn lễ. Ông bảo, Tết trâu không chỉ là một phong tục tập quán đẹp mà còn mang tính giáo dục cao, biết ơn đối với những người cùng đồng cam cộng khổ để tạo ra cuộc sống ấm no cho gia đình và xã hội. Cho dù đó chỉ là con trâu đi nữa…

Nhiều người e ngại rằng, một ngày nào đó nông thôn không còn nuôi trâu kéo cày nữa thì phong tục Tết trâu cũng dần mất. Nói như ông Nghĩa, dễ gì bỏ nuôi trâu. Nhà nông không nuôi trâu cày thì nuôi lấy thịt. Còn nuôi trâu thì còn phong tục Tết chuồng. Vả lại, bây giờ nuôi “trâu đỏ” (máy cày) cũng có Tết như “trâu đen”. Thay vì cúng chuồng thì người ta cúng... xe. Những điều người xưa đã dạy, đố có sai bao giờ… 

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.