Di sản thế giới đầu tiên tại Đà Nẵng

.

Sau nhiều năm nỗ lực nhận diện, nghiên cứu, thực hiện và trình hồ sơ, tháng 11-2022, hệ thống ma nhai (văn tự khắc trên vách đá) tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là di sản thế giới đầu tiên của Đà Nẵng, khẳng định thành phố không chỉ là một đô thị phát triển về kinh tế, mà còn là địa phương có ký ức và bề dày lịch sử - văn hóa.

Ảnh: KIM LIÊN
Ảnh: KIM LIÊN

Đưa di sản vươn tầm thế giới

Trải qua thời gian gần 400 năm, hệ thống ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn di sản tư liệu quý, có giá trị, được giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Qua khảo sát, tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn có 79 văn bản ma nhai trong các động Huyền Không, Hoa Nghiêm, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham và một số vị trí khác. Đây là kho tàng văn khắc trên đá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn với niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến những năm 60 của thế kỷ XX.

Các ma nhai này có nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế và đủ các thể loại như: bi ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị cao tăng, vua, quan triều Nguyễn từng dừng chân lưu đề trên vách động. Ẩn chứa trong nguồn di sản tư liệu này là hệ giá trị trên nhiều mặt như: lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học. Mỗi giá trị là sự khẳng định nét văn hóa Việt Nam trong tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa.

Nhận thức được giá trị này, UBND thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp UBND quận Ngũ Hành Sơn thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn các ma nhai. Trong các năm 2017 và 2019, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu thực hiện hai cuộc tọa đàm khoa học để công bố những kết quả nghiên cứu, có giá trị đặc sắc tiêu biểu về ma nhai.

Đặc biệt, nhằm phát huy tối đa giá trị và quảng bá di sản ma nhai, từ năm 2019, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các ngành liên quan xây dựng hồ sơ khoa học di sản tư liệu “Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn” để đệ trình UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là vinh dự, sự tự hào rất lớn của Đà Nẵng trong lĩnh vực văn hóa. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, sau khi được công nhận, ma nhai sẽ được UNESCO hỗ trợ hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, học giả, công chúng tiếp cận với di sản này theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, ma nhai sẽ cũng trở thành đối tượng của những nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho việc bảo quản di sản tài liệu.

Mặt khác, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để thành phố đệ trình UNESCO công nhận Danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản văn hóa thế giới. “Đây là một lợi thế vô cùng lớn để Đà Nẵng khai thác, nâng cao vị thế, phát huy các giá trị di sản phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, xây dựng Đà Nẵng không chỉ là một thành phố phát triển về kinh tế, mà còn là địa phương có ký ức và bề dày lịch sử - văn hóa”, ông Thiện nhấn mạnh.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: KIM LIÊN
Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: KIM LIÊN

Phát huy tối đa giá trị di sản

Hiện nay, nhiệm vụ của thành phố là phải bảo tồn tốt và phát huy tối đa giá trị của ma nhai, xứng đáng với danh hiệu di sản thế giới vừa đạt được. Đây không chỉ là công việc của hiện tại mà còn phải hướng đến tương lai.

Trên thực tế, hiện chỉ còn 52/79 ma nhai Hán Nôm còn đọc được. Số còn lại bị bào mòn bởi thời gian, bồi lấp bởi các lớp sơn và xi-măng, nứt vỡ do chiến tranh, người đời sau đục bỏ hoặc khắc thêm chữ quốc ngữ, làm biến dạng hoặc mất một số chữ Hán.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, không ít ma nhai Ngũ Hành Sơn bị tổn thương do thời gian và cả sự thiếu hiểu biết của hậu thế. Do đó, cần đặt việc bảo tồn ma nhai trong tổng thể bảo tồn Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhằm tận dụng hành lang pháp lý về bảo tồn di sản văn hóa đối với các di tích quốc gia đặc biệt. Có như vậy mới không để tái diễn tình trạng hủy hoại di sản văn khắc nói riêng và hủy hoại di sản văn hóa nói chung tại Ngũ Hành Sơn.

Để phát huy giá trị di sản này, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền về hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn đến cộng đồng.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của ma nhai còn đòi hỏi phải thực hiện tốt công tác quy hoạch. UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh thắng Ngũ Hành Sơn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, chú trọng các giải pháp và phương án quản lý, bảo tồn bia ma nhai Ngũ Hành Sơn mang tính lâu dài, bền vững kể cả phương án phục hồi di sản trong trường hợp bị thời tiết, thiên tai xâm hại.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, từ trước khi ma nhai trở thành di sản tư liệu thế giới, ngành văn hóa đã thực hiện công tác bảo tồn, đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động của con người trực tiếp trên ma nhai. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tiến hành dịch toàn bộ nội dung ma nhai bằng cách dập văn bia bằng giấy chuyên dụng trong bảo tồn di sản. Đồng thời, số hóa toàn bộ nội dung văn tự ma nhai để lưu giữ giá trị di sản đến các thế hệ sau.

Cũng theo ông Thiện, cách tốt nhất để bảo tồn ma nhai là giữ nguyên hiện trạng, hạn chế đến mức tối đa việc dùng hóa chất, vật cứng can thiệp. Đặc biệt, phải có cách tránh sự tác động của thiên nhiên cũng như con người tiếp xúc trực tiếp với ma nhai. Bên cạnh đó, sử dụng ánh sáng dành riêng cho bảo tồn các hiện vật để chiếu sáng ma nhai, bảo đảm không làm hư hại di sản.

“Hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn đang được ngành chức năng bảo quản tốt. Hằng năm, chúng tôi sẽ tiến hành công tác vệ sinh đúng với “phác đồ” bảo quản chuyên dành cho ma nhai. Đối với những ma nhai bị phong hóa, ngành sẽ cố gắng bảo tồn, nghiên cứu cách tái tạo nội dung văn khắc bằng việc ứng dụng công nghệ”, ông Thiện cho hay.

Bia Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc nằm ở ngọn Thủy Sơn (Danh thắng Ngũ Hành Sơn). Ảnh: X.D
Bia Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc nằm ở ngọn Thủy Sơn (Danh thắng Ngũ Hành Sơn). Ảnh: X.D

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, để phát huy giá trị di sản này, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền về hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn đến cộng đồng. Điều này có thể thực hiện bằng nhiều cách như: quảng bá trên phương tiện truyền thông, báo chí, chiếu phim về ma nhai trên các kênh truyền hình; biên soạn và xuất bản các ấn phẩm sách nghiên cứu về ma nhai Ngũ Hành Sơn.

Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc triển lãm tại chỗ; trưng bày ở bảo tàng và triển lãm lưu động đến các trường học bằng các bản sao của ma nhai. Đặc biệt, di sản này có tiềm năng rất lớn trong việc đưa vào phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu khi đến với Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Thời gian tới, ngành sẽ xây dựng bài thuyết minh điện tử về ma nhai bằng mã QR và nhiều thứ tiếng để phục vụ khách du lịch. Đưa thông tin về ma nhai đến các đơn vị lữ hành, du lịch để hình thành các tour tham quan. Đây cũng chính là định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới - khuyến khích các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.