Báo Xuân 2023

Giáo sư Hoàng Tụy: Một tính cách Quảng tiêu biểu

06:21, 23/01/2023 (GMT+7)

Giáo sư (GS) Hoàng Tụy (1927-2019) quê ở làng Xuân Đài, nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là nhà khoa học lừng danh của đất nước, làm rạng danh nền toán học Việt Nam với những phát minh khoa học cơ bản, những công trình nghiên cứu đồ sộ và những giải thưởng quốc tế danh giá. GS được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt 1 năm 1996.

Người xứ Quảng nổi tiếng thẳng ngay, cương trực, sẵn sàng bày tỏ nghĩ suy, quan điểm của mình trước mọi vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân, vận mệnh của đất nước. Và cũng vì tính cách thẳng ngay, cương trực đó mà lắm lúc họ gặp nhiều trở ngại, hiểm nguy. Lịch sử xứ Quảng có quá nhiều tấm gương như vậy: Phạm Phú Thứ, Phạm Như Xương, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thanh, Phan Khôi...

Nhiều lúc tôi băn khoăn: Liệu tính cách thẳng ngay, cương trực của con người xứ Quảng có còn được tiếp nối và phát huy như lớp người đi trước nữa hay không? May cho tôi là khi gặp GS Hoàng Tụy, thắc mắc đó đã được giải tỏa phần nhiều.

Trong dịp hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), tôi khởi đầu làm bộ phim tài liệu “Người giữ thành Hà Nội”, phản ánh chân dung Tổng đốc Hoàng Diệu - người đã hiên ngang chỉ huy chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ thành Hà Nội vào năm 1882. Khi không thể chống cự nổi trước sức mạnh của kẻ thù, ông đã tự vẫn để giữ tròn khí tiết. Do biết GS Hoàng Tụy là hậu duệ của Tổng đốc Hoàng Diệu (GS Hoàng Tụy là cháu nội ông Hoàng Kim Bảng, ông Bảng là em ruột cụ Hoàng Diệu) nên tôi đã nhờ GS hỗ trợ thực hiện bộ phim quan trọng này.

Bấy giờ, tuy đã 83 tuổi nhưng GS vẫn chịu khó thực hiện tất cả các đề nghị của tôi để có đủ những cảnh quay cần thiết cho bộ phim. GS đã đưa đứa cháu nội của mình vừa tu nghiệp ở nước ngoài về, đến Cửa Bắc để nghe GS sử học Lê Văn Lan kể về cụ Hoàng Diệu đã chỉ huy chiến đấu bảo vệ thành như thế nào, đến Điện Kính Thiên để biết nơi cụ Hoàng Diệu viết Di biểu tạ tội với vua, đến Võ Miếu để biết nơi cụ Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn...

GS Hoàng Tụy xuất hiện trong phim chúng tôi khá nhiều và như một đường dây xuyên suốt để theo đó mà chúng tôi tái hiện lại một câu chuyện lịch sử bi hùng của đất nước có liên quan đến dòng họ GS. Sự hỗ trợ nhiệt tình của GS đã giúp cho bộ phim của chúng tôi thực sự có chất lượng, để rồi đoạt giải Nhất báo chí toàn quốc của Ban Tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010.

Từ đấy, tôi trở nên thân thiết với GS Hoàng Tụy. Mỗi lần có việc ra Hà Nội, tôi thường đến thăm nhà GS ở đường Đội Cấn để chuyện trò, tâm sự... Qua chuyện trò, tôi hiểu biết nhiều hơn về con người, đặc điểm, tính cách của GS. Đó là một nhà khoa học rất tài năng, một trí thức lớn tâm huyết với đất nước, và đặc biệt là một tính cách tiêu biểu của con người xứ Quảng. Tôi tâm đắc và khâm phục về câu chuyện GS trao đổi, góp ý trực tiếp với Tổng Bí thư Lê Duẩn trong những năm tháng vô cùng khó khăn của đất nước.

GS kể rằng: “Khoảng tháng 6 năm 1979, tôi cùng với 4 anh em trí thức khác được Tổng Bí thư Lê Duẩn mời xuống Đồ Sơn gặp mặt để trao đổi ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội. Tại đó, tôi nêu thắc mắc rằng: Tôi đã cố gắng tìm hiểu nhưng vẫn chưa hiểu lý luận “làm chủ tập thể” là thế nào. Hồi ấy, lý luận “làm chủ tập thể” được coi là cơ sở lý luận và điểm mấu chốt trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho nên tôi hiểu rằng tôi đã chạm một điểm nóng, cực nóng, chưa biết rồi sẽ gặp phản ứng gì. Rồi Tổng Bí thư lại hỏi làm thế nào để chống tiêu cực, tham nhũng? Tôi trả lời: Tiêu cực, tham nhũng gắn liền với cơ chế quản lý, nó là một khuyết tật của hệ thống quản lý. Vậy vấn đề là phải thay đổi cơ chế quản lý thì mới chống được tiêu cực, chống được tham nhũng”.

Cách đây trên 40 năm mà GS Hoàng Tụy đã nêu những vấn đề và bày tỏ suy nghĩ, chính kiến của mình với người lãnh đạo cao nhất của đất nước như vậy, quả là quá táo bạo! Tôi lại lắng nghe GS kể tiếp: “Tại đấy, chúng tôi còn góp nhiều ý kiến khác, như cần mở rộng quyền tự chủ của các xí nghiệp, bãi bỏ chủ trương ngăn sông cấm chợ, chấn chỉnh phong trào thi đua yêu nước, bởi nó mang nặng tính hình thức, lại rất tốn kém…”.

Nghe vậy, tôi hỏi: “GS và các nhà khoa học góp ý như vậy thì thái độ của Tổng Bí thư Lê Duẩn như thế nào?”. GS trả lời: “Điều bất ngờ với chúng tôi là trước những ý kiến gai góc mà trước đó lãnh đạo chưa từng nghe bao giờ, Tổng Bí thư dù rất buồn vẫn không tỏ ý bực dọc mà vẫn bình tĩnh, đĩnh đạc cùng chúng tôi trao đổi, thảo luận trong không khí cởi mở, thân thiện”. Và chẳng bao lâu sau cuộc gặp để nghe ý kiến đóng góp một cách chân thành, thẳng thắn đó, nhiều chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được điều chỉnh, sửa đổi, thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 6, khóa 5, tháo gỡ được nhiều vướng mắc, tạo đà cho đất nước phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Và cũng từ đó, GS Hoàng Tụy đúc kết nên một nhận xét quan trọng: “Ngay khi khó khăn nhất, nếu lãnh đạo chịu khó lắng nghe những tiếng nói tâm huyết, ngược với lời ca tụng thông thường thì không những lấy lại được niềm tin mà còn tìm ra được lối thoát. Còn như cứ thích nghe những lời tán tụng đường mật thì đó chính là con đường hủy hoại niềm tin, mà mất niềm tin thì mất hết!”

Năm 2012, tôi thực hiện bộ phim tài liệu về nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình với tên phim là “Người cháu gái cụ Phan”. Tôi không đi sâu vào tiểu sử và sự nghiệp chính trị của bà Bình, mà hướng trọng tâm phim vào vấn đề bà Bình đã phát huy chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ Phan như thế nào? Và tôi lại tìm đến GS Hoàng Tụy để xin ý kiến nhận xét về bà Bình, bởi có lúc bà làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lại là đồng hương của GS. Sau khi trả lời phỏng vấn của tôi với những nhận xét rất sắc sảo về bà Bình thì GS tâm sự và tặng tôi một số tài liệu và bài báo mà GS đã viết về các vấn đề giáo dục. Tôi nhận ra rằng, GS đã điểm đúng huyệt vấn đề quan trọng nhất, cốt tử nhất đối với sự phát triển của đất nước chúng ta.

GS Hoàng Tụy quan tâm đến giáo dục là quan tâm đến sự phát triển của toàn xã hội, đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc, chứ không chỉ quan tâm đến một lĩnh vực xã hội cụ thể. Hãy đọc những lời tâm huyết, gan ruột của GS: “Là người đã gắn bó với giáo dục 60 năm nay, qua đủ mọi cấp học, nếm trải đủ mọi khó khăn từ kháng chiến qua bao cấp, tôi hết sức lo lắng cho nền giáo dục nước nhà. Hơn lúc nào hết trong lịch sử, khắp nơi trên thế giới người ta đều hết sức coi trọng giáo dục. Hơn nữa, ngành này đã thay đổi sâu sắc trong mấy thập kỷ qua. Ngày càng rõ là chúng ta không chỉ tụt hậu, mà nguy cơ hơn là đang đi lạc khá xa con đường chung của thế giới...”.

Những góp ý chân thành, sâu sắc, thẳng thắn của GS thể hiện ở nhiều hội thảo, hội nghị về cải cách giáo dục, nhất là ở những bài báo, bài viết, điển hình là bài: “Giáo dục - xin cho tôi nói thẳng”. Và đây cũng là tên một quyển sách do Nhà Xuất bản Tri Thức ấn hành, tập hợp những bài viết gan ruột của GS Hoàng Tụy, trong đó GS có những góp ý về triết lý, mục tiêu, giải pháp cho nền giáo dục nước nhà.

Trong lịch sử, xứ Quảng đã sản sinh và đóng góp cho đất nước nhiều người con ưu tú. Họ rất hiếu học, yêu quê hương, đất nước cùng với đức tính trung thực, thẳng ngay, dũng cảm. GS Hoàng Tụy đã tiếp nối và phát huy được những phẩm chất tốt đẹp đó. GS xứng đáng được coi là “sĩ phu” xứ Quảng thời hiện đại!

NSND HUỲNH HÙNG

.