Báo Xuân 2024

Nghĩ về biểu tượng rồng trong tâm thức văn hóa Việt

09:48, 08/02/2024 (GMT+7)

Một ký hiệu ngôn ngữ (từ/ngữ), khi đi vào đời sống văn hóa, được cộng đồng sử dụng trong giao tiếp hằng ngày, thì nó không chỉ là ký hiệu thông thường dùng để định danh sự vật hay hiện tượng mà đã trở thành những từ - biểu tượng văn hóa, ký mã văn hóa. Trường hợp Rồng trong tiếng Việt và văn hóa Việt cũng không phải là ngoại lệ. Nó đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Dẫu rằng, Rồng chỉ là con vật tưởng tượng. Xét từ giác độ tri nhận, sự ý niệm hóa biểu tượng Rồng trong tâm thức văn hóa phản ánh lối nghĩ, lối tư duy của một dân tộc cụ thể.

Rồng, long, thìn từ góc độ ký mã ngôn ngữ/văn tự

Rồng còn được gọi với nhiều tên khác nhau trong tiếng Việt: rồng, thìn, long và có liên quan/nhận diện qua hình thể/hình dạng của rắn, thuồng luồng và cá sâu với những ký mã khác nhau. Việc lý giải về nguồn gốc của tên gọi Rồng trong các ngôn ngữ cũng đưa đến những kiến giải thú vị về mặt nhân học tộc người.

Có thể nói, cho đến nay, nguồn gốc Việt Nam của Rồng hay nguồn gốc Trung Hoa và/hoặc ngoài Việt Nam của nó vẫn chưa có một kết luận chắc chắn đúng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông cho rằng: “Dựa vào âm đọc Hán Việt và phiên thiết, ta có thể phục nguyên một dạng âm cổ của Thìn/Thần là *tran/tlan và các tương quan đến trăn, rắn, lươn, long, trình (chình) và thằn lằn (đơn âm hóa của tlan), thuồng luồng, xuồng luồng ... Thành ra, nếu gọi chi thứ 5 trong 12 con giáp là *tran/tlan (đọc như trăn tiếng Việt) theo âm cổ hơn so với Thìn/Thần (âm Hán Việt khoảng thời Đường Tống) thì vấn đề nguồn gốc phương Nam (tiếng Việt cổ) sẽ dễ dàng nhận ra”.

Học giả An Chi thì cho rằng, thìn và thận chỉ là những biến thể ngữ âm và biến thể tự dạng của nhau mà thôi và đều có nghĩa là: con thuồng luồng = con cá sấu = con rồng”. Đinh Văn Tuấn (Về chữ, nghĩa thìn long rồng, Tạp chí Ngôn ngữ, 7.2012) lại cho rằng ngay từ đời Thương, Thìn 辰 không phải là Long 龍 và hai chữ này cũng không dùng thay lẫn nhau […]. Thìn (辰) ban đầu là tiếng chỉ thời gian chứ không phải là tên gọi con Rồng…, đến thời Hán, mới thấy Thìn (辰) có biểu tượng là con rồng, Long (龍).

Như vậy, giữa Thìn/Rồng/Long … đều có mối liên hệ ngôn ngữ-văn hóa qua lại, hàm chứa những nghĩa từ nguyên thú vị, và quan trọng hơn, Rồng là con vật tưởng tượng, thường được cụ thể hóa qua rắn/thuồng luồng/cá sấu.

Biểu tượng Rồng trong tâm thức văn hóa Việt

Rồng chẳng những là biểu tượng của sự cao quý và quyền lực, mà còn là hình ảnh quen thuộc và gần gũi trong đời sống văn minh nhân loại. Nếu phương Tây coi Rồng là biểu tượng cho sự xấu xa, độc ác, là đối tượng mà con người cần phải chinh phục thì ngược lại, phương Đông lại xem Rồng là biểu tượng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, bản nguyên tích cực và sáng tạo, là sức mạnh của sự sống. Rồng trong truyền thuyết, huyền thoại phương Đông thường được mô tả khác với rồng của phương Tây cả về dáng dấp và tính khí.

Rồng trong văn hóa Việt Nam là độ khúc xạ của văn hóa Trung Hoa và văn minh Á Đông, một sự tiếp biến, hỗn dung. Rồng là một biểu tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng và tâm thức Việt, là linh vật đứng đầu trong tứ linh, là dòng giống con rồng cháu tiên. Trong tâm thức của người Việt, Rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm và dương, trời và đất, đất và nước, những nguyên khởi của cư dân nông nghiệp lúa nước. Điều này đã được ghi nhận qua Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: “Rồng lại được gắn liền nhiều nhất với việc sinh ra mưa và sấm […]. Hoàng đế là rồng, cũng là thần Sấm… Sấm ra, tức là dương lên, là triều dâng của sự sống, của cây cối, của sự đổi mới theo chu kỳ, được biểu thị bằng sự xuất hiện của rồng”. Có thể nói, biểu tượng Rồng biểu đạt những hàm ý biểu trưng sau:

Thứ nhất, Rồng biểu trưng cho quyền lực, cho uy quyền của đấng tối cao, sự cao quý, ngưỡng vọng và quy phục. Rồng biểu trưng cho vua trong xã hội phong kiến. Các đấng quân vương lấy/xem Rồng là biểu tượng của mình cho nên rất nhiều khía cạnh có liên quan đến vua đều gắn với chữ “long”: long bào, long sàng, long trượng... Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chú giải chữ “long” có các ý nghĩa sau: Tượng trưng cho vua; Lối mạch lối đi gọi là long, như “long mạch”; Chỉ người tài giỏi phi thường; Ngựa cao tám thước trở lên gọi là “long”. Từ ý niệm về sự quyền lực, uy quyền của đấng tối cao, ngưỡng vọng và quy phục ở trên, người Việt đã dân gian hóa ý niệm Rồng trong cuộc sống đời thường, tình yêu, khát vọng.

Chẳng hạn như ước mơ thành rồng, hóa rồng, gần rồng: Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn một kiếp ở trong thuyền chài, để biểu trưng cho chốn vương quyền, cao quý (thuyền rồng) mà ai cũng khát vọng; hay phong thái của bậc đế vương trong thành ngữ: Long hành, hổ bộ (Đi như rồng, bước đi như hổ). Trong mỹ thuật cung đình và dân gian, mô típ biểu tượng Lưỡng long chầu nguyệt luôn được dùng như những cổ mẫu văn hóa phổ biến cũng xuất phát từ ý niệm vương quyền, cao quý.  

Thứ hai, Rồng biểu trưng cho nguồn nước mang đến sự sống, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.  Quan niệm truyền thống “vạn vật khởi ư thủy” (Muôn vật đều bắt nguồn từ nước) đều có thể lý giải từ sự ý niệm hóa biểu tượng trong đời sống. Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đã giảng: “Thìn là sấm vậy. Tháng ba, khi dương chuyển động, sấm vang sét giật, là lúc dân cày cấy vậy, muôn vật đều sinh sôi”. Người Việt cũng đã dân gian hóa biểu tượng Rồng vào trong tình yêu, tình cảm luyến ái của con người.

Những câu ca dao mượn hình ảnh “rồng - phượng”, “rồng - mây” để chỉ tình yêu nam nữ đều xuất phát từ lý do này: Nhớ chàng như vợ nhớ chồng/ Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây. Trong hệ biểu trượng dân gian quen thuộc, rồng - mây thường được dùng để chỉ lứa đôi, bên cạnh những mô típ quên thuộc: mận - đào, loan - phượng, yến - oanh, gió - trăng v.v.: Mấy khi rồng gặp mây đây / Để rồng than thở với mây vài lời / Nữa mai rồng ngược mây xuôi / Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.

Thứ ba, Rồng biểu trưng cho sự phát triển hưng thịnh, vận may trong cuộc sống. Rồng mây gặp hội là cách nói về cơ hội may mắn gặp lúc thuận lợi giúp con người để thực hiện được ý đồ, mong ước của mình. Hay khi cần diễn đạt về những nghịch cảnh/hoàn cảnh trái ngược, người Việt lại nói “rồng đến nhà tôm”; còn khi con người thỏa mãn về mong ước cao sang lại nói: “như rồng gặp mây”. Vận hội hay vận may trong cuộc sống không có sẵn mà phải biết khát vọng mới đạt được. Khát vọng thành công thì ý niệm hóa qua biểu tượng “cá hóa rồng”, đặc biệt là sự thành đạt trong khoa cử: Biết bao giờ cá gáy hóa rồng/ Đền công ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa. Cũng có khi khát vọng cho người con gái lấy được người chồng xứng đáng: Phận gái lấy được chồng khôn/Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng.

Ngày này, khi nói về khát vọng vươn lên sự hung thịnh, giàu sang, trong tâm thức mỗi người đều liên tưởng đến những “giấc mơ rồng”, “khát vọng rồng”. Đó cũng là khát vọng vươn lên của nhân loại, những “con rồng” châu Á cường thịnh như cách nói quen thuộc. Danh xưng “Thăng Long” tự xa xưa cũng đã mang một tâm thế về một khát vọng vươn lên của người Việt. Nghĩ về biểu tượng Rồng trong tâm thức Việt truyền thống, chúng ta có dịp nghĩ về một biểu tượng đã ăn sâu trong tâm trí mỗi người về ý niệm dòng giống Tiên Rồng, ý niệm về sự khát vọng phồn vinh và phát triển của cuộc sống.

PGS.TS TRẦN VĂN SÁNG

.