Báo Xuân 2024

Thoại Mỹ: "gốc miền Trung cho tôi tánh cần cù, chịu khó"

14:25, 11/02/2024 (GMT+7)

Nghệ sĩ Thoại Mỹ được xem là ngôi sao trong làng cải lương hiện nay. Sinh ra ở Sài Gòn nhưng ba mẹ đều là người miền Trung. Thoại Mỹ cho rằng mình may mắn được thừa hưởng tánh chịu thương, chịu khó của mảnh đất miền Trung khắc nghiệt.

Nghệ sĩ Thoại Mỹ trong vở cải lương tuồng cổ Mạnh Lệ Quân. Ảnh: ĐOÀN TRÂN
Nghệ sĩ Thoại Mỹ trong vở cải lương tuồng cổ Mạnh Lệ Quân. Ảnh: ĐOÀN TRÂN

Nhìn ba mà vươn lên

​​​​​​​Ba Thoại Mỹ là người Điện Bàn, Quảng Nam, còn má chị là người Bình Thuận.  Thưở nhỏ, ba của chị từ quê một mình vào Sài Gòn đi ở đợ cho nhà giàu. Sau đó ông gặp cô gái nghèo từ đất Bình Thuận, họ tới với nhau và sanh một bầy con. Thoại Mỹ kể, vì khó khăn nên cái gì ba chị cũng làm, miễn kiếm được tiền lo cho vợ và 12 đứa con. “Ba tôi ở làng Thanh Quýt, quê anh Trỗi. Làng nghèo nổi tiếng nên vô Sài Gòn làm cực cỡ nào ba cũng không than. Có lẽ, sanh ra ở miền đất đầy khắc nghiệt đã tạo cho ba một ý chí rất lớn. Đám con cũng nhìn theo ba má mà học hỏi. Sống hà tiện hà tặn, hay lam hay làm, vất vả cỡ nào cũng không bỏ cuộc”, Thoại Mỹ xúc động nhớ về người cha thân yêu.

Chị cũng thừa nhận rằng chính tính cách miền Trung mà ba má truyền cho đã giúp mình vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên trở thành cô đào tài sắc như hiện nay. Nghiệp hát đến với Thoại Mỹ rất tình cờ. Người chị lớn là Thoại Miêu từng là đào nhì bên cạnh nghệ sĩ Lệ Thủy. Mỗi mùa hè, hay có dịp rảnh bé Ngọc Mỹ (tên thật của Thoại Mỹ) thường theo chị đi lưu diễn. Mỗi đêm bé Mỹ ôm cánh gà coi chị hát mà thuộc hết cả tuồng. Vậy chớ, ai kêu hát lại lắc đầu nguầy nguậy mắc cỡ. Một bữa, cô đào nhí trong vở Cây sầu riêng trổ bông bị bệnh, nghệ sĩ Lệ Thủy nhìn quanh không biết kiếm ai thế. Chợt bà nhìn thấy bé Ngọc Mỹ, bà kêu Thoại Miêu… xúi con nhỏ lên hát thử. Thoại Miêu cũng không chắc lắm về nhỏ em nhút nhát, ngặt gấp quá nên động viên em lên hát. Thật bất ngờ, lần thế vai “ngang hông” đó đã giúp cải lương sau này có thêm một cô đào hát tài năng. Bé Ngọc Mỹ đêm đó hát vai ngon lành và nhận từng tràng pháo tay tán thưởng.

Nhận thấy em gái có khả năng, Thoại Miêu nói chuyện với gia đình và sau đó Thoại Mỹ theo học cải lương với thầy Út Trong. 13 tuổi thi vào lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, là bạn đồng môn cùng Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thùy Trang, Tô Châu… Ra trường, Thoại Mỹ lại không may mắn như các bạn. Chị lận đận hoài với vai đào ba, đào nhì. Với những người khác có lẽ sẽ nản thậm chí còn muốn bỏ nghề.

Thế nhưng Thoại Mỹ luôn nhớ lời dặn của thầy mình, cố nghệ sĩ Phùng Há, là không có vai nhỏ, vai lớn, vai nào nếu chịu khó cũng sẽ giúp mình trưởng thành. Vậy là trong “thế giới đào nhì” đó, chị mài giũa từng tích tắc tâm lý, chị khai thác cách ca để lột tả được nội tâm nhân vật. Và dần dần Thoại Mỹ được đánh giá là đào nhì số 1. Vai mùi, độc, hài… vô tay chị “xử” được hết.

Chính vì vậy mà nghệ sĩ Diệp Lang thường khen chị là “Cô đào rộng đường xài”. Nghĩa là ở dạng vai nào Thoại Mỹ đều có thể xoay sở và khiến cho mình nổi bật. Kiểu đào nhì mà khó ai thay thế được, đào nhì có thể… giết luôn đào chánh vì sự tỏa sáng của mình.

Vật lộn với bệnh tật

Thoại Mỹ thưở bé vốn sức khỏe đã yếu. Sau này theo nghiệp hát chị càng phải đối diện với những trận bệnh mà chểnh mảng có thể nguy kịch đến tính mạng. Chị đã phải phẫu thuật ruột nhiều lần, khớp gối bị hư vì những lần diễn tuồng cổ thực hiện động tác đi gối. Nguy hiểm nhất là tim chị thường hay “trở chứng”. Có lúc tim đập rất nhanh, có lúc gần như không đập. Gần đây hết chịu nổi Thoại Mỹ phải sang Mỹ phẫu thuật đặt thiết bị hỗ trợ tim. Bác sĩ cảnh báo chị phải tịnh dưỡng, không được diễn những vai nặng. Điều này khiến Thoại Mỹ rất buồn, vì với chị có thể nói đây là thời điểm chín muồi về nghề.

Năm ngoái chị nhận huy chương vàng và được xướng tên đầu tiên trong Liên hoan sân khấu Thủ đô tại Hà Nội với vai Nguyễn Thị Anh trong vở cải lương Đêm trước ngày hoàng đạo. Nhiều người bày tỏ “nổi da gà” khi xem Thoại Mỹ diễn vai này. Một vai diễn cực khó, tâm lý hết sức phức tạp. Bởi Nguyễn Thị Anh được xem là nhân vật chủ chốt trong vụ án Lệ chi viên, dẫn đến cảnh thảm sát toàn gia của sao khuê Nguyễn Trãi. Cái hay của Thoại Mỹ là chị xây dựng Nguyễn Thị Anh không chỉ mưu mô, toan tính mà cũng đầy nỗi niềm. Những tích tắc nhỏ thôi, nhưng qua sự thể hiện tinh tế của Thoại Mỹ khiến khán phòng như lặng đi. Và nhiều người trong nghề đánh giá vai Nguyễn Thị Anh của Thoại Mỹ xứng đáng là “vai mẫu” để thế hệ sau học hỏi theo.

Chưa hết, độ chín về nghề của Thoại Mỹ ngày càng được công nhận khi chị liên tiếp được mời làm giám khảo các cuộc thi cải lương uy tín như Đường đến Danh ca vọng cổ, Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ… Ở vị trí cầm cân nảy mực Thoại Mỹ đã chứng minh năng lực bằng những nhận xét về nghề rất chất lượng, chị thể hiện sự thông minh, sắc sảo và cả quyết đoán.

Gần 40 năm theo nghiệp hát, dường như không khó khăn nào mà Thoại Mỹ không gặp phải. Nhìn chị xinh đẹp với giọng nói ngây thơ, nũng nịu, lúc nào cũng trông trẻ hơn so với tuổi nhưng có ai ngờ những sóng gió mà chị phải đối diện. Với những người không bản lĩnh có lẽ đã bỏ cuộc nhưng Thoại Mỹ cười nhẹ: “Chắc nhờ tính cách người miền Trung bền bỉ, nghị lực đã giúp tôi vượt qua”. Mà sóng gió trước mắt là ở giai đoạn chị đang có nhiều dự định với nghề, những ấp ủ về các vai diễn gai góc, nhưng cứ dồn sức vào là đổ bệnh. Năm ngoái, sau vai Nguyễn Thị Anh, Thoại Mỹ phải gián đoạn sân khấu cả năm trời để dưỡng bệnh. Giỗ tổ ngành sân khấu năm nay chị “làm liều” diễn lại trích đoạn ngắn trong vở nhưng sau đó tim lại mệt, lại phải tự ghìm mình lại.

Thế nhưng Thoại Mỹ vẫn mạnh mẽ nói: “Dường như tôi đã quá quen với những thử thách, trớ trêu của số phận rồi. Còn lòng yêu nghề thì tôi sẽ cố gắng chiến đấu với bệnh tật. Hy vọng một ngày mình đủ khỏe để thỏa sức tung tẩy với các nhân vật của mình”.

Thoại Mỹ cho biết, hiện ở Quảng Nam gia đình chị còn nhà thờ tổ ông bà, chú thím út và con của người chú thứ ba. Hằng năm, chị và chị Thoại Miêu thường về quê thăm gia đình, họ hàng, sau là tham gia các hoạt động từ thiện. Nếu không về được thì nghệ sĩ nào về giúp quê họ cũng gởi tiền phụ một tay. Thoại Mỹ chia sẻ vì gốc miền Trung nên chị mê món mì Quảng, mắm tôm chua, bánh tráng thịt luộc. Nước mắm thì phải giữ nguyên chất của quê hương chứ không pha trộn nhiều…

ĐOÀN TRÂN

.