CCB Ngô Văn Hà (ảnh), Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Hòa Vang, nguyên là chiến sĩ Đại đội Biệt động Lê Độ, đã kể lại trận tấn công Quân vụ Thị trấn Đà Nẵng năm 1968, trận đánh làm choáng váng bọn Mỹ-ngụy ngay trong sào huyệt của chúng.
...Sau một thời gian điều nghiên tình hình, Ban Chỉ huy Đại đội quyết định giao nhiệm vụ cho 6 đồng chí tấn công Quân vụ Thị trấn Đà Nẵng và tổ chức luyện tập tại xã Điện An (Điện Bàn-Quảng Nam). Trong khi đó, vũ khí đã được một bộ phận khác bí mật đưa vào nội thành, cất giấu trong gia đình cơ sở tại nhà số 3 đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn).
Chiều ngày 20-8 (1968), 6 đồng chí do Trung đội trưởng Nguyễn Minh Hoàng làm mũi trưởng, xuất phát tại Điện An, vòng lên phía tây để men theo chân núi Bồ Bồ, ra Hòa Tiến, xuống quốc lộ 1... Lúc này, địch đang càn quét vùng giáp ranh, nên cuộc hành quân của chúng tôi gặp nhiều trở ngại, khi đến thôn La Thọ (Điện Hòa-Điện Bàn) bị máy bay địch bắn trúng đội hình và đồng chí Nguyễn Minh Hoàng đã hy sinh. Quận đội liền cử đồng chí Thái Thanh A-Đại đội trưởng Đại đội Biệt động Lê Độ xuống trực tiếp chỉ huy, tiếp tục cuộc hành quân tiến ra Đà Nẵng. Các chiến sĩ mưu trí vượt qua đội hình càn quét của địch, đến 0 giờ ngày 22-8 đã hành quân đến chợ Miếu Bông (nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Tại đây, anh em được gia đình cơ sở trang bị quần áo như những người dân thành phố, mỗi người mỗi kiểu khác nhau, tự đón xe đò đi Đà Nẵng và tìm đến vị trí tập kết.
Đến 22 giờ ngày 22-8, cả 6 đồng chí đã có mặt tại nhà số 3 đường Thống Nhất. Chị Nguyễn Thị Tám làm nhiệm vụ theo dõi mục tiêu cũng đã đến và cung cấp những điểm thay đổi về tình hình địch, rồi trở về nhà để tiếp tục hoạt động hợp pháp. 6 anh em chia làm 2 tổ khẩn trương chuẩn bị vũ khí. Tổ xung lực 3 người, do đồng chí Thái Thanh A làm tổ trưởng cùng hai đồng chí Nguyễn Văn Cư và Hoàng Lương Đức, mỗi người 1 khẩu AK và 2 băng đạn. Tổ hỏa lực cũng có 3 người. Tôi (tổ trưởng) và đồng chí Nguyễn Văn Lục, mỗi người 1 khẩu B40 và 2 quả đạn, còn đồng chí Kiều Thị Hoa nhận 1 AK, 2 băng đạn làm nhiệm vụ yểm trợ. Ai nấy khẩn trương lau chùi, kiểm tra vũ khí. Mũi trưởng nhắc lại quyết tâm và phương án chiến đấu.
23 giờ 30 phút, chúng tôi tiến vào vị trí chiếm lĩnh ở bên này đường Thống Nhất và bên kia đường chính là căn cứ của địch. Chúng tôi triển khai cách cổng số 2 của mục tiêu chưa đầy 10 mét, tổ hỏa lực ở bên phải cổng và tổ xung lực ở bên trái cổng.
Tấm bia ghi chiến công trận đánh Quân vụ Thị trấn Đà Nẵng năm 1968. |
Đúng 0 giờ ngày 23-12, mũi trưởng Thái Thanh A bắn phát súng lệnh, lập tức, tôi bắn một quả B40 làm chiếc xe M113 của địch ở gần cổng bốc cháy. Cả tiểu đội địch trên xe bị tiêu diệt. Địch phản kích dữ dội. Khẩu đại liên tại lô cốt cổng số 2 bắn vào trận địa tổ hỏa lực. Đồng chí Kiều Thị Hoa bị trúng đạn, hy sinh. Tôi bắn quả B40 thứ hai diệt được khẩu đại liên địch. Bọn địch bên trong náo động, la hét ầm ĩ, sau đó một chiếc GMC chở lính lao ra phản kích. Đồng chí Lục bình tĩnh ngắm và bóp cò khẩu B40. Chiếc xe địch trúng đạn, phụt cháy. Bọn địch trên xe một số chết, một số nhảy xuống chống trả. Còn quả đạn cuối cùng, Lục bắn vào khu nhà hai tầng (là nơi ở của một đại đội địch), phá toang một mảng tường lớn ở tầng trên. Tổ xung lực vượt đường Thống Nhất và vượt tường xông vào chiến đấu bên trong. Tiếng súng của ta nổ từng loạt ngắn, còn địch thì hò hét chống trả. Trận đánh kéo dài 15 phút, đồng chí A và đồng chí Cư lần lượt hy sinh, còn đồng chí Đức bị thương nặng, ngất đi và bị địch bắt.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi và đồng chí Lục men tường nhà số 1 đường Thống Nhất, qua đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú) và nấp ở phía sau nhà Ngân khố, nay là Tòa soạn Báo Đà Nẵng. Địch báo động cả thành phố. Lính Mỹ, lính ngụy bủa vây khắp các ngả đường. Quân cảnh, cảnh sát lùng sục, bắt bớ khắp nơi. Vừa mới mờ sáng, hai chúng tôi đã rơi vào tay giặc. Cả 3 đồng chí bị bắt đã phải chịu biết bao cực hình tra tấn, nhưng không hề khai báo nửa lời. Cuối cùng, Đức bị địch đưa đi giam tại nhà tù Phú Quốc, tôi và Lục bị đày ra Côn Đảo. Riêng tôi vì “tội bắn cháy xe tăng Mỹ” nên bị kết án tử tù.
Trận đánh có ý nghĩa to lớn cả về quân sự và chính trị. Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ-ngụy rêu rao là đã “quét sạch Cộng quân”, “đẩy Cộng quân ra khỏi biên giới”..., do vậy, trận đánh này đã đập tan luận điệu của địch và chứng tỏ là lực lượng cách mạng vẫn còn ở khắp nơi, vẫn tiếp tục tấn công và vẫn có thể tấn công ngay trong hang ổ quân thù...
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM