.

Dân tin, dân theo, dân ủng hộ

.

“Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ” - đây là thành công lớn trong công tác dân vận của Đảng ở thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, để có được thành công này, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của hệ thống chính trị ở thành phố. Đâu đó trong cuộc sống vẫn còn ý kiến bất đồng với những chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền và vì vậy, nhiệm vụ công tác dân vận lúc nào cũng khó khăn, đầy thách thức.

Mô tả ảnh.
Cán bộ phải gần dân và trọng dân thì dân vận mới đạt hiệu quả.

 

Tạo lòng tin của dân vào Đảng, chính quyền

Trao đổi về tình hình công tác dân vận hiện nay, đồng chí Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho rằng: Cần phải xác định mục tiêu của công tác dân vận mà trong đó, quan trọng là làm sao tạo niềm tin của dân đối với Đảng, chính quyền. Đồng thời, phải vận động để người dân thấy mình “được” chứ không phải là “mất”. Từ nhận định này, nhìn lại một chặng đường phát triển của Đà Nẵng từ khi trực thuộc Trung ương đến nay, có thể thấy, nhờ nhận thức được quyền và lợi ích của mình nên đa số người dân thành phố đã ủng hộ những chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền mà nổi bật nhất là chủ trương về quy hoạch, chỉnh trang đô thị.

“Các dự án không những mang lại lợi ích cho thành phố mà người dân còn được hưởng lợi”, anh Trương Thanh Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Thuận Phước, quận Hải Châu nói về hiệu quả việc triển khai các dự án trên địa bàn phường. Theo anh Dũng, nhờ làm tốt công tác vận động nên hơn 10 năm qua, ở phường chưa có trường hợp nào khiếu kiện gay gắt, đông người, vượt cấp. Ngược lại, nhiều bà con giáo dân giáo xứ Thanh Đức đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, di dời tượng Đức Mẹ để làm đường 3 tháng 2. Và trên 400 hộ dân hiến đất mở rộng hồ Đầm Rong để làm khu xử lý nước thải; nhiều hộ hiến tường rào, cổng ngõ để mở rộng một số tuyến đường trên địa bàn phường… Đây là ví dụ để thấy được sự đồng tình, ủng hộ của hơn 90.000 hộ dân thành phố trong công tác giải tỏa, phục vụ cho việc triển khai các dự án phát triển đô thị từ năm 1997 đến nay.

Tuy nhiên, muốn tạo được lòng tin trong dân, nhất thiết Đảng và chính quyền phải nói đúng, làm đúng. Dân chỉ tin khi họ thấy được hiệu quả thật sự mà những chủ trương, chính sách của thành phố mang lại cho cuộc sống của mình. Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã nhấn mạnh: “Cái gì có lợi cho dân thì làm, không có lợi cho dân thì tránh. Đà Nẵng làm được điều đó dù chưa thực sự hoàn chỉnh. Chúng ta vận động giúp dân bớt nghèo, giúp trẻ em bớt hư hỏng, giúp người dân có nhà ở, phụ nữ nghèo được chữa bệnh miễn phí… Nhưng nói dân vận thì dễ chứ làm thì cực kỳ khó”. Hẳn nhiên, dân vận đòi hỏi nghệ thuật mà nghệ thuật ở đây là nói và làm sao cho dân tin. Muốn dân tin thì ngay trong Đảng, chính quyền phải làm cho đúng, cho trúng. Nếu Đảng, chính quyền nói một đằng, làm một nẻo; nói nhưng không làm, nói nhiều, làm ít thì rõ ràng, người dân sẽ dần dần giảm sút niềm tin. Và khi đó, chắc chắn rằng, việc vận động nhân dân tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội sẽ rất khó khăn.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đã có ý kiến nói rằng, nhiều địa phương, đơn vị “khoán trắng” công tác vận động quần chúng cho Ban Dân vận mà không thực hiện quan điểm của Đảng là cả hệ thống chính trị đều phải cùng tham gia. “Tôi có cảm tưởng khi các cơ quan Nhà nước chưa vận động được quần chúng thì mới nhờ đến dân vận mà lẽ ra, công tác vận động phải đi trước. Đằng này, Nhà nước đi trước, va vấp thì mới kêu dân vận”, đồng chí Bùi Văn Tiếng chia sẻ. Thực tế này rõ ràng đã diễn ra ở một số nơi và cho thấy, sự phối hợp trong hệ thống chính trị các cấp để làm dân vận chưa thực sự tốt, những cán bộ làm công tác dân vận cũng chưa được nhìn nhận và đánh giá cho đúng tầm.

Bên cạnh đó, một thực tế đáng lo ngại đang diễn ra ở một số địa phương là ngay cả cán bộ, đảng viên cũng có người sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng đến công tác vận động quần chúng. Do vậy, nếu muốn làm dân vận tốt thì cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đều phải thực sự gương mẫu, trọng dân, gần dân và làm tốt trách nhiệm của mình. Bà Nguyễn Thị Vân Lan, nguyên Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Phải làm thế nào làm trong sạch nội bộ Đảng, chỉ khi nào Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là tấm gương sáng để mọi người noi theo thì lúc đó nhân dân mới tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đảng nói dân nghe, công tác vận động quần chúng mới đem lại kết quả”. Ngoài ra, theo đồng chí Bùi Xuân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thì chính người dân cũng làm dân vận. “Dân trở thành lực lượng làm công tác dân vận thì lúc đó dân vận mới thực hiện tốt. Hiện nay, chúng ta chưa biến lực lượng cốt lõi này thành lực lượng quan trọng trong công tác dân vận”, đồng chí Bùi Xuân nhấn mạnh.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, dân vận thực sự là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với hệ thống chính quyền, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi nhiều vấn đề bức xúc đang tác động tiêu cực đến niềm tin của dân vào Đảng, chính quyền. Nếu cả hệ thống chính trị không có sự bắt tay phối hợp chặt chẽ thì sẽ tạo ra những lỗ hổng trong công tác dân vận, để rồi, thành quả ở chỗ này có thể sẽ bị nơi khác phá tan bằng những hành vi tiêu cực của cán bộ, bằng sự thiếu đồng bộ trong cách thực hiện công tác vận động quần chúng. Không phải đơn giản khi nói “dân vận thì phải khéo”. Rõ ràng, không những “khéo” nói trước dân mà chính quyền phải “khéo” làm, “khéo” phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ để khi vận động thì dân sẽ đồng thuận và toàn tâm, toàn ý tin vào Đảng, chính quyền.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.