.
KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15-10)

Phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân

.
Mô tả ảnh.
Năm 1999, kỷ niệm 50 năm Ngày bài báo “Dân vận” của Bác ra đời, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm làm “Ngày Dân vận của cả nước”.
 
Trước đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10, một trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất với nhiều quyết nghị quan trọng về công tác vận động quần chúng, cũng là ngày bài báo “Dân vận” của Bác Hồ đăng trên Báo “Sự thật” ngày 15-10-1949 làm ngày “Truyền thống công tác dân vận của Đảng”. Từ đó đến nay, ngày 15-10 hằng năm không chỉ là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng mà còn là “Ngày Dân vận” của toàn dân trong cả nước.

Kỷ niệm 12 năm “Ngày Dân vận của cả nước” (15-10-1999 – 15-10-2011) và 81 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2011) là dịp để chúng ta tiếp tục cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác dạy về công tác dân vận; là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh những phẩm chất trung thành, đoàn kết, tận tụy và truyền thống tốt đẹp của lớp lớp cán bộ dân vận thầm lặng phấn đấu quên mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng; là dịp để chúng ta tiếp tục biểu dương những điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị đang gắn bó ngày đêm với nhân dân ở cơ sở; là dịp để phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Và đặc biệt là dịp để chúng ta tri ân và biểu dương các tầng lớp nhân dân đã tin tưởng và đồng thuận với đường lối chủ trương của Đảng, hăng hái hưởng ứng thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển đất nước, phát triển thành phố.        

Được viết cách đây 62 năm, những lời Bác dạy về công tác dân vận thể hiện trong bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật, số 120, ngày 15-10-1949 là những lời tâm huyết được Người đúc kết trong quá trình hoạt động cách mạng mà ngày nay vẫn còn nguyên tính thời sự: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Nội dung bài báo đã thể hiện tư tưởng, quan điểm chỉ đạo sâu sắc của Bác về công tác vận động quần chúng; nêu rõ bản chất, nhiệm vụ, phương hướng công tác dân vận và trách nhiệm, tác phong của toàn thể cán bộ trong hệ thống chính trị đối với công tác vận động nhân dân; có thể coi là cương lĩnh về công tác dân vận của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận thể hiện tại tác phẩm “Dân vận” đã trở thành kim chỉ nam cho công  tác vận động quần chúng  của  Ðảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong hơn 6 thập niên qua. Nội dung bài báo đã và đang là nền tảng tư tưởng để Đảng ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân vận trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước.

Mô tả ảnh.
Hiến đất làm đường ở tổ 21 phường Hòa Hiệp Bắc của hộ ông Nguyễn Công Khánh. Ảnh : TRỌNG HUY
 
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong suốt các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Đảng ta đã đưa công tác dân vận phát triển lên tầm cao mới, động viên toàn dân tham gia tự giác vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; với yêu cầu “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không bỏ sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”. Phát huy sức mạnh lòng dân, Đảng ta đã dẫn dắt quân và dân ta lần lượt đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng và đỉnh cao toàn thắng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Lòng tin của dân đối với Đảng, với Bác Hồ, với chế độ đã tạo nên sức mạnh vật chất kỳ diệu để chiến thắng quân thù.
 
Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, dựa trên tư tưởng của Bác về dân vận, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ ở cơ sở, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân, tạo nên sức mạnh đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi các chủ trương xây dựng và phát triển đất nước. Bằng công tác dân vận, các chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đi vào lòng dân, được nhân dân đồng thuận và đó đã trở thành nhân tố quyết định thắng lợi trong tổ chức thực hiện. Sức mạnh đồng thuận của nhân dân được tăng cường thông qua Dân vận và công tác dân vận đã trở thành nhiệm vụ chiến lược như khẳng định của Bộ Chính trị: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân” (*).

Câu hỏi Ai phụ trách dân vận được Bác đặt ra trong bài báo “Dân vận” vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự. Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị được Bộ Chính trị ban hành năm 2010 đã quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác được nêu trong bài báo và đã xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị. Phát biểu nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và 11 năm Ngày Dân vận 15-10-2010, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nêu vấn đề Ai làm dân vận và đã xác định làm dân vận không chỉ là trách nhiệm đương nhiên của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong các tổ chức của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của người dân: “Người dân cũng phải làm công tác dân vận; người dân cũng phải vận động gia đình mình, làng xóm mình thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước... 
 
Ai cũng phải làm công tác dân vận; công tác dân vận muôn màu, muôn vẻ thì hiệu quả mới lớn”. Động viên và tạo điều kiện để người dân làm dân vận với nhau, để người dân tích cực vận động người dân chưa tích cực; để người dân vận động gia đình mình, tộc họ mình, bạn bè mình, đồng nghiệp mình, làng xóm mình, tổ dân phố mình… thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật Nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược. Người dân chỉ tự giác làm dân vận với  nhau khi người dân tin ở chính sách của Nhà nước, tin vào sự điều hành việc tổ chức thực hiện chính sách ấy. Muốn vậy, chính sách của Nhà nước phải đúng, cụ thể hóa được chủ trương của Đảng và bảo đảm hài hòa các lợi ích, trong đó có lợi ích của người dân. Cùng với chính sách đúng, cơ quan Nhà nước phải tổ chức điều hành, thực hiện tốt chính sách, giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các công việc có quan hệ trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Thực tiễn xây dựng và phát triển thành phố những năm qua cho thấy những chính sách đúng đắn của thành phố liên quan đến quy hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố môi trường, thành phố “5 không”, “3 có”, các chính sách phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh, an sinh xã hội... đã được nhân dân đồng thuận và hưởng ứng thực hiện. Một Đà Nẵng mới với diện mạo văn minh, hiện đại chính là kết quả của ý Đảng lòng dân. Đó không chỉ là kết quả của công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận của chính quyền, công tác vận động quần chúng của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân mà còn là kết quả của hành động dân vận tự giác của nhân dân.
 
Đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều điển hình Dân làm dân vận hiệu quả trong thực hiện chỉnh trang đô thị, trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của thành phố. Để người dân tự đôn đốc, nhắc nhở nhau, để người dân ngợi khen người tốt, để người dân phê phán những hành động tiêu cực của người chậm tiến cũng là cách làm dân vận tích cực, tự giác, hiệu quả. Thực tiễn công tác dân vận thành phố thời gian qua đúng là “muôn màu, muôn vẻ” đã tạo nên mối quan hệ tin cậy giữa các cơ quan thuộc hệ thống chính trị với nhân dân ở Đà Nẵng là: “Đảng nói-dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động-dân theo; Chính quyền làm-dân ủng hộ”.

Thành quả “Được lòng dân” của thành phố Đà Nẵng đã, đang và sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng thành công một thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại. Mừng Ngày Dân vận 15-10 năm nay, chúng ta tin tưởng rằng với truyền thống yêu nước và trách nhiệm công dân, phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, phát huy sức mạnh đồng thuận toàn dân, nhân dân thành phố sẽ chung tay, hợp lực, hăng hái thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố như Nghi quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đã đề ra.
TRẦN ĐÌNH LIỄN
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy
 
(*) Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành theo Quyết định số 290-QĐ/TƯ ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị.
;
.
.
.
.
.