Chính trị - Xã hội

Vấn đề cử tri quan tâm

Bảo vệ quyền lợi công nhân

08:09, 10/12/2014 (GMT+7)

Báo cáo công tác xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa VIII đã nêu bức xúc của một bộ phận cử tri là công nhân tại các khu công nghiệp. Họ không chỉ gặp khó khăn về nhà ở, nhà trẻ, đời sống văn hóa tinh thần mà còn bị thiệt thòi quyền lợi do tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của cơ quan BHXH Đà Nẵng, tình trạng trốn đóng, nợ BHXH trong thời gian gần đây rất lớn. Trong hai năm 2013 và 2014 thành phố có đến 2.007 doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động nợ gần 195,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp có số tháng nợ BHXH lâu nhất là Công ty Cổ phần khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá Vinh Hoa là 214 tháng với số tiền 143 triệu đồng; Công ty Nhật Hoàng với thời gian nợ 206 tháng với số tiền nợ 849 triệu đồng.

Doanh nghiệp có số nợ tiền lớn nhất là Công ty Liên Chiểu với số nợ 4,9 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty Someco Sông Đà tại Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Con Đường Xanh đều có số nợ BHXH 4,9 tỷ đồng; Công ty Lilama 7 nợ BHXH 3,3 tỷ đồng... Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng trên 4.000 lao động bị thiệt thòi quyền lợi do chủ sử dụng lao động nợ chây ỳ BHXH.

Theo ông Văn Phú Long, Trưởng Phòng thu của cơ quan BHXH Đà Nẵng, do không được đóng BHXH, người lao động (NLĐ) bị thiệt thòi quyền lợi rất nghiêm trọng. Đó là việc NLĐ khi bị ốm đau đi khám, chữa bệnh phải chịu 100% chi phí, trong khi giá thuốc, dịch vụ y tế vừa điều chỉnh theo hướng tăng cao. NLĐ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, không chốt được sổ BHXH, không được giải quyết hưởng chế độ một lần hoặc không được hưởng lương hưu, lao động nữ không được trợ cấp thai sản khi sinh con.

BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội. Đây là quan điểm thể hiện tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT trong giai đoạn 2012-2020.

Từ nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, vận động tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn được chú trọng đẩy mạnh thực hiện. Đến tháng 11-2014, độ bao phủ BHYT toàn dân của Đà Nẵng đạt 91%; số NLĐ tham gia BHXH đạt 38,7% tổng số lực lượng LĐ, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 35,3%.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ tiêu đạt được đều thấp hơn so với chỉ tiêu trong kế hoạch của UBND thành phố. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT đang diễn ra khá phổ biến trên cả nước và Đà Nẵng không là ngoại lệ. Đây đó ở các địa phương vẫn có tư tưởng so sánh: Đi đốc thu, đòi nợ thuế càng tích cực thì phần để lại cho ngân sách địa phương càng nhiều bấy nhiêu. Còn đi đốc thu, chống nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT thì chỉ có cơ quan BHXH là được lợi (?). Do vậy mà thiếu nhiệt tình phối hợp với cơ quan BHXH trong công tác đốc thu, chống trốn đóng và nợ đọng.

Hàng chục ngàn cử tri là công nhân-NLĐ trên địa bàn thành phố mong đợi hoạt động giám sát của HĐND thành phố tập trung vào công tác tuyên truyền tiếp tục tạo nhận thức về nguồn thu BHXH, BHTN, BHYT là để đảm bảo ASXH, ổn định chính trị-xã hội. Hoạt động giám sát của HĐND thành phố cần bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố được thực hiện nghiêm túc, bảo vệ được quyền lợi của NLĐ, xử lý nghiêm khắc các doanh nghiệp nợ chây ỳ BHXH, BHYT nhằm mục đích chiếm dụng số tiền phải đóng cho NLĐ theo quy định pháp luật.

SƠN TRUNG

.