Chính trị - Xã hội

Những người "gác cửa biển"

09:21, 03/02/2015 (GMT+7)

Khi biển bình thường thì công việc của những người “gác cửa biển” khá nhẹ nhàng với việc làm thủ tục, kiểm tra. Khi biển động, bão tố, những người “gác cửa biển” luôn trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng…, bởi phía trước họ là ngư dân đánh bắt ngoài khơi…

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Mân Quang kiểm tra phương tiện tàu thuyền trước giờ ra biển khai thác hải sản.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Mân Quang kiểm tra phương tiện tàu thuyền trước giờ ra biển khai thác hải sản.

7 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 1, cầu cảng thuộc Trạm kiểm soát Biên phòng (TKSBP) Mân Quang (Đồn Biên phòng 252, Bộ đội Biên phòng thành phố) rộn rã tiếng nổ máy tàu, ghe cập sà lan vào trạm đăng ký thủ tục xuất bến. Trong bộn bề, tấp nập đó, thuyền trưởng tàu ĐNa 40927 Trần Thanh Dũng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vào trạm làm thủ tục.

Sau tiếng chào hỏi thân mật, Trung úy Dương Hữu Hưng, Trạm phó TKSBP Mân Quang nhanh chóng kiểm tra sổ đăng ký, đóng dấu rồi trao lại sổ cho anh Dũng. Một cán bộ trong ca trực đi theo anh Dũng ra tàu kiểm tra số lượng người, phao cứu sinh, phương tiện chữa cháy trên tàu ĐNa 40972 trước giờ cho tàu xuất bến.

Tiếp đó, thuyền trưởng tàu giã cào đôi QNg 97925 – 97927 Phạm Văn Hoa (tỉnh Quảng Ngãi) nhanh chóng cầm sổ đăng ký vào trạm. Trung úy Hưng dặn dò thuyền trưởng: “Mấy hôm nay thời tiết nguy hiểm, anh nên cho tàu đánh ở vùng biển ít sóng gió và phải thường xuyên theo dõi các bản tin để bảo đảm tính mạng và tài sản cho mình và các thuyền viên”.

Trung úy Hưng cho biết: “Mỗi ngày đêm, trạm chia thành 4 ca trực, mỗi ca 6 tiếng. Công việc hằng ngày của anh em là kiểm soát tàu vào ra; kiểm tra các giấy tờ đăng kiểm, các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, số lượng thuyền viên, phao cứu sinh cũng như các phương tiện chữa cháy.

Bên cạnh đó, tuyên truyền cho ngư dân nắm rõ quy định đánh bắt trên biển; nhắc nhở ngư dân cam kết không đánh bắt cá nóc… Tính mạng của ngư dân là trên hết. Do đó, cùng với tạo thuận lợi cho ngư dân thì mình phải làm chặt, nhất là quản lý về con người, các trang thiết bị để bảo đảm cho ngư dân trên biển”.

Thiếu tá Lê Xuân Duẩn, Phó Trạm trưởng TKSBP Mân Quang cho biết thêm: “Không chỉ kiểm soát, anh em còn làm nhiều công việc khác như nắm tình hình trên biển, bảo đảm an ninh trật tự trên biển, trong khu vực âu thuyền… và làm đầu mối hòa giải những mâu thuẫn của ngư dân”.

Anh Duẩn kể, cách đây khoảng 4 tháng, tàu cá của ông Võ Cu (Thọ Quang, Sơn Trà) đang đánh bắt tại vùng biển Đà Nẵng thì bị tàu Quảng Ngãi va chạm, gây hư hỏng nặng. Không giải quyết được tranh chấp, ông Cu cũng không nắm được tên chủ tàu gây tai nạn nên khi về bờ đã báo cho Đồn Biên phòng.

Lật lại sổ nhật ký, cán bộ kiểm soát biết được chủ tàu gây tai nạn cho tàu ông Cu là tàu ông Nguyễn Thanh T. (Quảng Ngãi). Sau đó, cán bộ Biên phòng đã liên lạc, yêu cầu ông T. quay tàu về đất liền để giải quyết. Quá trình hòa giải, ông T. bồi thường cho ông Cu 7 triệu đồng để khắc phục thiệt hại thân tàu. “Mình làm sao để ngư dân không mất đoàn kết, nhưng cũng phải hợp lý, hợp tình. Nhờ đó, sau mỗi vụ hòa giải, các ngư dân xem như không có chuyện gì xảy ra, đoàn kết, tiếp tục giúp nhau trên biển”, Thiếu tá Duẩn chia sẻ.

Âu thuyền Thọ Quang -  nơi có số lượng tàu thuyền của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung vào ra nhiều. “Trời nắng thì mỗi ngày đêm có khoảng 150 lượt tàu thuyền vào ra, tính ra mỗi năm có trên 40.000 tàu. Tuy nhiên, với tinh thần làm việc tích cực và khoa học, khi cần thông tin về tàu thuyền, chỉ cần dở từng sổ đăng ký quản lý ra là có thể nắm được, anh em bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Trung úy Dương Hữu Hưng chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.