Chính trị - Xã hội

Tấm lòng yêu trẻ

07:26, 17/02/2015 (GMT+7)

Năm 1999, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Quyền trẻ em. Toàn bộ công tác chuẩn bị, cơ quan Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em thành phố tham mưu rất cụ thể cho lãnh đạo thành phố.

Chúng tôi rất lo lắng vì Đà Nẵng còn là một trong những đơn vị thí điểm đầu tiên của cả nước tổ chức diễn đàn cho các em. Mặc dù rất bận, nhưng anh Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thành phố cũng đến dự và tham gia đối thoại với các em. Kịch bản đã hoàn chỉnh, chủ yếu tập trung vào những vấn đề bức xúc liên quan đến trẻ em như học hành, vệ sinh môi trường, khu vui chơi, giải trí...

Anh Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho trẻ em.
Anh Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho trẻ em.

Sáng sớm, các đại biểu trẻ em đã tề tựu đông đủ. Các em ở bên kia sông đến chậm hơn song vẫn đúng giờ. Mọi việc rất suôn sẻ. Các câu hỏi rất khớp và hay. Học lớp tình thương có được quàng khăn đỏ không? Vì sao nước nguồn ở Liên Chiểu bị đục? Làm thế nào để chúng em có sân đá bóng... và rất nhiều ý kiến khác nữa. Sau giờ giải lao, người dẫn chương trình mời anh Nguyễn Bá Thanh phát biểu, theo đúng kịch bản. Chúng tôi hình dung sẽ là một bài phát biểu dặn dò, hứa hẹn và khen ngợi theo kiểu lãnh đạo. Nhưng... lời đầu tiên anh Thanh nói lại là một câu hỏi:

- Ai trong số các cháu ngồi đây chưa được ăn sáng?

Khoảng hơn chục cánh tay giơ lên. Tôi giật mình, kiểu này chắc “cháy giáo án”.

- Các cháu ở đơn vị nào?

Rồi quay sang chúng tôi, anh Thanh nhắc nhở, tập trung các cháu sớm phải chuẩn bị cho các cháu ăn sáng. Nếu không, rủi có cháu nào yếu mà xỉu thì sao. Anh cũng nhấn mạnh, cuộc đối thoại vừa rồi rất hay nhưng trước hết phải nhớ cho bọn trẻ ăn no.

Chúng tôi cũng bất ngờ nhưng cũng kịp giải trình với vị lãnh đạo rằng, đã chuẩn bị đầy đủ khẩu phần ăn sáng cho các em nhưng mấy em ở xa, đến trễ chắc không kịp ăn. Anh Bá Thanh nhắc nhở rút kinh nghiệm rồi hỏi tiếp:

- Ai trong số các cháu ở đây không được sống cùng với cha mẹ?

Lại một câu hỏi bất ngờ (tất nhiên không có trong kịch bản). Cũng khoảng gần chục cánh tay giơ lên. Anh gọi một số em. Em thì nói ba mẹ ly hôn. Nhà có 2 anh em, đứa ở với ba, đứa ở với mẹ. Em thì nói em mồ côi cha vì cha em bệnh qua đời. Em thì nói không biết ba mẹ là ai vì em sống ở trung tâm... Cả hội trường lặng đi. Ở hàng ghế đại biểu, người ta thấy anh Bá Thanh đang rút khăn tay lau nước mắt. Ngồi cạnh anh Nguyễn Bá Thanh là anh Nguyễn Đình An, Chủ tịch Mặt trận cũng như vậy.

Rồi anh Bá Thanh còn hỏi nữa những câu tương tự như những ai học lớp học tình thương, vì sao?  Ước mơ của cháu là gì? Có em trả lời muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho ba. Có em nói lớn lên làm kỹ sư xây dựng để làm một ngôi nhà cho ông bà vì nhà ông bà em ở chỉ có 10 mét vuông và lợp tôn... Anh Thanh chăm chú nghe và nói, thật là những ước mơ lớn. Học lớp tình thương nhưng ước mơ làm bác sĩ, kỹ sư thì quả là ước mơ táo bạo nhưng nhất định phải thực hiện... Anh cười và cả hội trường vỗ tay hưởng ứng.

30 phút đối thoại của vị Chủ tịch thành phố với trẻ em thật sinh động, lúc lắng xuống vì xúc động, lúc sôi nổi hào hứng khi nói đến những ước mơ, lúc bật cười sảng khoái vì những nhận định thẳng thắn nhưng hài hước, dí dỏm... Cái đặc biệt của anh Bá Thanh là thế. Đừng khiên cưỡng, gò bó trong những kịch bản khuôn mẫu, cứng nhắc, nhất là đối với trẻ em. Anh căn dặn những người làm công tác trẻ em chúng tôi như vậy.

Với trẻ em cần một tấm lòng, một nhiệt huyết. Với trẻ em đừng bắt đầu bằng sự lớn lao, to tát. Hãy trước hết bằng miếng cơm, manh áo, nơi ở, cái chữ và một mái ấm gia đình. Chắc anh cũng không biết rằng hôm ấy chúng tôi đã có một bài học lớn về cái tâm và phương pháp công tác. Anh cũng hoàn toàn khiến chúng tôi bất ngờ, phải suy ngẫm nhưng đầy hứng thú.

Sự khác biệt của anh với những người khác chính là khả năng truyền cảm hứng. Nếu được nghe anh nói và thấy anh làm thì bất kỳ người cán bộ cấp dưới nào cũng đều không thể thoái lui hay biếng nhác được. Cứ bắt tay làm, có thể có sai sót. Sai rồi sửa. Sửa để tốt hơn, còn hơn là trì trệ, thụt lùi, ngồi im một chỗ rồi phán xét người khác. Cách truyền lửa của anh Bá Thanh là vậy.

Đà Nẵng không ngừng thay đổi. Năm 2000, một dấu son điểm tô cho thành phố, đó là cầu Sông Hàn. Cây cầu làm dòng sông đẹp hơn, lung linh hơn. Cũng dịp này, chúng tôi tổ chức một cuộc thi vẽ tranh cho trẻ em toàn thành phố chào mừng những ngày lễ lớn. Sau diễn đàn Quyền trẻ em, hầu như những hoạt động liên quan đến trẻ em mà chúng tôi tham mưu đều được lãnh đạo ủng hộ và tạo điều kiện thực hiện. Anh Bá Thanh còn đề nghị sau cuộc thi sẽ tổ chức triển lãm tranh của các em ngay trên bờ sông, gần cầu Sông Hàn. Thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí. Chúng tôi rất vui và truyền niềm vui cho các họa sĩ nhí. Các em rất hào hứng.

Cuộc thi diễn ra dọc bờ sông Hàn. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh đọc diễn văn khai mạc và trực tiếp xem các em sáng tạo. Đa phần các em vẽ về dòng sông và cây cầu mới. Hầu hết các bức tranh đều thể hiện tình yêu đối với thành phố quê hương, một tình cảm rất dễ thương và trong sáng. Gặp một em đang vẽ dòng sông Hàn với không chỉ một chiếc cầu, anh Bá Thanh hỏi vì sao cháu vẽ nhiều cầu như vậy. Cháu bé lớp 4 ấy đã trả lời, cháu rất yêu thành phố và dòng sông. Cháu vẽ với mong muốn thành phố quê hương của cháu không chỉ đẹp mà còn rất hiện đại. Anh Thanh lắng nghe, khen giỏi và tỏ ra rất thích thú.

Một điều trùng hợp là bức tranh đó đã được ban giám khảo gồm các họa sĩ có tên tuổi của thành phố chấm giải nhất. Cháu bé sau vài năm cũng giành giải nhất trong một cuộc thi vẽ tranh quốc tế. Hôm xem triển lãm tranh của các em, dừng lại ở bức tranh giải nhất, anh Bá Thanh vẫn còn tấm tắc khen và nói có thể đây chính là khởi nguồn cho một ý tưởng hay. Biết đâu ước mơ của tác giả này sẽ thành sự thật. Anh nhấn mạnh, biết ước mơ và dám ước mơ là điều rất cần thiết nhưng cần thiết hơn là phải biết nuôi dưỡng ước mơ và nếu có cơ hội hãy nắm lấy để biến ước mơ thành sự thật cho dù ước mơ ấy được manh nha từ một đứa trẻ.

Hôm nay, những người dân của Đà Nẵng và cả nước đều được chứng kiến và chiêm ngưỡng ước mơ của những đứa trẻ đã và đang trở thành hiện thực. Và, tất cả chúng tôi đều nghĩ và hướng về anh, người lãnh đạo, người chỉ huy tài ba, tâm huyết, không khoan nhượng trước sự trì trệ, vô cảm nhưng lại có một trái tim luôn biết rung cảm với những nỗi niềm vui khổ của người dân mà đặc biệt là người nghèo và bất hạnh, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Trái tim ấy, tầm nhìn ấy thể hiện một khát vọng bình dị mà lớn lao, đó là thành phố Đà Nẵng quê hương của chúng ta, không những đẹp mà còn phải phấn đấu trở thành thành phố không có người nghèo đói, không có người mù chữ, không có tội phạm, nhiễu nhương... một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố an bình, đáng sống.

Con người với những khát vọng và những dự định ấp ủ về một cuộc sống tươi đẹp đã mãi mãi ra đi để lại biết bao thương tiếc cho gia đình, người dân, bạn bè, đồng chí. Cầu mong anh yên nghỉ thanh thản. Vĩnh biệt anh Nguyễn Bá Thanh!

NGÔ LIÊN HƯƠNG

.