Chính trị - Xã hội

40 năm, tập hợp sức mạnh lòng dân

07:46, 18/03/2015 (GMT+7)

9 giờ sáng ngày 29-3, cả Đà Nẵng sôi sục, người người đổ ra hai bên trục đường chính kéo dài từ ngã ba Cây Quen (ngã ba đường Hoàng Hoa Thám - Lý Thái Tổ ngày nay) đến đại lộ Hùng Vương xuống Thành Thái (đoạn từ đường Yên Bái đến Bạch Đằng ngày nay) ngày càng đông; tay cầm cờ nửa đỏ, nửa xanh, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh - cờ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam, miệng hô vang “Giải phóng rồi, giải phóng rồi!”.

Trên đường, những chiếc xe honđa, xe Dasu chở các huynh trưởng phật tử, tay cầm cờ, tay cầm loa kêu gọi mọi người bình tĩnh, bộ đội sẽ vào giải phóng thành phố. Những chiếc xe jeep chở cán bộ Mặt trận Giải phóng, cán bộ binh địch vận hối hả chạy về các ngã đường để tiếp quản trụ sở, nhà máy đầu não.

Tự vệ thành phố Đà Nẵng phối hợp với quân giải phóng giữ gìn trật tự đường phố sau ngày giải phóng 29-3-1975.  		Ảnh: TTXVN
Tự vệ thành phố Đà Nẵng phối hợp với quân giải phóng giữ gìn trật tự đường phố sau ngày giải phóng 29-3-1975. Ảnh: TTXVN

Chưa thấy bóng dáng của bộ đội, chỉ người dân vui mừng đổ ra đường và cơ man là cờ, cờ Mặt trận Giải phóng rợp cả hai bên đường, trên hiên nhà, góc phố. Đường Núi Thành bây giờ, thời đó nhà cửa còn lụp xụp, đang diễn ra cảnh hỗn loạn, những chiếc xe tăng hạng nặng M41 gầm rú, trên nóc tháp bu bám đầy lính thủy quân lục chiến, hốt hoảng kinh hoàng tháo chạy qua cầu Đờ Lách hướng về bãi biển Mỹ Khê.

“Đà Nẵng quê ta ơi, hôm nay giải phóng rồi. Trên sông Hàn lại vang câu hò. Cờ giải phóng lại bay trên phố cũ. Trời của ta, đất của ta, con chim trên cành lại cất tiếng ca. Đà Nẵng hôm nay giải phóng rồi” (Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi-Nguyễn Đức Toàn) - giọng ca của ca sĩ Bích Liên cao vút, thôi thúc, tự hào…

Hai mươi lăm năm sau, tháng 3 - 2000, thành phố làm lễ khánh thành cây cầu bắc qua sông Hàn, kết nối hai bờ vui, những chiếc đò ngang, đò dọc của một thời khốn khó lùi vào dĩ vãng, đánh dấu thành phố bứt phá kể từ đây. Mới sáng sớm, mọi người tập trung đông kín chờ được đi bộ qua sông Hàn. Mọi việc sẽ bình thường, nếu không mang đậm dấu ấn: là một công trình trong thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ; là công trình đánh dấu thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ; và công trình do người dân thành phố đóng góp một phần tiền của. Cũng từ đây, trên các diễn đàn chính trị thành phố thường hay nói đến cụm từ sự đồng thuận của nhân dân, bởi Mặt trận thành phố đã vận động nhân dân góp hơn 7 tỷ đồng trong tổng số tiền xây dựng cây cầu hơn 44 tỷ đồng thời đó.

Mười lăm năm sau nữa, có thêm nhiều câu cầu đẹp bắc qua sông. Cũng với câu chuyện xây cầu, nhưng lúc này Mặt trận lại phản biện về chủ trương xây cầu đi bộ qua sông Hàn, bởi cần nhưng chưa bức thiết và không đúng lúc. Và không chỉ có những chiếc cầu, còn có hàng trăm ngàn hộ dân phải di dời nhà cửa, giải tỏa ruộng đồng, vườn tược để xây lại thành phố văn minh hiện đại. Mặt trận đóng vai người tuyên truyền vận động, thuyết phục để người dân sẵn lòng chấp thuận dù phải hy sinh, thua thiệt một ít để có cơ ngơi đàng hoàng hơn, to đẹp hơn cho ngày sau.

Thực hiện đường lối đổi mới, Mặt trận tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường vươn lên, khai thác mọi tiềm năng và các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất kinh doanh, học tập, công tác; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển tình đoàn kết hữu nghị với các nước trên thế giới.

Thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Mặt trận thực hiện chủ trương đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam; lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến; không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội.

Trong những năm qua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động đã được đồng bào ở trong nước và ngoài nước tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức, tiền của, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (1995) với phương châm lấy sức dân lo cho dân, ra đời thuận với ý Đảng lòng dân, ngày càng được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng. Cuộc vận động Ngày vì người nghèo (2000) đã được Mặt trận các cấp chủ động thực hiện góp phần xây dựng hàng ngàn ngôi nhà Đại đoàn kết cho người nghèo. Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (2009) trong thời kỳ hội nhập nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đến nay đã trở thành phương châm hành động trong nhận thức của người dân.  

Đặc biệt, với Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị “Về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” đã đặt ra cho Mặt trận các cấp nhiệm vụ hết sức nặng nề, mới mẻ. Giám sát,  phản biện xã hội không còn là nguyện vọng mà trở thành nhu cầu của cuộc sống. Hơn ai hết, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc với trọng trách to lớn hơn.

TRẦN VĂN DƯ

.