Chính trị - Xã hội
Đòn bẩy thúc đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới
Có thể nói, không có đội ngũ trí thức giỏi thì không thể nào có tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, bất cứ thời đại nào, quốc gia nào, muốn phát triển cũng đặt nặng vấn đề chăm lo bồi dưỡng nhân tài, sử dụng và phát huy tối đa tiềm năng chất xám của đất nước.
Ban Chấp hành Hội Kiến trúc Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo thành phố. |
Muốn làm được điều này, trước hết phải hiểu đúng họ, tin cậy họ, để rồi từ đó trao cho họ những công việc phù hợp với tài năng chuyên môn của từng người.
Trong bức tranh toàn cảnh xã hội, chưa bao giờ chúng ta lại có một đội ngũ trí thức hùng hậu trên mọi lĩnh vực như hiện nay. Chỉ riêng với thành phố Đà Nẵng, lực lượng trí thức tham gia vào các tổ chức nghề nghiệp đã có hơn 12.000 người (theo báo cáo của Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố Đà Nẵng), chưa kể đến các lực lượng khác đang hoạt động và làm việc tại các khối doanh nghiệp, các dự án trong nước và nước ngoài đầu tư…
Xác định tiềm năng trí thức của Đà Nẵng nên các nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố Đà Nẵng luôn nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vị trí và yêu cầu phát triển văn hóa, phát triển khoa học, giáo dục và đào tạo để xây dựng Đà Nẵng là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Tuy nhiên, với một lực lượng như vậy, trong thời gian qua, đội ngũ trí thức vẫn chưa đem hết toàn năng và tâm huyết của mình để cống hiến cho xã hội. Phải chăng là do cơ chế quản lý còn mang nặng tính cấp phát nên hoạt động trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tư vấn phản biện thiếu năng động và ít hiệu quả. Theo chúng tôi nhận xét, có phần chủ quan, do nhiều căn nguyên sau.
Thứ nhất là, mặc dù xã hội có đổi mới nhưng chưa thật sự gắn kết với cơ chế quản lý chung trong xã hội, nhất là quản lý kinh tế; chưa tạo ra được những giải pháp đồng bộ giữa các ngành. Đó là chưa tính đến những bất cập ngay trong cơ chế quản lý Nhà nước hiện nay. Thứ hai là, việc đổi mới công nghệ, tư vấn phản biện chưa trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều doanh nghiệp Nhà nước, còn đối với doanh nghiệp tư nhân thì chưa có khả năng cả về tài chính và năng lực để tự đổi mới công nghệ.
Do vậy, mọi hoạt động nghiên cứu - triển khai vẫn phải dựa vào kinh phí của Nhà nước trong khi nguồn kinh phí còn rất hạn hẹp và đương nhiên là tồn tại tâm lý xin - cho, ỷ lại, trông chờ; hậu quả là hoạt động khoa học, kỹ thuật thiếu sức sống, thiếu năng động và sáng tạo, chưa trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ ba là, hiện nay nhiều nhà khoa học vẫn còn tư duy theo lối bao cấp cũ, thiếu năng động, ngại dấn thân theo đuổi đến cùng trong một môi trường sôi động, khắc nghiệt và không ít rủi ro của kinh tế thị trường; họ thường đổ lý do kinh phí hạn chế, do đó, nhiều đề tài được tô điểm bằng những lý thuyết với mỹ từ hàn lâm hơn là thực tiễn nhu cầu đòi hỏi của xã hội để rồi đứng ngoài xin làm người quan sát và tùy hứng với thời cuộc.
Cuối cùng là quyền hạn của các nhà quản lý. Nếu thiếu đi tính thực tiễn hoặc lạc hậu so với tính thực tiễn hoạt động kinh tế và hoạt động khoa học, kỹ thuật thì thường dẫn đến duy ý chí và võ đoán. Từ võ đoán do thiếu tư vấn của các chuyên gia thường dẫn đến những sai lầm khó sửa và tất nhiên phải ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Một khi nhà quản lý biết lắng nghe, biết cầu thị, một khi sự đóng góp đầy tâm huyết không vụ lợi của các chuyên gia trên mọi lĩnh vực chắc chắn rằng xã hội sẽ công bằng, dân chủ và văn minh.
Đà Nẵng là một thành phố trẻ, vươn dậy bằng ý chí tái thiết, bằng sự hy sinh công sức, tâm trí và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân. Do đâu được vậy? Phải chăng là cái tâm, cái tầm của các nhà lãnh đạo, trong đó có cái trí và lòng nhiệt huyết của các trí thức ở mọi lĩnh vực nghề nghiệp. Đơn cử qua hai việc của dự án Cầu đi bộ qua sông Hàn và công trình tòa nhà “Ngọn hải đăng” trên sông Hàn. Nếu lãnh đạo duy ý chí, không cầu thị và lắng nghe ý kiến đóng góp; nếu các trí thức không tâm huyết và trách nhiệm với quê hương thì điều gì có thể xảy ra cho con cháu chúng ta mai sau? Chúng ta có quyền tự hào về sự thấu đáo trong nghĩ, suy của các nhà lãnh đạo và ở cả nhà trí thức.
Vậy, làm gì để người có tài an tâm, phấn khởi, có nhiều điều kiện tốt hơn làm việc ngay trong lĩnh vực mà họ am tường và giỏi giang nhất? Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải luôn luôn suy nghĩ và nhanh chóng thay đổi, điều chỉnh trong quá trình thực thi nhằm sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ trí thức. Cần biết cảm thông, trân trọng, chờ đợi và hướng họ tới những suy nghĩ đúng, hành động đúng để họ phát huy được tài năng phục vụ quê hương, đất nước, phục vụ dân tộc.
Trong tất cả sự lãng phí của xã hội, lãng phí chất xám là lãng phí lớn nhất. Thành phố Đà Nẵng đang có một đội ngũ trí thức đông đảo và không kém tài năng. Tin tưởng, coi trọng, sử dụng tốt đội ngũ này sẽ tạo thêm một đòn bẩy quan trọng đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước.
H.K.T