Chính trị - Xã hội
Bước ngoặt quyết định sau chiến dịch Đà Nẵng
Chiến thắng vang dội của Chiến dịch Đà Nẵng (26 - 29-3-1975) làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch có bước ngoặt quyết định, hoàn toàn có lợi cho ta. Chiến thắng đã tạo ra thời cơ mới và một thế trận mới để nhanh chóng hoàn thành sự nghiệp cao cả giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Quân đoàn 2 giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh tư liệu |
Đập tan ý định co cụm chiến lược của địch
Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, một căn cứ quân sự liên hợp lớn hải - lục - không quân (trước đây là căn cứ liên hợp của Mỹ), hiện đại và mạnh vào loại bậc nhất ở miền Nam. Tại đây, lực lượng địch có khoảng 75.000 tên, được tổ chức phòng thủ làm hai tuyến: Tuyến vành đai do sư đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn 3 bộ binh cùng một số đơn vị bảo an phụ trách; tuyến trong do các đơn vị địa phương cùng lực lượng các quân binh chủng đảm nhiệm. Sau khi mất Huế, lại mất Tam Kỳ (Quảng Nam), Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố "tử thủ" Đà Nẵng bằng mọi giá.
Về phía ta, nhận định bước phát triển mới của tình hình sau các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên; Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa, trước mắt là giải phóng Đà Nẵng. Lúc bấy giờ, lực lượng ta tham gia Chiến dịch có Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324) và Quân khu 5 (gồm Sư đoàn bộ binh 2, Lữ đoàn bộ binh 52, 2 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 trung đoàn và 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương, du kích và lực lượng tự vệ, biệt động...).
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh và Đảng ủy chiến dịch mang tên Mặt trận 475. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu Trưởng được cử làm Tổng Tư lệnh và đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 được cử làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy.
Ngày 26-3, chiến dịch Đà Nẵng mở màn. Đến ngày 28-3, quân ta đã đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch và triển khai lực lượng áp sát thành phố Đà Nẵng từ nhiều hướng. Trước nguy cơ bị bao vây tiêu diệt, ngày 26-3, Mỹ buộc phải lập cầu hàng không di tản cơ quan lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng về Sài Gòn khiến tinh thần binh lính địch ở đây càng thêm rối loạn.
Ngày 27-3, nhiều đơn vị địch đã tự động bỏ trận địa tiền tiêu rút về phía sau. Sau đó, địch cũng bỏ cả quận lỵ Thăng Bình, rút khỏi căn cứ Núi Quế. Chiều 28-3, Trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân khu 1 cùng Bộ tư lệnh vùng 1 chiến thuật đã bí mật trốn ra hạm đội 7 của Mỹ đậu ở ngoài biển, bất chấp lời kêu gọi “tử thủ Đà Nẵng” của Nguyễn Văn Thiệu.
Vào thời điểm này, qua theo dõi, nhận định những diễn biến mới nhất của cục diện chiến tranh, ngày 27-3, Quân ủy Trung ương điện cho Quân khu V và Quân đoàn 2: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương, cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng, nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”.
Nắm bắt thời cơ, rạng sáng ngày 29-3, quân ta tập trung 30 khẩu pháo lớn của Quân đoàn 2 và Quân khu 5 bắn mãnh liệt vào các khu vực Hòn Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện, sân bay Đà Nẵng, cảng Sơn Trà, sân bay Nước Mặn..., kịp thời chi viện cho các mũi bộ binh, xe tăng tiến công từ nhiều hướng. Đến 15 giờ ngày 29-3, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà. Thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận hoàn toàn được giải phóng.
Chiến dịch giải phóng thành phố lớn thứ hai ở miền Nam kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã bộ chỉ huy quân đoàn 1, sư đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn 3, liên đoàn 15 biệt động quân, tàn quân ngụy chạy từ Thừa Thiên - Huế vào, thu và phá hủy 69.000 khẩu súng các loại, 138 xe tăng và xe bọc thép, 115 máy bay, hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh khác.
Cục diện chiến tranh thay đổi
Thắng lợi của Chiến dịch Đà Nẵng cùng với đòn tiến công Tây Nguyên, chiến dịch Nam - Ngãi và chiến dịch Trị Thiên, có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đập tan ý định co cụm chiến lược của địch.
Chiến dịch Đà Nẵng đã gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kỹ thuật, tan rã về tổ chức, bế tắc về chiến thuật, chiến lược và quan trọng nhất là suy sụp lớn về tinh thần, đẩy quân ngụy đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không gì có thể cứu vãn nổi, mở ra cho ta thời cơ, điều kiện mới giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngay trong đêm 29/3, khi Đà Nẵng vừa được giải phóng, các hãng tin phương Tây đã bình luận: “Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ”.
Là một chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, diễn ra trong một thời gian ngắn, giành được thắng lợi lớn, đã cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu như: chỉ đạo chiến dịch linh hoạt, kịp thời, đạt hiệu quả chiến đấu cao. Về nghệ thuật quân sự, đòn tiến công Đà Nẵng là sự chuyển hướng tiến công sáng suốt, linh hoạt và rất kịp thời của ta, tạo sự sụp đổ dây chuyền nhanh chóng của địch. Trong quá trình tiến công, quân ta đã nhanh chóng cắt đường 1, chia cắt cô lập Đà Nẵng, hình thành thế bao vây, tiến công áp đảo bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng từ nhiều hướng, không cho địch kịp đối phó và rút chạy.
Thắng lợi của chiến dịch Đà Nẵng đã góp phần mở ra một địa bàn chiến lược có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt. Một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm 5 tỉnh đồng bằng ven biển (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong đó có 2 thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng) tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nối liền với vùng mới giải phóng ở Tây Nguyên, đã tạo nên một hậu phương chiến lược hoàn chỉnh hơn. Với hậu phương mới tạo ra, ta có điều kiện tốt hơn trong việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm cơ động lực lượng, đáp ứng với yêu cầu tập trung lực lượng quy mô lớn cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Theo Trần Tiến Duẩn (Tin tức)