Chính trị - Xã hội

Ký ức khó phai của nhà báo Anh về cuộc kháng chiến của người Việt

09:30, 14/03/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Max Hasting, nhà báo kỳ cựu người Anh, đã từng đến Việt Nam khi mới 24 tuổi với tư cách là phóng viên của hãng BBC TV. Ông đã từng chứng kiến cuộc đổ bộ của quân Mỹ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965.

Max Hastings (phải) cập nhật thông tin tại chiến trường Việt Nam
Max Hastings (phải) cập nhật thông tin tại chiến trường Việt Nam

Sau này, hình ảnh quân Mỹ với cái dáng vẻ khúm núm của kẻ bại trận trước những người lính Việt ngoan cường xuất thân từ gốc rạ bờ tre quả thực đã khắc sâu vào trong tâm thức của ông.

Mới đây, Max Hasting đã đăng tải bài viết của ông trên Mail Online, lột tả một cách trung thực cuộc leo thang quân sự của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam.

Ngày 8-3-1965, những toán lính của Lữ đoàn 9 viễn chinh Thủy quân lục chiến Mỹ ồ ạt tràn vào bờ biển Đà Nẵng với đầy đủ vũ khí và trang thiết bị quân sự, chính thức mở màn cuộc chiến tàn khốc tại Việt Nam do chính Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson khởi xướng nhằm chống lại sự trỗi dậy của cộng sản.

Nơi lính viễn chinh Mỹ đặt chân lên không hề có bóng dáng quân thù, chỉ có âm thanh xì xào và những nụ cười gượng gạo của một đám người được tức tốc huy động đến để chào đón quân đổ bộ Mỹ, cùng với một nhóm người dân địa phương hiếu kỳ.

Gần 60.000 lính Mỹ tử nạn và mất tích trong cuộc chiến mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Vết nhơ lịch sử này giờ vẫn còn hằn in trong tâm thức của cả một thế hệ người Mỹ tham chiến tại quốc gia Đông Nam Á này.

Hình ảnh đội vệ binh danh dự lặng lẽ khiêng những chiếc quan tài phủ quốc kỳ Mỹ lên phi cơ trở về quê nhà nơi người thân của các binh sĩ tử nạn đang đau đáu chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng chỉ là một trong số hàng ngàn cảnh tượng bi đát mà Max Hastings đã chứng kiến.

"Việt Nam đã phải hứng chịu 4 chiến dịch ném bom được tiến hành bởi quân đội Mỹ. Phía Mỹ tổn thất 3.720 phi cơ và 5.000 trực thăng. Nhưng có đáng là gì so với cái chết của 2 triệu người Việt Nam, Lào và Campuchia vô tội.

Cuộc chiến đẫm máu này đã đi vào lịch sử nhân loại, gây ra nỗi thống khổ tột cùng, vượt xa những mất mát và đau thương từ những cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan ở thế kỷ 21 này."

Quân đội giải phóng Việt Nam đang chạy qua một phi cơ bị tiêu hủy tại sân bay Tân Sơn Nhât năm 1975
Quân đội giải phóng Việt Nam đang chạy qua một phi cơ bị tiêu hủy tại sân bay Tân Sơn Nhât năm 1975

Trong bài viết của mình, Max Hastings thú nhận: “Tôi đã ở đó. Giống như một triệu người khác, những ký ức sống động sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí tôi: hình ảnh bình minh rực lửa, tiếng cánh quạt trực thăng cắt gió ào ào, tiếng súng rền vang không ngớt trên cánh đồng lúa, không gian tĩnh lặng đáng sợ, những người nông dân và chiến sĩ Việt Nam với những khuôn mặt lạ lẫm, và rồi những cột khói đen ngòm, dày đặc ồ ạt bốc lên từ các thôn làng bị dội bom hoặc đạn pháo.

Đối với thế hệ các nhà báo đến từ khắp thế giới như chúng tôi, Việt Nam quả thực là nơi chúng tôi muốn đặt chân đến để khám phá một khúc ca bi tráng, và nói một cách thành thực thì để thử “lửa” sức trẻ đầy hoài bão của mình.”

Đế quốc Mỹ đã bắt đầu ngấm ngầm thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam không phải vào năm 1965, mà chính xác là 20 năm trước đó nữa, thời điểm quân lính Anh kéo vào Đông Dương để hòng kiểm soát bán đảo này và hất cẳng quân Nhật tại đây, song thực chất là bí mật tìm cách giúp quân Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc ngày 7-5-1954 được xem là một thảm họa đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của mình nói chung sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Sau chiến dịch lừng lẫy này, miền Nam rơi vào tay chính quyền Ngô Đình Diệm - người được Mỹ ngợi ca là “nhà quân sự tài ba”.

Thập kỷ sau đó, chiến sĩ cộng sản đẩy mạnh chiến tranh du kích để giành quyền kiểm soát miền Nam.

Chiến sĩ Việt Nam
Chiến sĩ Việt Nam

“Thuyết domino” được chính quyền của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy phát triển với cam kết mạnh mẽ hơn nữa: “Hoa Kỳ sẽ gánh vác mọi gánh nặng, liên kết với mọi đồng minh, chống lại mọi kẻ thù để bảo vệ thế giới tự do của chúng ta” và can thiệp ngày càng sâu hơn vào cuộc chiến tại Việt Nam. “Thuyết domino” chỉ về nguy cơ phát triển của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương mà trọng tâm là tại miền Nam Việt Nam. Theo đó: nếu Hoa kỳ không can thiệp để những người cộng sản "chiếm cứ" miền Nam Việt Nam thì đó sẽ là quân bài domino chìa khóa làm cho Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện "sụp đổ vào tay cộng sản" và sẽ tạo lợi thế lớn cho các phong trào cộng sản tại châu Á đe dọa các khu vực sống còn còn lại của "thế giới tự do”.

Quân Anh đã thành công trong cuộc chiến dịch chống lại cuộc nổi dậy của cộng sản Trung Quốc tại Mã Lai.  Vậy cớ sao Mỹ lại không thể làm điều tương tự như vậy?

Chính tham vọng trên đã đẩy Mỹ lún sâu vào quá trình leo thang quân sự ở Việt Nam, theo lệnh của Tổng thống John F. Kennedy. Trước tiên, các cố vấn quân sự Mỹ được điều động đến miền Nam Việt Nam, tiếp đến một số lượng lớn vũ khí quân dụng hạng nặng được vận chuyển đến nhằm tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ. Máy bay và trực thăng Mỹ liên tiếp tiến hành các vụ ném bom oanh tạc các căn cứ của Việt Cộng.

Vào năm 1964, Kennedy lúc bấy giờ đã qua đời, người kế nhiệm ông là Lyndon Johnson trở thành ông chủ Nhà Trắng. Đông đảo nhân dân Mỹ yêu cầu ông phải hạn chế những tổn thất của Mỹ ở Đông Dương, và nhận ra hệ lụy từ việc chống đỡ cho một chế độ Sài Gòn đang bị mục rửa bởi nạn tham nhũng.

Thế hệ người Mỹ lúc đó mặc định rằng, họ đã từng chia sẻ vinh dự chiến thắng trong Thế chiến thứ hai và từng ngày chứng kiến đất nước của họ đang trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết. Do vậy, không có gì là không thể làm được đối với cường quốc này.

Quân viễn chinh Mỹ chính thức đổ bộ vào Đà Nẵng năm 1965. Những toán lính nghĩa vụ này sau đó phục vụ tại một trong những căn cứ rộng lớn mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam trong những năm cuối thập niên 60. Bia lạnh, điều hòa không khí, thịt bò cho bữa tối và cả truyền hình trực tiếp từ Mỹ luôn luôn sẵn có tại các căn cứ quân sự ở Biên Hòa và vịnh Cam Ranh.

PX - một trung tâm mua sắm cho quân đội Mỹ - ở Chợ Lớn, (vùng ngoại ô của Sài Gòn), sang trọng không thua kém chuỗi cửa hàng bách hóa Bloomingdale ở New York.

“Ngay cả khi chỉ là một người trẻ tuổi, tôi vẫn có thể hiểu được lý do vì sao người Mỹ lại trở thành những kẻ bại trận. Họ đã xem thường nền văn hóa và sự đói nghèo của những người mà họ cho là đã chiến đấu tự vệ đến cùng. Họ đang nỗ lực theo đuổi cuộc chiến này theo quan điểm của riêng họ, cam kết tận dụng triệt để sức mạnh của công nghệ tối tân và khí tài quân sự hạng nặng ngay tại một quốc gia, nơi mà những người nông dân ngày đêm cần mẫn trên cánh đồng, và chủ nghĩa Mác luôn có chỗ đứng trong hệ thống tư tưởng.” Max Hastings viết.

“Tôi vẫn còn nhớ một bình minh trên đường băng Pleiku ở Tây Nguyên, chứng kiến thành viên phi hành đoàn nhanh chóng bước ra khỏi những chiếc trực thăng để bắt tay thực hiện nhiệm vụ trong ngày.

Họ bắt đầu khởi động các động cơ các tàu đổ bộ, rồi hàng loạt tàu chiến Huey và trực thăng chiến đấu Cobra đang tăng tốc về phía trước.

Với tất cả lợi thế mà quân đội Mỹ có được, tôi đã có lúc tin rằng làm sao họ có thể bại trận tại chiến trường Việt Nam”.

Tổng thống Johnson, nhà ngoại giao người Mỹ gốc Đức Henry Alfred Kissinger, và rất nhiều tướng lĩnh Mỹ đều có chung nhân định như trên. Nhưng rốt cuộc, tất cả bọn họ đều đã sai khi quá chủ quan vào sức mạnh của Mỹ.

Vào tháng 3-1968, các đơn vị lính Lục quân Mỹ đã thảm sát hàng trăm người dân vô tội không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em tại tỉnh Quảng Ngãi. Sự kiện thảm khốc này đã gây rúng động dư luận Mỹ, Việt Nam, và cả thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Mỹ ở Việt Nam sau này.

Quân đội Mỹ lại tiếp tục lún sâu vào cuộc chiến phi nghĩa của họ khi sử dụng “pháo đài bay” B52 để phá hoại miền Bắc. Họ cũng đã phun các hóa chất rụng lá chẳng hạn như chất độc da cam xuống một số vùng ở miền Nam Việt Nam với mục đích cho phép quân đội Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn phát hiện quân giải phóng di chuyển trong rừng.

Trong khi đó, các phát ngôn viên của Mỹ ở Washington và ở Sài Gòn đều tìm cách dối lừa người dân Mỹ và cả dư luận thế giới, cố tình lấp liếm về những gì họ đã làm tại Việt Nam.

Một phóng viên đã từng cảnh cáo Max Hasting trước khi ông tới Việt Nam về sự dối trá của tướng chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam khi họ hô hào cái tuyên bố điên rồ về viễn tưởng “đếm xác" (body count) dân Việt trong tinh thần kỳ thị chủng tộc.

Trong bối cảnh dân Mỹ thúc ép chính phủ sớm chấm dứt chiến tranh để rút quân về nước, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, áp dụng toàn diện trên toàn Đông Dương từ tháng 6-1969, nhằm từng bước chuyển trách nhiệm tiến hành chiến tranh cho chính quyền và quân đội Sài Gòn để Mỹ có thể rút dần quân về nước nhưng vẫn giữ được miền Nam Việt Nam và cả bán đảo Đông Dương trong tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Max Hastings cho rằng, có lẽ có nhiều quân sĩ Mỹ cũng trải qua nỗi ám ảnh như ông trong một ngày năm 1971. Ngồi trong xe tải của Mỹ trên đường tiến đến chiến trường ở Tây Nguyên, ông nhìn thấy một dãy dài các xe bọc thép rỉ rét, nằm chỏng chơ trong một khe sâu bên đường. Lúc đó ông nhận ra đó là những tàn tích còn sót lại của Binh đoàn cơ động 100 (Groupe Mobile 100) sau khi bị tiêu dịch hoàn toàn trong trận chiến lịch sử năm 1954. Những gì đã từng xảy ra đối với Pháp có thể xảy ra một lần nữa ở những người khác khi họ cố tình lặp cái trò điên rồ trên đất nước này.

Ngày 23-1-1973, ông Lê Đức Thọ, đại diện đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và ông Henry Kissinger, phái viên của Tổng thống Mỹ, cùng ký tắt vào Hiệp định Paris tại Trung tâm hội nghị quốc tế, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Sự kiện này đã tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước năm 1975. Trong khi đó, chính quyền ngụy ở Sài Gòn dần mất chỗ dựa về quân sự, bị suy yếu và càng lún sâu vào khủng hoảng chính trị.

Cuối cùng, xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, ngày này đã trở thành huyền thoại và đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.

Lính Cộng hòa vứt bỏ súng ống, quân trang để tháo chạy
Lính ngụy vứt bỏ súng ống, quân trang để tháo chạy

Với tư cách là một phóng viên, Max Hastings đã tận mắt chứng kiến những tuần cuối cùng của trận chiến. Hàng nghìn quân lính Việt Nam Cộng hòa bại trận tháo chạy và nhiều người dân tị nạn đã di tản khỏi Sài Gòn.

Hàng loạt phi cơ, máy bay trực thăng có giá hàng trăm triệu đô la bị xô đẩy xuống biển, bởi vì không còn chỗ trên sàn đáp. Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam trở thành một nước chủ nghĩa xã hội thống nhất.

“Tất cả chúng tôi, những người Mỹ và châu Âu dường như kiệt quệ về tinh thần bởi nỗi khiếp đảm mà chúng tôi đã chứng kiến trong cuộc chiến này. Những tổn thương của chúng tôi không có nghĩa lý gì đối với nỗi thống khổ tột cùng mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng”, Max Hastings thú nhận.

Xét về bình diện quân sự, Mỹ đã bị đánh bại hoàn toàn tại chiến trường Việt Nam. Một đế quốc hung mạnh như vậy lại phải hứng chịu nỗi nhục quốc thể ngay tại mảnh đất mà họ tiến hành cuộc chiến. Nỗi day dứt vẫn còn xâm chiếm tâm trí những cựu chiến binh, thậm chí cả nhân dân Mỹ - những người đã đi qua kỷ nguyên Chiến tranh Việt Nam.

Việt Nam giờ đây đang trỗi dậy mạnh mẽ, một xã hội thịnh vượng và năng động trong mắt bạn bè quốc tế. Những cựu chiến binh Mỹ chưa bao giờ cảm thấy bị thù địch khi trở lại Việt Nam.  Điều này thể hiện rõ quan điểm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai của nhân dân Việt Nam.

Anh Thư (theo Mail Online)


 

.