Chính trị - Xã hội

Ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng: 50 năm nhìn lại

08:08, 13/03/2015 (GMT+7)

(Tiếp theo và hết)

Nhân vật chính trong Tọa đàm “50 năm Ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng” không chỉ và chủ yếu cũng không phải là những người nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp mà là những nhân chứng từng trực tiếp chứng kiến sự kiện lịch sử diễn ra cách đây nửa thế kỷ.

Đoàn xe thiết giáp của quân đội Mỹ tập trung về căn cứ tại bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng, ngày 8-3-1965. (Ảnh tư liệu từ Bảo tàng Đà Nẵng)
Đoàn xe thiết giáp của quân đội Mỹ tập trung về căn cứ tại bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng, ngày 8-3-1965. (Ảnh tư liệu từ Bảo tàng Đà Nẵng)

Sở dĩ nói vậy là vì trong khuôn khổ tọa đàm lần này, chỉ có thể tập trung để thảo luận về một số nội dung cụ thể, chẳng hạn về thời điểm và địa điểm hàng ngàn lính thủy quân lục chiến Mỹ từ tàu “há mồm” LVTPs và LCM - mà người đầu tiên là viên hạ sĩ Garry Powers - đạp sóng đổ bộ lên đầu cầu Red Beach Two chính xác là vào lúc mấy giờ và tại nơi đâu; hoặc tại sao Mỹ không đổ quân vào một địa điểm gần hơn là Cảng Đà Nẵng- một cảng nước sâu - mà lại đổ quân vào sâu trong bờ vịnh Đà Nẵng hàng chục cây số; hoặc số lính Mỹ/cố vấn quân sự Mỹ có mặt tại Đà Nẵng trước ngày 8-3 để chuẩn bị cho bãi đổ bộ Red Beach Two thuộc đơn vị nào, đóng quân ở đâu; hoặc sau khi đổ bộ thì hàng ngàn lính viễn chinh Mỹ được chuyển đến những căn cứ nào; hoặc chính quyền Sài Gòn ở thị xã Đà Nẵng và quận Hòa Vang đã tổ chức đón tiếp “đồng minh Hoa Kỳ” của họ ra sao…

Những nội dung cụ thể như vậy thì các nhân chứng có ưu thế hơn nhiều so với những người chỉ nghiên cứu qua hồ sơ/tư liệu. Để tiệm cận với diện mạo lịch sử cách đây nửa thế kỷ đúng như vốn có, rất cần sự phối hợp giữa ký ức của nhân chứng với hồ sơ/tư liệu thành văn.

Tuy nhiên, qua trao đổi thảo luận tại cuộc tọa đàm này, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở đối chiếu các nguồn tư liệu thành văn để có thể giải đáp một số nội dung tồn nghi cụ thể. Chẳng hạn giờ G của cuộc đổ bộ qua đầu cầu Red Beach Two được tính từ thời điểm nào tương ứng với động thái gì của lính Mỹ: thời điểm các tàu “há mồm” bắt đầu tiến vào phao số 0 ngoài cửa biển, hay là thời điểm các tàu “há mồm” bắt đầu thả neo trong vịnh Đà Nẵng đoạn gần bãi biển Nam Ô, hay là thời điểm viên hạ sĩ Garry Powers bắt đầu đặt chân lên bờ vịnh Đà Nẵng?

Và khi nhật báo Tia Sáng tại Sài Gòn số ra ngày 11-3 đăng bài tường thuật trực tiếp về cuộc đổ bộ sáng ngày 8-3 nêu rõ thời điểm 8 giờ 30, giờ Sài Gòn - một giờ G được ghi bằng giấy trắng mực đen sớm nhất cho nên có thể đáng tin nhất - thì đó là giờ G được tính từ thời điểm nào? Hay chẳng hạn địa điểm đổ quân thì có thể dễ xác định đó là một vệt dài từ bờ tây cửa sông Phú Lộc đổ lên đến bãi biển Bắc Ninh - chứ không phải một địa điểm nhất định - nhưng để đi tới tận cùng của vấn đề là địa điểm mà viên hạ sĩ Garry Powers bắt đầu đặt chân lên bờ ở ngay chỗ nào thì chắc khó xác định hơn nhiều. Cho nên nếu muốn đặt một tấm bia ghi dấu sự kiện Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965 có lẽ nên chấp nhận tính tương đối để chọn một địa điểm vừa nằm trong cái vệt dài ấy vừa thuận tiện trong việc tổ chức cho du khách tham quan sau này.   

Một nội dung tồn nghi khác là có mấy tiểu đoàn của 9MEB xâm nhập vào Đà Nẵng theo hướng Red Beach Two? Có tài liệu ghi là hai tiểu đoàn (Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 hoặc Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3), cũng có tài liệu ghi là một tiểu đoàn (Tiểu đoàn 3), vậy mấy tiểu đoàn là đúng? Tờ nhật báo Tia Sáng tại Sài Gòn số ra ngày 11-3 dẫn trên nêu hai tiểu đoàn.

Nhiều khả năng đây là một thông tin có thể chấp nhận được nếu như đối chiếu với thông tin trong báo cáo dẫn trên của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà Hồ Nghinh: “Ngày mồng 8 tháng 3 năm 1965, có thêm 3.500 tên lính thủy đánh bộ đổ bộ lên Đà Nẵng”, bởi theo phiên chế của quân đội Mỹ, một tiểu đoàn/battalion có từ 600 đến 1.500 lính, do vậy Tiểu đoàn 3 đổ bộ trước lên Red Beach Two với khoảng 1.400 lính như một số tài liệu nêu, sau đó một tiểu đoàn nữa - nhiều khả năng là Tiểu đoàn 2- với trên/dưới 1.000 lính, còn trên/dưới 1.000 lính - nhiều khả năng là thuộc Tiểu đoàn 1 - được không vận đến Sân bay Đà Nẵng vào buổi chiều.      

Việc Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến trên chiến trường Việt Nam khởi đầu từ Red Beach Two đã gây cho phong trào cách mạng miền Nam/Khu 5 nói chung và phong trào cách mạng Quảng Đà nói riêng nhiều áp lực, bởi từ thời điểm đó, người Việt buộc phải đương đầu với một đội quân nhà nghề được trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại so với đương thời.

Tuy nhiên sự kiện ngày 8-3-1965 tại Đà Nẵng vừa thể hiện bước thụt lùi về chiến lược của Mỹ, vừa bộc lộ rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra trên đất nước ta, đã kích thích cao độ lòng yêu nước của người Việt - một dân tộc không hiếu chiến nhưng rất thiện chiến, và kết quả là Mỹ buộc phải chấp nhận thất bại. Câu hỏi đặt ra rằng phải chăng Frederick J. Karch nửa thế kỷ trước không cười nổi là do viên tướng từng viễn chinh trận mạc trong Thế chiến thứ hai đã dự cảm đúng về kết cục đáng buồn này của nước Mỹ?

BÙI VĂN TIẾNG

.