Chính trị - Xã hội

NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC (20-3)

Hạnh phúc là sẻ chia

07:56, 20/03/2015 (GMT+7)

Mỗi người đều có hoàn cảnh sống khác nhau và có cách nhìn khác nhau về hạnh phúc. Với nhiều phụ nữ chúng tôi gặp, hạnh phúc đơn giản chỉ là chăm lo cho chồng con, một buổi sáng bán hết gánh bún hay được sẻ chia yêu thương với những người xung quanh…

Thành viên CLB CTXH Teen Đà Nẵng chia sẻ cơm chay cho người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Thành viên CLB CTXH Teen Đà Nẵng chia sẻ cơm chay cho người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Một mái ấm bình yên

Điều kiện kinh tế gia đình của bà X. (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vào loại dư ăn dư mặc. Nhưng mấy chục năm qua, bà không thuê người giúp việc mà một tay chăm sóc cả gia đình. Dậy từ 4 giờ sáng, lọ mọ chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, lau dọn nhà cửa, chăm sóc cháu…, vất vả với những công việc không tên của người nội trợ nhưng bà chưa bao giờ than thở điều gì. Ai gặp bà cũng đều cảm nhận ở bà sự lạc quan, yêu đời.

Xót vợ, xót mẹ vất vả, cả gia đình cứ năn nỉ bà X. nghỉ ngơi, thuê người phụ giúp, đi du lịch đâu đó cho khuây khỏa nhưng bà nhất quyết không chịu. “Mình không phải là phụ nữ cam chịu như thời xưa, nhưng cái tính vậy rồi. Chỉ cần gia đình quây quần bên bữa ăn do chính tay mình sửa soạn là vui, là hạnh phúc”, bà X. chia sẻ.

Không như bà X., những chị em buôn bán tại hẻm nhỏ trên đường Ông Ích Khiêm cho chúng tôi một góc nhìn khác về hạnh phúc. Chị Nhựt, cô gái Quảng Nam về làm dâu Đà Nẵng đã hơn 20 năm, bán gánh bún nhỏ trong hẻm, phụ chồng nuôi con ăn học. Khi được hỏi về hạnh phúc, chị bẽn lẽn cười: “Dân lao động như tôi thì có mơ ước chi lớn mô. Mở mắt ra là lo kiếm tiền nuôi con. Chỉ mong ngày nào cũng buôn bán đắt, cả nhà không phải ăn bún thay cơm. Được cái chồng cũng lo làm ăn, thương yêu vợ con. Với tôi, vậy là hạnh phúc rồi”.

Lòng nhân ái mang tới hạnh phúc

“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” là câu nói gắn liền với những người làm công tác phụ nữ cấp cơ sở. Với mức trợ cấp chưa tới 500.000 đồng/tháng nhưng Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ các thôn, phường đảm nhận nhiều công việc. Chị Trần Thị Kim Thịnh, Chi hội trưởng một Chi hội Phụ nữ tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), hằng ngày bận rộn công tác tại UBND phường, tối về lại làm công tác phụ nữ như: đến tận nhà động viên chị em không tham gia cờ bạc, chơi đề; gia đình nào lục đục thì tìm cách khuyên nhủ; chị em có hoàn cảnh khó khăn thì xoay xở để cho họ được vay vốn của hội…

“Nếu nói vì lương bổng thì chẳng ai làm công tác này cả. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình còn khỏe mạnh, làm được gì có ích cho xã hội thì làm. Nhiều chị em phụ nữ còn khó khăn lắm, không chỉ cần vật chất mà cần sẻ chia về tinh thần. Được cái là chồng và con cũng ủng hộ, cho rằng đây là việc làm ý nghĩa nên động viên tôi nhiều”, chị Thịnh cho biết.

Với mục đích chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, khá nhiều CLB từ thiện tại Đà Nẵng ra đời, trong đó không ít CLB đa phần là các bạn trẻ tuổi như: CLB CTXH teen Đà Nẵng, CLB Nhân ái… Bằng cách kêu gọi nhà hảo tâm, bán đấu giá tranh, thư pháp trong đêm nhạc từ thiện, các bạn trẻ đã dùng số tiền đó mua quà; thăm những địa chỉ nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa; nấu cháo tình thương, cơm chay mang đến bệnh viện…

Nói về việc làm của mình, Kim Yến, thành viên CLB CTXH teen Đà Nẵng cho rằng: “Mỗi người đều quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Riêng em, em cảm thấy rất vui, hạnh phúc khi đến với những người có hoàn cảnh kém may mắn. Tự nhiên thấy mình sống có ích hơn trên cuộc đời này”.

Có rất nhiều cách để nói về hạnh phúc, trả lời đâu là hạnh phúc thì tùy theo cách nhìn của mỗi người. Ngày Quốc tế hạnh phúc ở Việt Nam năm nay chuyển thông điệp “Lòng nhân ái mang tới hạnh phúc”, như nhắc nhở mọi người không chỉ mang hạnh phúc đến cho người thân mà còn vun đắp hạnh phúc, yêu thương cho những người xung quanh.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.