Chính trị - Xã hội
Thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Nâng cao nhận thức toàn xã hội
“Trong thời gian vừa qua, Đà Nẵng đạt nhiều thành tích về vận động tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt số người tham gia BHYT toàn dân đạt 92,5% dân số toàn thành phố.
Đây là thành tích chung của cả hệ thống chính trị thành phố. Tuy nhiên, chúng ta không thỏa mãn với kết quả này. Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn trong việc thực hiện 2 chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, bởi đây là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội”. Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố VÕ DUY KHƯƠNG (ảnh) khẳng định với Báo Đà Nẵng nhân dịp BHXH thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập BHXH Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
* Với vai trò là lãnh đạo UBND thành phố được phân công chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, ông đánh giá như thế nào kết quả thực hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua?
- BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt quan điểm này, từ nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Hệ thống chính trị các cấp từ thành phố cho đến phường, xã đều vào cuộc triển khai thực hiện, nhất là từ khi Luật BHXH, Luật BHYT có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU và UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 8190/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cụ thể hóa Nghị quyết 21-NQ/TW, Chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND thành phố, các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể đã triển khai phổ biến nghị quyết, chính sách và pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đến tận tổ dân phố, đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) khu vực công và đến các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động và NLĐ khu vực tư nhân.
Cùng với công tác chỉ đạo thực hiện tuyên truyền và vận động tham gia BHXH, BHTN, BHYT, UBND thành phố đã chỉ đạo đưa công tác vận động tham gia BHYT học sinh, sinh viên vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hằng năm đối với các tập thể và cá nhân liên quan.
Ngành BHXH thành phố đã có nhiều nỗ lực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan để thực thi chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Nhờ đó kết quả đạt được trong nhiều năm qua khá tốt. Tỷ lệ tham gia BHXH, BHTN và BHYT năm sau đều cao hơn năm trước. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ tham gia BHXH, BHTN, BHYT của thành phố đã đạt cao hơn so với chỉ tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra cho cả nước đến năm 2020 (riêng BHYT đã đạt trên 92% dân số).
Bên cạnh đó, thành phố đã có chính sách đặc thù hỗ trợ người bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh BHYT nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) như hỗ trợ bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo, Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ người nghèo mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo.
Thể hiện sự quyết tâm nâng cao chất lượng KCB phục vụ bệnh nhân có thẻ BHYT, các bệnh viện công lập và bệnh viện tư đã đầu tư cơ sở vật chất, lắp đặt trang thiết bị y tế tiên tiến hiện đại, đầu tư nguồn nhân lực và triển khai nhiều kỹ thuật mới, rút ngắn quy trình KCB, thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, giữ gìn y đức, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.
* Thưa ông, kết quả đạt được là khá tốt, vậy đâu là những điểm còn hạn chế mà chúng ta phải tiếp tục khắc phục?
- Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tích về vận động tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân đạt khá cao. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu mà Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra vẫn còn phải tiếp tục phấn đấu (đến năm 2020, có khoảng 65% lực lượng lao động tham gia BHXH, 50% lao động tham gia BHTN; BHYT có hơn 96% dân số tham gia từ năm 2015).
Về nhận thức, còn những cơ quan, đơn vị cho rằng việc thu BHXH, BHYT là của ngành BHXH mà thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Đôi khi có những so sánh khập khiễng khi cho rằng: đôn đốc thu được nhiều nợ thuế thì phần để lại cho ngân sách địa phương càng nhiều, còn tham gia phối hợp đôn đốc thu nợ BHXH thì chỉ có cơ quan BHXH được lợi (?!). Đà Nẵng tuy không phải là điểm nóng về tình trạng nợ đọng BHXH nhưng tình trạng nợ đọng, chiếm dụng, né tránh nghĩa vụ BHXH gần đây vẫn diễn ra.
Vẫn còn những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ, nhưng lại cố tình không đóng hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn hoặc nghiêm trọng hơn là chiếm dụng BHXH của NLĐ. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt thì chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe cao; NLĐ thì do áp lực việc làm, lại chưa nhận thức hết được lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT,...
* Thưa ông, định hướng nào cho trong thời gian đến để Đà Nẵng hoàn thành các chỉ tiêu phấn đấu mà Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Thành ủy đề ra?
- Trước hết cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT là trụ cột của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Công tác tuyên truyền phải làm cho người sử dụng lao động và NLĐ nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT, phải làm cho người tham gia BHXH, BHYT tự giác đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình và được pháp luật bảo hộ các quyền đó.
Đây không chỉ là việc của riêng ngành BHXH thành phố mà cả hệ thống chính trị các cấp của thành phố đều có trách nhiệm vào cuộc quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Cần triển khai có hiệu quả các giải pháp thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về tham gia BHYT, phấn đấu đạt chỉ tiêu 96% dân số tham gia kể từ năm 2015. UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của thành phố cần phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH thành phố trong công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT, đôn đốc thu hồi nợ, xử lý nợ BHXH, BHYT; áp dụng các biện pháp nghiêm khắc theo quy định của pháp luật để hạn chế tình trạng nợ chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT, tham gia một cách đối phó. Đồng thời chúng ta tiếp tục kiến nghị đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nợ chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT.
Riêng ngành BHXH thành phố, cần không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ viên chức, đặc biệt cần nhanh chóng chuyển đổi tác phong làm việc từ quản lý hành chính sang phục vụ nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông”; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác quản lý và nghiệp vụ của ngành; bảo đảm đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng mở rộng, phát triển; thu đúng, thu đủ và chi trả các chế độ kịp thời, đủ số, an toàn, quản lý tốt nguồn thu và chi để bảo toàn, tăng trưởng quỹ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị, góp phần thiết thực và hiệu quả vào mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu mạnh, văn minh.
NGUYỄN TÂN thực hiện