Chính trị - Xã hội
Thông xe tuyến đường sắt Đà Nẵng - cố đô Huế
Hai giờ sáng ngày 29-3-1975, Đoàn cán bộ thuộc Khu ủy 5 gồm Ban tổ chức, An ninh, Giao thông và Ban Tài mậu Khu 5 áp sát mạn phía Tây Nam thành phố Đà Nẵng.
Sau 11 giờ 30 ngày 29-3-1975, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, các tổ công tác tiếp cận vào thành phố Đà Nẵng làm nhiệm vụ: Tổ công tác Ban Tài mậu tiếp quản các ngân hàng, riêng tổ tôi (Nguyễn Hiền San) tiếp quản Ngân hàng Yên Bái và sau đó 2 ngày sau tôi được điều động về tiếp quản khu Hỏa xa Đà Nẵng.
Tổ công tác tiếp quản khu Hỏa xa Đà Nẵng lúc bấy giờ có 4 kỹ sư cầu - đường sắt (Nguyễn Đình Lâm, Nguyễn Đức Việt, Hoàng Minh Khâm và Trần Đăng), 1 trung cấp vận tải sắt, 2 nữ y tá. Tôi được phân công làm tổ trưởng Đảng và phụ trách công tác tiếp quản khu Hỏa xa Đà Nẵng với nhiệm vụ “Bảo toàn nguyên vẹn các thiết bị kỹ thuật, vật tư: đầu máy, toa xe, nhà xưởng, cơ sở thông tin tín hiệu, khẩn trương tổ chức và đưa hơn 360 người dân tị nạn chiến tranh về bản quán an toàn”.
Chỉ sau một ngày, công tác chuẩn bị đưa hơn 360 người dân tị nạn về bản quán được triển khai. Tổ huy động được 17 xe tải với 25 tài xế và phụ lái, mỗi người dân được nhận 2kg gạo, tổ cử 3 cán bộ theo đoàn xe đưa hơn 360 người dân tị nạn về bản quán an toàn.
Tổ công tác liền bắt tay ngay vào việc kiểm kê tài sản gồm có 7 đầu máy diesel, 2 cần cẩu otons, hàng trăm toa xe và các thiết bị khác, đồng thời tổ chức khảo sát tình trạng kỹ thuật tuyến đường sắt Đà Nẵng-Huế dài hơn 100km. Sau nhiều năm chiến tranh tàn khốc, tuyến đường sắt Đà Nẵng - Huế có nhiều đoạn không còn một thanh ray, gần 1km mặt đường là những hố bom hằn sâu. Hệ thống nhà ga trên tuyến, đặc biệt là ga Lăng Cô - bị phá hủy hoàn toàn, bom đạn dày đặc không một ai dám đặt chân vào chốn này…
Tổ công tác tổng hợp và báo cáo trực tiếp với đồng chí Phạm Đức Nam, Trưởng ban Quân quản Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ. Đồng chí phát lệnh: “Ban Quân quản sẽ điều động một số đại đội công binh gỡ bom mìn. Tổ công tác tiếp quản khu Hỏa xa Đà Nẵng có nhiệm vụ tổ chức khôi phục tuyến đường sắt Đà Nẵng - Huế dài 102km và phải hoàn thành vào dịp 19-5-1975 phục vụ nhân dân hai thành phố trong thời gian sớm nhất…”.
Nhiệm vụ rất nặng nề và thời gian gấp rút đặt lên vai cán bộ chiến sĩ Tổ tiếp quản khu Hỏa xa Đà Nẵng. Bốn kỹ sư cầu đường sắt chụm đầu lại lập kế hoạch khảo sát khối lượng công việc; trong đó có 1km nền đường, làm mới bốn cống trên đèo Hải Vân và cầu Thừa Lưu, tổ chức thu hồi tà-vẹt sắt và rây cũ nằm rải rác trong dân; lập kế hoạch tiến độ thi công và trực tiếp chỉ đạo thi công bảo đảm đúng kỹ thuật an toàn.
Công tác hậu cần khẩn trương tập kết nguyên vật liệu, lao động kỹ thuật huy động 2 đầu máy diesel, 2 cần cẩu otons máy nổ phát điện bảo đảm việc làm ca đêm. Hàng trăm nhân viên kỹ thuật cầu đường, tài xế… chế độ cũ cùng vào cuộc, tuyển mới 400 lao động phổ thông gánh đất đắp nền đường và tập kết vật liệu, làm nhiệm vụ suốt ngày đêm, hết mình vì miền Nam ruột thịt, mặc dù chế độ phụ cấp ngày ấy chỉ 7 lạng gạo và 100 đồng (tiền Việt Nam cộng hòa) thức ăn mỗi ngày. Ngày ấy dù là người bên này hay bên kia, đều nỗ lực hết mình góp phần đẩy nhanh tiến độ bảo đảm thông xe trước ngày 19-5-1975. Đúng 9 giờ sáng ngày 20-5-1975, tiếng còi vang lên chào mừng Đà Nẵng giải phóng và kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1975).
Đoàn tàu chợ mang số 75-76 vượt đèo Hải Vân chở hàng nghìn hành khách và hàng chục tấn hàng hóa chủ yếu là nhu yếu phẩm phục vụ đời sống vật chất nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế, tạo ra hàng trăm việc làm cho buôn bán, giao lưu giữa hai thành phố Đà Nẵng-Huế ngày càng khởi sắc, tạo niềm tin trong nhân dân đối với cách mạng, đánh tan luận điệu tuyên truyền của địch “Việt cộng sẽ tắm máu…”. Hàng trăm nhân viên chế độ cũ càng tăng thêm niềm tin và ra sức xây dựng đường sắt.
Song song với công tác khai thác vận tải đường sắt trên tuyến Đà Nẵng-Huế, các trường nghiệp vụ Thừa Lưu, Nam Ô mở cửa thu nhận hàng ngàn con em vùng mới giải phóng vào học nghề (trực ban chạy tàu, sửa chữa toa xe, thông tin tín hiệu… và mở lớp chuyển hóa tài xế hơi nước thành tài xế đầu máy diesel cho hàng chục tài xế hơi nước từ miền Bắc mới vào học tập).
Tổ tiếp quản khu Hỏa xa Đà Nẵng đáp ứng kịp thời nhu cầu khai mở tuyến đường sắt thống nhất từ Đông Hà-Quy Nhơn (Bình Định) dài hơn 600km vào những năm đầu ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975).
Chỉ 45 ngày đêm, Tổ công tác tiếp quản khu Hỏa xa Đà Nẵng và hàng trăm công nhân, viên chức đường sắt làm việc có ích cho xã hội, góp những bông hoa hồng tươi thắm chào mừng Đà Nẵng giải phóng.
NGUYỄN HIỀN SAN