Chính trị - Xã hội

Xin đừng kỳ thị với người nhiễm HIV!

13:12, 25/03/2015 (GMT+7)

Đà Nẵng đang hiện thực hóa mục tiêu “3 không”: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu này vẫn còn là chặng đường dài.

Văn nghệ tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống HIV tại Đà Nẵng.
Văn nghệ tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống HIV tại Đà Nẵng.

Tự giấu mình

Phải tự giấu bệnh để sống và làm việc là hoàn cảnh của nhiều người nhiễm HIV hiện nay. N.V.T (32 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện anh vẫn giấu bệnh để có thể tiếp tục làm công việc lao động phổ thông tại một công ty sửa chữa ô-tô trên địa bàn quận Liên Chiểu. “Không thể nói với mọi người tôi bị căn bệnh này, không thì chủ cơ sở sẽ cho tôi nghỉ việc. Thôi thì cứ cố gắng làm kiếm tiền uống thuốc để duy trì cuộc sống”, T. thổ lộ.

T. mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV do một lần “thử” với gái làng chơi. Một thời gian ngắn sau, T. thấy người khác lạ, sốt liên tục không rõ nguyên nhân kèm theo đau họng, buồn nôn, sút cân nhanh. T. bảo, đến nay, anh vẫn chưa thể tâm sự với người thân về căn bệnh mình đang mang và cũng ít về thăm nhà vì sợ cha mẹ biết chuyện. Đã có lúc anh muốn chết nhưng không đủ can đảm.

Còn với chị L.T.N (30 tuổi, quê ở Hà Tĩnh), đau lòng là cả hai vợ chồng chị đều bị nhiễm HIV. Chồng chị N. làm nghề xây dựng thường xuyên đi công trình. Tính anh hiền lành, thương vợ con và rất chịu khó… Trong một lần bạn bè rủ rê đi “chơi” để quên nỗi buồn xa vợ, anh bị nhiễm HIV mà không hề hay biết. Tình cờ thử máu để truyền cho một người bà con bị tai nạn giao thông, anh phát hiện mình bị căn bệnh thế kỷ và vợ anh, chị N., cũng bị nhiễm từ chồng. “Đừng đưa tên chị lên báo, đừng chụp ảnh vì con chị đang đi học, chị cũng phải đi làm để trang trải cuộc sống”, chị N. đã nói như thế khi tôi muốn viết về chị.
Đẩy mạnh truyền thông

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm), chỉ riêng trong năm 2014, toàn thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 119 trường hợp nhiễm HIV mới, 47 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và 7 trường hợp tử vong do AIDS. Các quận như: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu có số người nhiễm HIV cao nhất. Nhóm người trẻ từ 20-29 tuổi chiếm 70% tổng số ca nhiễm HIV. Nguyên nhân chính của việc lây nhiễm là do quan hệ tình dục không an toàn.

Trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố đạt những kết quả đáng khích lệ: lây nhiễm HIV có xu hướng ổn định với khoảng 130 ca nhiễm HIV mới được phát hiện mỗi năm và tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư được khống chế dưới mức 0,15%.

“Đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi là hoạt động được chúng tôi triển khai mạnh và rộng khắp, với sự phối hợp tham gia của nhiều tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động truyền thông nhóm, cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí và thực hiện tiếp thị xã hội bao cao su… được chúng tôi tổ chức góp phần nâng cao nhận thức dự phòng HIV/AIDS trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV”, bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm cho biết.

Đặc biệt, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone luôn được Trung tâm cải tiến. Trong đó, tiêu chí xét chọn bệnh nhân được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng đối tượng tham gia chương trình. Qua đó, gần 520 bệnh nhân đã được thu dung điều trị và hiện có 350 bệnh nhân được điều trị tại 2 cơ sở điều trị Methadone của thành phố.

Ngoài ra, các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV và chăm sóc, hỗ trợ, điều trị người nhiễm HIV cũng được Trung tâm triển khai mở rộng. Khách hàng được tư vấn xét nghiệm HIV, cung cấp các thông tin về phòng ngừa lây nhiễm HIV và các dịch vụ hỗ trợ; người nhiễm HIV được chăm sóc, điều trị, tư vấn giảm nguy cơ, thực hiện các hành vi an toàn nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác. Nhờ đó, người nhiễm được nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm sự tự kỳ thị, tái hòa nhập cộng đồng và sống có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: HƯƠNG SEN

.