Chính trị - Xã hội

40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2015)

Căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1954-1975

08:09, 08/04/2015 (GMT+7)

Bài 2: Bàn đạp tiến công của các lực lượng vũ trang

Trên cơ sở sự chuẩn bị về hậu cần và LLVT, căn cứ địa trở thành bàn đạp xuất phát tiến công của các LLVT, tổ chức các chiến dịch, trận đánh tiêu hao sinh lực địch và phát triển chiến tranh du kích. Từ căn cứ, LLVT tiến công vào các cứ điểm, đồn bốt của địch.

Đêm ngày 26 rạng ngày 27-3-1965, xuất phát từ khu Sông Đà, một đơn vị đặc công đánh thủy tổ chức đánh chiếc tàu US.LST550 của Mỹ trên sông Hàn ngay khi địch chưa kịp bốc dỡ hàng hóa. Trận đánh đã làm cho “toàn bộ phương tiện chiến tranh và lính trên tàu đều bị tiêu diệt, trong đó có 70 chiếc xe jeep và hàng trăm súng đại liên 12,8 ly”, đồng thời còn “gây rúng động bọn thủy thủ Mỹ đang làm nhiệm vụ chở vũ khí, phương tiện chiến tranh vào cảng Đà Nẵng và bọn ngụy quyền ở Đà Nẵng”(*).

Tháng 10-1965, trong trận tập kích vào sân bay Nước Mặn, căn cứ K20 trở thành điểm ém quân và xuất phát an toàn của Tiểu đoàn đặc công 489. Từ trung tuần tháng 11-1965, căn cứ Sơn - Cẩm - Hà đóng vai trò bàn đạp để Sư đoàn 2 thuộc LLVT Quân khu 5 mở trận tấn công chi khu quận lỵ Hiệp Đức. Trong những năm sau này, Sư đoàn 2 cũng luôn lấy Sơn - Cẩm - Hà làm bàn đạp để mở các chiến dịch tiến công hoặc những đợt hoạt động hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng ở các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ, Tiên Phước.

Hơn thế nữa, Sơn- Cẩm - Hà còn là căn cứ địa, hậu phương và bàn đạp cho các tiểu đoàn tập trung của tỉnh Quảng Nam trong hoạt động chiến đấu suốt những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, mọi công tác chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy từ việc chuẩn bị lực lượng chính trị, LLVT, cho đến việc vận chuyển vũ khí, tài liệu, truyền đạt mệnh lệnh tổng tiến công và nổi dậy, phân công các đồng chí Quận ủy viên dẫn đường cho LLVT đều được chuẩn bị tại căn cứ K20.

 Để thực hiện chiến dịch Thu năm 1972, các tiểu đoàn 70, 72, 74 và Sở chỉ huy tiền phương của tỉnh Quảng Nam đã tập kết lực lượng tại “căn cứ lõm” Bầu Bính, sau đó tiến công tiêu diệt các chốt điểm của địch ở Mù U, Cù Đồi, giải phóng xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Tháng 3-1975, nhân dân và LLVT tại các căn cứ địa tích cực phối hợp cùng các đơn vị chủ lực tiến về giải phóng nhiều thành phố, thị xã.  Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, từ căn cứ K20, chi bộ cùng Ban khởi nghĩa ở K20 đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân và 2 trung đội tự vệ kéo về sân bay Nước Mặn phối hợp với Trung đoàn 97 nhanh chóng làm chủ sân bay góp phần giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975. Xuất phát từ căn cứ Hòn Tàu, đêm ngày 28-3-1975, các cánh quân của LLVT cách mạng đã bí mật tiến về giải phóng thành phố Đà Nẵng, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân của toàn dân tộc.

Cũng xuất phát từ căn cứ huyện Quế Tiên, các đơn vị V45, V11 và lực lượng du kích các xã trực tiếp tham gia chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực của Khu, LLVT tỉnh bao vây, tấn công và tiêu diệt các cứ điểm Núi Vú, Chóp Chài, cầu Ông Triệu, Bình Định, Bình Lãnh. Tại căn cứ Tiên Sơn, tháng 3-1975, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, bộ đội địa phương phối hợp với quân chủ lực đập tan Chi khu quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm, từ đó tiến về giải phóng thị xã Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Tín, tạo thế bao vây cô lập thành phố Đà Nẵng, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các căn cứ còn là địa bàn để lực lượng kháng chiến phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích. Để đối phó với những cuộc càn quét của địch, bảo vệ căn cứ địa, lực lượng du kích phối hợp cùng LLVT sử dụng hầm chông, bẫy đá… tổ chức mai phục, đánh và tiêu hao nhiều bộ phận sinh lực địch. Điển hình là các cuộc tấn công quy mô lớn của địch vào các căn cứ: Nước Là, K20, Sơn - Cẩm - Hà... trong những năm 1961-1965,… đều bị lực lượng du kích và bộ đội chủ lực bẻ gãy, hàng chục máy bay địch bị bắn rơi.

Th.S Trần Thúy Hiền

(Trường Chính trị TP. Đà Nẵng)


(*) Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Lịch sử Đảng bộ quận Sơn Trà (1930-1975), Nxb Đà Nẵng, tr. 247.

.