Chính trị - Xã hội
Bẻ đôi củ khoai mà tính việc lớn!
Một ngày cuối tháng ba, tôi gặp lại chuyên gia vật lý hải dương, TS Trương Đình Hiển khi ông về thăm quê. Tên tuổi của người con xứ Quảng này đã gắn liền với các cảng nước sâu Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội và các khu công nghiệp - cảng biển ở miền Trung cùng những tranh cãi về dầu khí, khoa học mang dấu ấn của riêng ông…
TS Trương Đình Hiển là người mê đắm với nghề, thiết tha với quê hương. Ảnh: T.Đ.T |
Đã bước vào tuổi 74 nhưng TS Trương Đình Hiển vẫn nhanh nhẹn và sôi nổi như lần đầu tôi gặp ông ở Quảng Ngãi cách đây 15 năm, khi ông còn đầu tắt mặt tối ở Dung Quất. Cái nóng miền Trung không ngăn được những suy nghĩ của ông, mà ở đó người ta có thể nhìn thấy một tấm lòng mê đắm với nghề, thiết tha với quê hương.
TS Trương Đình Hiển sinh ra ở Hội An trong đại gia đình Trương Đôn Hậu, làng Minh Hương, cùng đời với nhà nghiên cứu văn hóa Trương Duy Hy và gọi nhạc sĩ Trương Đình Quang là chú cha. Trương Đôn Hậu là tộc lớn định cư ở Hội An đã 12 đời, nhiều bậc trưởng thượng trong dòng tộc giữ những chức vụ quan trọng từ thời các chúa Nguyễn.
Khi nói về mình, ông vẫn xác quyết tuy tổ tiên đến Hội An muộn nhưng đều có gốc gác là người Việt thuộc Bách Việt cổ ở đất Lưỡng Quảng và vẫn mang trong người khí khái cương trực của tổ tiên. Vì vậy, con đường lập thân lập nghiệp của ông có lúc không trôi chảy. Ông kể, lúc sang học tại Trung Quốc, nhà trường cho đoàn lưu học sinh Việt Nam đi thăm lăng mộ Mã Viện nhưng ông kiên quyết không đi và bày tỏ chính kiến rõ ràng: “Mã Viện là anh hùng chi đó của người Hoa, nhưng tôi là người Việt nên coi ông ấy là kẻ xâm lăng nước tôi, làm sao tôi đến đó được?”. Ông bị đưa về nước vì lẽ đó!
Lần thứ hai, khi Total đưa ra lý do rút khỏi dự án đầu tư dầu khí ở Dung Quất vì đường vận chuyển dầu thô quá xa, không hiệu quả và nhiều lý do khác..., nhiều người nôn nóng thuyết phục, thậm chí sẵn sàng nhượng bộ vì sợ mất một đối tác lớn.
Ông cãi: Đâu có xa bằng các nước Trung cận đông và nhiều nơi khác, sao Total vẫn mua dầu thô ở đó chở về? “Tôi chỉ ra những sai lầm cơ bản trong tính toán của họ để họ tỏ thiện chí, tôi còn được mời đến tòa đại sứ Pháp để nói chuyện về những sai lầm của nhà đầu tư, nhưng nhiều người vẫn cho là tôi làm mất lòng Total. Chỉ có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ ý kiến của tôi… Bây giờ Dung Quất thế nào rồi? Bây giờ Total có hối tiếc không? Câu trả lời đã rõ!”, ông nói.
Nhưng con đường dẫn ông từ Hội An đi kháng chiến rồi đến với khoa học, với biển và trở thành nhà khoa học hàng đầu về vật lý hải dương mới khiến chúng ta ngưỡng mộ.
Từ Hội An, sau ngày toàn quốc kháng chiến, Trương Đình Hiển theo cha mẹ vào vùng giải phóng Liên khu 5. Năm 1954, từ Trường Lương Văn Chánh (Phú Yên), ông cùng song thân tập kết ra Bắc, học các trường học sinh miền Nam rồi Đại học Tổng hợp Hà Nội và các viện nghiên cứu hải dương học ở Trung Quốc, Nga… một quá trình kéo dài trên 40 năm. Ông kể: “Mùa đông năm 1967, tôi sang Liên Xô và được thọ giáo GS Stocman, một nhà khoa học, một người thầy luôn hướng học trò tới mục tiêu cao cả là lợi ích của Tổ quốc.
Tôi đã trình GS Stocman đề tài: “Giải bài toán phi tuyến tính về dòng chảy biển”. Sau khi trao đổi, GS nói: “Nếu đi theo hướng này, anh có thể nổi tiếng về mặt lý thuyết. Nhưng Việt Nam đang rất cần các nhà khoa học giỏi để giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước. Cần chuyển sang hướng nghiên cứu sát thực tiễn hơn”. Lời dạy của Stocman thay đổi hẳn các khảo hướng của TS Hiển sau này…
Suốt cuộc đời gắn với thực tiễn khoa học của đất nước, TS Trương Đình Hiển đã tự mình và cùng các cộng sự hoàn thành hơn 140 công trình nghiên cứu với hơn 22.000 trang (A4) thuộc các lĩnh vực: mô hình hóa toán học, động lực biển, thủy văn biển, công trình biển cũng như các công trình ven bờ - hệ thống cảng biển nước sâu tại các vùng trọng điểm kinh tế của đất nước, đặc biệt ở miền Trung, miền Nam Việt Nam với ước mơ cháy bỏng vì sự thịnh vượng của đất nước.
Đặc biệt, khi mô hình xây dựng vùng trọng điểm kinh tế miền Trung với các cảng biển nước sâu kết hợp với công nghiệp như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội từ gần 2 thập niên nay, mà theo ông: “Ban đầu không ai biết nó là cái gì, sẽ ra sao? Bây giờ, nó là một hiện thực rõ ràng theo mô hình cảng biển nước sâu kết hợp khu kinh tế phức hợp!”.
Một đồng nghiệp của tôi nói về TS Hiển: “Thực tiễn Việt Nam đã đưa đường dẫn lối cho TS Hiển cùng đồng nghiệp của mình trở về đúng cái nơi cần ông nhất. Tự nguyện vay tiền cá nhân, tự chịu trách nhiệm cá nhân về những quyết định của mình trong thời điểm ban đầu chưa ai tin tưởng vào sự thành công của quá trình nghiên cứu, TS Trương Đình Hiển cùng cộng sự của mình ở Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã tự tìm lối đi riêng cho mình…”.
Còn TS Hiển nói rằng, chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người ủng hộ mạnh mẽ nhất. Cái cách biết tôn trọng, lắng nghe trí thức của ông đã khơi dậy ngọn lửa yêu nước và bầu nhiệt huyết cho những người làm khoa học. Nhờ vậy, hàng loạt vấn đề thực tiễn hóc búa đã từng bước sáng tỏ và ngày càng củng cố vững chắc niềm tin vào sự thành công của quá trình nghiên cứu…
Ở một phía khác, khi nhớ lại những ngày đầu ở Dung Quất, TS Hiển kể: “Ngày ấy, chúng tôi đi khảo sát xong, trời đã trưa, bụng quá đói, không tìm được cái gì để bỏ bụng.
Tình cờ ngang trên đường qua làng, chúng tôi gặp một bác nông dân. Ông ấy mang ra cho chúng tôi một nồi khoai lớn, ông bẻ đôi củ khoai đưa cho tôi và bảo rằng hãy chia đôi củ khoai này để làm đại nghiệp. Sau này hỏi ra tôi mới biết ông là một dũng sĩ đã từng đánh trận Vạn Tường nổi tiếng”!
Nghe đến đó, tôi chợt thốt lên với ông: Thật là một kỷ niệm nhỏ nhưng rất lớn để nhớ đời!
“ Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm ra Dung Quất, nhưng ý tưởng ban đầu của TS Hiển không nhận được sự tin tưởng của các địa phương. Lúc ấy, có rất nhiều ý tưởng muốn thay đổi miền Trung, nhưng ý tưởng của TS Hiển đi ngược lại tất cả và đã được ông chứng minh bằng những công trình nghiên cứu khoa học sâu rộng, hoàn chỉnh. Công lao của TS Hiển là bảo vệ ý tưởng, đấu tranh để thuyết phục mọi người…” PGS,TS Trần Hoàng Hải, nguyên Phân Viện trưởng Phân viện Vật lý, Viện Khoa học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh. |
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG