Chính trị - Xã hội

Chăm lo nạn nhân chất độc da cam

08:23, 15/04/2015 (GMT+7)

Trước năm 1975, sân bay Đà Nẵng là căn cứ quân sự, là kho chứa chất độc hóa học lớn của Mỹ tại Việt Nam.

Niềm vui của trẻ em da cam khi nhận được quà hỗ trợ. 		                         Ảnh: THU HOA
Niềm vui của trẻ em da cam khi nhận được quà hỗ trợ. Ảnh: THU HOA

Số lượng dioxin tại Đà Nẵng được Mỹ sử dụng chiếm 35% tổng số lượng dioxin được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tại Đà Nẵng có gần 5.000 người là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (NNCĐDC).

Vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của đất nước, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam, qua 5 năm triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 292-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X); các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi.

Từ năm 2010 đến 2014, các tổ chức, cá nhân nhận trợ dưỡng thường xuyên hằng tháng cho 500 gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng; hỗ trợ vốn buôn bán nhỏ, vốn chăn nuôi, sản xuất cho 250 gia đình với tổng số tiền gần 12,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 50 ngôi nhà tình thương cho các gia đình với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

Trợ cấp đột xuất cho hơn 200 gia đình với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho hơn 100 gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng; hỗ trợ học bổng cho 60 đối tượng là nạn nhân vượt khó trong học tập với tổng số tiền gần 200 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn 20 gia đình nạn nhân chất độc da cam với số tiền 140 triệu đồng; hỗ trợ 50 xe lăn, xe lắc và 60 xe đạp cho các gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, động viên và tặng hơn 15.000 suất quà cho các nạn nhân vào các dịp lễ, Tết hằng năm với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Với các hoạt động trên, đã giải quyết một phần khó khăn cho các đối tượng được hưởng.   

Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh thuộc quản lý của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố với 32 nhân viên do hội hợp đồng.

Với nguồn kinh phí hoạt động khoảng 1-1,2 tỷ đồng/năm, trung tâm đã tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng, kết hợp với các hoạt động vui chơi nhằm giúp các cháu từng bước dần phục hồi các chức năng về vận động và trí tuệ, giúp các cháu có điều kiện tiếp xúc, giao lưu nhiều bạn bè có cùng hoàn cảnh; qua đó, giúp các cháu tại trung tâm tự tin, hòa nhập hơn với xã hội. Hiện nay, trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng cho hơn 150 cháu là NNCĐDC và người khuyết tật.

Được sự quan tâm UBND thành phố cấp 170,2m2 đất và hỗ trợ của Quỹ Harris Freeman Foundation (Mỹ) với số tiền 2,2 tỷ đồng, năm 2014, Trung tâm Xông hơi, thải độc và phục hồi chức năng Đà Nẵng được thành lập và đi vào hoạt động.

Đến nay, trung tâm tổ chức xông hơi được 6 đợt cho 80 nạn nhân và người có nhu cầu. Sau điều trị, sức khỏe của người xông hơi có chuyển biến tốt, nhiều nạn nhân giảm bệnh đau khớp, huyết áp, mỡ trong máu, mất ngủ, đau đầu kinh niên và nhiều bệnh ngoài da khác.

Trong giai đoạn 2010-2014, thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, nhiều tổ chức, cá nhân quốc tế đã ủng hộ NNCĐDC thành phố hơn 11 tỷ đồng. Đây là một nguồn lực lớn, góp phần giúp thành phố thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC.

Trong đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí khoảng 8 tỷ đồng để xây dựng, mua sắm trang thiết bị, đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam; tổ chức Chữ Thập Xanh – Thụy Sĩ hỗ trợ gần 1 tỷ đồng kinh phí phục hồi chức năng, đào tạo nghề tại các cơ sở; nguồn viện trợ khác đến từ nhiều quốc gia với tổng kinh phí ủng hộ hơn 2 tỷ đồng trong đó có nhiều tổ chức NGO.

Hiện nay, toàn thành phố có 6.186 người khuyết tật, người là nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam được trợ cấp bảo trợ xã hội, với mức trợ cấp từ 310.000 - 420.000 đồng/tháng/người; ngoài ra, các đối tượng trên được thành phố quan tâm.

Thành phố đã hỗ trợ 289 hộ nghèo có người khuyết tật với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng cải thiện, sửa chữa nhà ở; 15 hộ được bố trí chung cư; hiện đã có kế hoạch hỗ trợ 150 nhà, với kinh phí 4,6 tỷ đồng để hoàn thành việc cải thiện nhà ở cho người khuyết tật vào tháng 6-2015.

Ngoài chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ sửa chữa nhà ở, học nghề, sinh kế tạo việc làm… các đối tượng trên còn được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, chế độ mai táng phí khi qua đời.

NGUYỄN VĂN ẤN

.