Chính trị - Xã hội

Có cơ chế cắt giảm công chức chây ỳ

08:03, 16/04/2015 (GMT+7)

Ngày 15-4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Nội vụ.

Tại đây, lãnh đạo nhiều bộ, ngành thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề tồn tại trong việc tuyển dụng công chức không qua thi tuyển và thi nâng ngạch công chức, trong đó đề cập cần sửa luật để có cơ chế cắt giảm công chức chây ỳ không chịu làm việc.

Báo cáo kết quả công tác cải cách TTHC thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc thực thi phương án đơn giản hóa 167 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 10-12-2011 của Chính phủ. Bộ Nội vụ là 1 trong 7 bộ, ngành hoàn thành việc thực thi phương án đơn giản hóa TTHC tại 25 nghị quyết của Chính phủ.

Thảo luận tại cuộc họp, các bộ, ngành cơ bản thẳng thắn góp ý những hạn chế, bất cập như việc thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa kịp thời; việc niêm yết công khai các TTHC tại các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ chưa thường xuyên cập nhật. Các bộ, ngành cũng kiến nghị những giải pháp để công tác cải cách TTHC thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ được triển khai hiệu quả, phù hợp thực tế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề xuất Bộ Nội vụ cần thực hiện chế độ “hậu kiểm” với người thi trúng tuyển để kiểm tra, xác minh và hoàn thiện hồ sơ, thay vì ngay từ đầu bắt thí sinh phải nộp đầy đủ hồ sơ khi thi tuyển đầu vào. Nếu loại bỏ được những thủ tục này sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức của người dự thi. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng cho rằng, Bộ Nội vụ cần công khai, minh bạch cho các bộ, ngành, địa phương cách thức tổ chức thi và kết quả thi nâng ngạch vì có những kỳ thi đến nửa năm vẫn chưa công bố kết quả.

Đồng tình với Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất giao việc thi tuyển chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho từng ngành tổ chức, sau đó Bộ Nội vụ “hậu kiểm”.

Liên quan cơ chế tuyển thẳng nhân tài, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đề nghị sửa đổi quy định theo hướng không cần phải thông qua Bộ Nội vụ, mà phân cấp trực tiếp cho các đơn vị tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Để giảm lãng phí trong quá trình thi tuyển công chức, ngoài việc cắt bỏ thủ tục không cần thiết, bà Mai đề nghị rút ngắn thời gian thi thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, Thứ trưởng Vũ Thị Mai còn đề nghị nghiên cứu đưa ra biện pháp tăng sự năng động của công chức, viên chức. “Cứ vào được công chức là nhiều người ỳ ra không chịu làm, thiếu sự cạnh tranh. Sở dĩ có tình trạng đó là do cơ chế kỷ luật, rất khó để đưa được một công chức ra ngoài. Cần sửa luật sao cho hợp lý để có cơ chế cắt giảm công chức chây ỳ không chịu làm việc”, bà Mai nói.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những mặt hạn chế, bất cập trong công tác cải cách TTHC của Bộ Nội vụ. Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Nội vụ có lúc chưa thực hiện nghiêm túc và việc theo dõi tiến trình, thời gian xử lý công việc còn chưa minh bạch. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm xử lý hồ sơ, công văn, kiểm soát quá trình văn bản của Bộ Nội vụ chưa hiện đại, công khai; lãnh đạo Bộ chưa quán xuyến hết công việc của cấp vụ và chuyên viên…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ nghiêm túc thực hiện đơn giản hóa cải cách TTHC và chi phí tuân thủ đối với TTHC; rà soát, chuẩn hóa TTHC trong phạm vi chức năng, thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Nội vụ cần khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi chức, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý theo chương trình công tác đã được giao; nghiên cứu, sửa đổi ngay quy định thi tuyển công chức, viên chức theo hướng “hậu kiểm” để giảm tải thủ tục giấy tờ hành chính và phải có một ngân hàng đề thi để thi trên máy tính.

Bộ Nội vụ cần đơn giản hóa thủ tục xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; chỉ cần tờ khai sơ yếu lý lịch và tự chịu trách nhiệm với lời khai của mình; đơn giản hóa thủ tục hồ sơ dự thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, vì những giấy tờ cần thiết đã có trong hồ sơ gốc của cơ quan quản lý công chức, nhưng cần thanh tra, kiểm tra công vụ. Nếu phát hiện sai sót thì có quyền không công nhận kết quả thi nâng ngạch.

B.T tổng hợp

.