Chính trị - Xã hội

Tiếng kêu từ người dân

08:40, 15/04/2015 (GMT+7)

Thôn Trung Sơn ô nhiễm nghiêm trọng và có 10 người cùng mắc bệnh ung thư trong một thời gian ngắn là chuyện… cũ rích đối với người dân nơi đây, và càng không có gì mới với các cơ quan chức năng.

Đã hơn 10 năm qua, những vấn đề này cứ được nêu lên đầy bức xúc, ban ngành liên quan đều biết, và theo người dân Trung Sơn là không thể kiểm kê hết đã có bao nhiêu cuộc kiểm tra, khảo sát tại thôn này. Họ chỉ có thể nói tóm gọn quá trình “điểm đen” được “quan tâm” như sau: Người ta cứ đến tìm hiểu rồi lại… đi và chẳng có chi khác hơn, tốt hơn.

Ngoài ô nhiễm do nước thải từ các nhà máy sản xuất, quá trình đô thị hóa… nửa chừng tại đây cũng khiến cho 200 hộ thuộc thôn này phải sống trong vùng trũng của… đủ thứ nước. Mùa nắng chịu đựng hôi thối, mùa mưa hứng nước ứ đọng. Tuy thế, theo phản ánh của người dân Trung Sơn, mùa nắng ráo chẳng thấy ai lên xử lý các mương nước thải; đến mùa mưa, lại đến dọn dẹp thì nước đã lút bờ nên không làm gì được. Chuyện này cứ lặp đi lặp lại và người dân chỉ còn cách “kêu” hoài.

Về bệnh tình hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học cho thấy nhiều người trong thôn cùng bị ung thư và chỉ mắc chủ yếu hai loại ung thư vòm họng và ung thư gan xuất phát từ nguyên nhân nào. Chưa có một cuộc điều tra rõ ràng, nên sự sống của người dân nơi đây cứ vẫn luôn là câu hỏi lơ lửng với chính họ.

Bà con Trung Sơn có cách nhìn nhận vấn đề rất thực tế kiểu nhà nông. Nhìn bốn cái chân bò trở thành bốn “cái cột” đen ngòm sau  khi lội xuống ruộng, bà con tự nói nhau: “Rứa đủ thấy nhớp cỡ mô, chớ có bước xuống chỗ nớ”. Nhìn đàn bò lăn ra sình bụng rồi chết dần chết mòn, họ hiểu nước và cây cỏ ở đây “không phải dạng vừa đâu”.

Bởi vậy, là dân trồng trọt thứ thiệt, nhưng người dân Trung Sơn lại không dám ăn món rau muống mọc tốt tươi trên mảnh đất của mình. Thấy mấy bà, mấy chị lội ruộng cắt rau muống đi bán, nhiều người đứng trên bờ tặc lưỡi thương thầm lo các chị mắc bệnh vì phải ngâm mình trong vùng nước này. Thuần nông mà có lúc sợ ruộng!

Cách khu vực tràn lan nước ô nhiễm không xa là nhà máy xử lý nước thải. Có nhà máy xử lý mà nước thải vẫn đổ đầy ra ruộng đồng, lối xóm nhà dân! Chuyện tưởng phi lý mà trở thành... bình thường thôi! Cũng như chuyện người dân chịu cảnh ô nhiễm, bệnh tật, nhiều người có biết rồi… thôi.

Khi tra cứu các tư liệu liên quan đến môi trường thôn Trung Sơn, chúng tôi vô tình tìm được một bài nghiên cứu khoa học của một sinh viên Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với chủ đề “Đánh giá chất lượng nguồn nước ngầm tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên”. Bài nghiên cứu in trong tuyển tập báo cáo Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 7, Đại học Đà Nẵng năm 2010 có đưa ra các thông số phân tích mẫu nước ngầm tại đây như sau: Qua 2 đợt phân tích mẫu nước thì cho thấy nước không bị nhiễm bẩn do SS, PH, As, tuy nhiên lại bị nhiễm bẩn do Nitrat, Nitrit, Amonium, sắt và phốt phát. Bài nghiên cứu nêu thêm: Nước nhiễm bẩn do Nitrat rất hại cho sức khỏe, có thể gây bệnh methemoglobin huyết (rối loạn máu). Nitrit vào cơ thể có thể gây thiếu ôxy, khó thở. Amonium trong nước có thể bị chuyển hóa thành Nitrat hoặc Nitrit…

 Đó là kết luận của một bài báo cáo từ 5 năm trước và mang tầm… sinh viên. Còn hiện nay, nguồn nước này đã ô nhiễm ở ngưỡng nào, sức khỏe người dân bị tác động ra sao, ung thư phải chăng là do môi trường ô nhiễm, cuộc sống ở Trung Sơn sẽ tiếp tục như thế nào? Hàng loạt câu hỏi người dân muốn kêu lên và mong lời giải đáp.

TOÀN VÂN

.