Chính trị - Xã hội

"Thanh niên ta phải cố gắng học"

09:01, 19/05/2015 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên. Người luôn dành tình cảm, sự quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, động viên đến các thế hệ thanh niên của nước nhà.

“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. (Hồ Chí Minh, 1947) Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ II (1-11-1956).
“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. (Hồ Chí Minh, 1947) Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ II (1-11-1956).

Từ khi còn là một thanh niên yêu nước, trải qua những năm tháng bôn ba xứ người, Người luôn canh cánh con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, lầm than và đào tạo thế hệ kế cận gánh vác trọng trách “giúp nước, cứu nhà”.

Người đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc tổ chức, dẫn dắt các thế hệ thanh niên đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ châu Âu, châu Mỹ xa xôi đến khi về Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc xây dựng được một đội ngũ những nhà yêu nước trẻ tuổi, trung thành tuyệt đối với con đường cách mạng. Những thanh niên cách mạng ưu tú đó đồng thời đã là những hạt nhân để tiến tới việc thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để bảo đảm cho các thế hệ thanh niên có thể tham gia hoạt động cách mạng, phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Trong “Thư gửi các bạn thanh niên” (12-8-1947), Bác viết: “… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên.

Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (24-3-1961), Bác dặn: “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công-nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”. Bác nhắc lại một câu nói của Lênin: “Không học thì không thể trở thành người cộng sản”.

Ngoài ra, Bác nhắc nhở: “Một số khá đông thanh niên chưa hiểu thấu rằng tất cả lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang, vì vậy họ chưa thiết tha yêu nghề, thường “đứng núi này, trông núi nọ”… Thanh niên ta cần phải hiểu rằng: bất kỳ công việc gì mà ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng”.

Trong “Di chúc”, Bác cũng dành những lời lẽ tâm huyết nói về thanh niên: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đào tạo cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Về phong trào thanh niên, Bác lưu ý “cần phải liên tục và có nội dung thiết thực”, không nên hình thức, “chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được”, mà phải “nói được, làm được”. Bác quan niệm “một chương trình nhỏ mà thực hiện được còn hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”.

Bác luôn động viên thanh niên: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng… Bác tin rằng thanh niên ta sẽ hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất vẻ vang của đạo quân xung phong tất thắng trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Bên cạnh đó, Người còn yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải chống tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình, chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc, chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay... đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của đoàn viên, thanh niên.

Thanh niên dù ở thời đại nào, dù trong chiến tranh hay thời bình đều cần phải rèn luyện qua thử thách, qua môi trường sống với tinh thần “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” để tôi luyện nên ý chí của tuổi trẻ, khi đứng trước bất cứ khó khăn nào cũng vững gan, bền chí vượt qua.

M.C.M tổng hợp

.