Chính trị - Xã hội
Trọng tâm kỳ họp thứ 9 của Quốc hội là xây dựng pháp luật
Sáng 19-5, một ngày trước thời điểm khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII - Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội trong năm 2015, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo quốc tế công bố nội dung, chương trình kỳ họp.
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Theo tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong thời gian hơn 1 tháng làm việc (bế mạc vào ngày 26-6), nội dung trọng tâm của Kỳ họp lần này là tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013, đồng thời góp phần hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ.
Do vậy, dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến đối với 15 dự án luật khác.
Trong số 11 dự án luật sẽ được Quốc hội sẽ xem xét, thông qua lần này đáng chú ý là những đạo luật về tổ chức, chức năng nhiệm vụ, bộ máy làm việc của hệ thống cơ quan hành chính các cấp gồm Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Kỳ họp cũng sẽ thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật ban hành văn bản pháp luật và một số đạo luật quan trọng khác.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận và cho ý kiến đối với 15 dự án luật khác, trong đó phần lớn là hệ thống pháp luật liên quan đến công tác tư pháp như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam…
Trong công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.”
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội cũng sẽ xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII và Báo cáo về kết quả tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bố trí 9 buổi phát thanh-truyền hình trực tiếp. Ngoài phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp, các buổi thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, 2015 và các phiên chất vấn, trả lời chất vấn cũng sẽ được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để cử tri thuận tiện theo dõi.
Liên quan đến vụ việc của bà Châu Thị Thu Nga, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm của bà Nga. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện đúng quy trình của pháp luật; trình Quốc hội xem xét việc bãi miễn tư cách đại biểu đối với bà Châu Thị Thu Nga.
Đối với chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông Phúc khẳng định Trung ương đã có chủ trương đầu tư dự án này. Song việc Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp này là nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế tổng thể của dự án này một cách chi tiết với tất cả các phương án, hạng mục đầu tư.
TTXVN/VIETNAM+