Chính trị - Xã hội
20 năm song hành cùng "Mỗi tuần một chuyện"
Bàn tay run rẩy, giọng nói có phần đứt quãng, nhưng phát thanh viên Minh Luận của “Mỗi tuần một chuyện” trên Đài Phát thanh Đà Nẵng năm nào vẫn còn khá minh mẫn khi nhắc lại chuyện nghề…
Phát thanh viên Minh Luận vui mừng vì vừa nhận được album chụp hôm kỷ niệm thành lập Đài Phát thanh Đà Nẵng. |
Người bên kia…
Là người cùng bà Nguyễn Thị Anh Trang đọc chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng vào ngày 31-3-1975, công bố cho đồng bào cả nước và bạn bè thế giới biết tình hình Đà Nẵng - căn cứ quân sự lớn nhất của địch ở miền Trung - đã được giải phóng, nhưng ông Nguyễn Minh Luận lại ở vị thế khác: phát thanh viên của đài chế độ cũ.
Nhớ lại giây phút đó, phát thanh viên Minh Luận - nay đã là ông già 84 tuổi không giấu được xúc động: “Nói không có tư tưởng sợ sệt, bất an, âu lo là mình nói dối. Sợ chứ! Lo âu chứ! Các đài Phú Yên, Nha Trang, Quy Nhơn, người ta bỏ chạy hết. Nhưng suy đi tính lại, tất cả anh em trong đài (28 người) ở lại và chờ đợi... Buổi tiếp quản diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Lực lượng tiếp quản đài thực hiện tốt công tác hòa giải dân tộc, giúp chúng tôi nhìn nhận rõ vấn đề. Lúc đó, mới biết mình được sống, sung sướng, vui mừng hết sức”.
Phát thanh viên Minh Luận cũng thừa nhận dù cảm xúc đang bị xáo trộn nhưng khi đọc lời xướng: “Đây là Đài Phát thanh Đà Nẵng, tiếng nói của Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng”, chùm tin, bài liên quan đến ngày giải phóng, cảm giác bất an tan biến; thay vào đó, ông đọc dõng dạc, tự hào.
“Đó là cảm xúc thường tình vì dù sao tôi cũng là người Việt và tôi cảm thấy may mắn là người phát thanh viên của chế độ cũ được đọc buổi phát thanh đánh dấu sự kiện lịch sử của Đà Nẵng, nên cố gắng làm hết sức mình”, ông Luận chia sẻ.
Theo ông Luận, nhiều người chọn nghề nhưng cũng nhiều người được nghề chọn. Minh Luận rơi vào trường hợp thứ hai. Nghề phát thanh viên đến với ông cũng bởi sự tình cờ. Cuộc sống đã đẩy đưa chàng trai phố Hội vào học, rồi làm việc với vai trò người đánh máy chữ tại Nhà đèn ở Chợ Quán, Sài Gòn (nay là quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Vốn có tài diễn xuất, Minh Luận được biết đến sau vài vở kịch tại đơn vị. Năm 1956, ông trở thành diễn viên hài kịch. Rồi sau đó, ông được mời về làm phát thanh viên tại Phú Yên, Huế và Đài Phát thanh phát sóng An Hải tại Nại Hiên Đông (Đà Nẵng) trở thành nơi dừng chân của Minh Luận vào năm 1971.
Phát thanh viên Minh Luận xúc động khi gặp lại những đồng nghiệp xưa. |
Cầm trịch “Mỗi tuần một chuyện”
Sau khi được giữ lại Đài, Minh Luận tiếp tục cống hiến cho nghề. Dấu ấn của ông trong lòng khán giả lúc đó là chuyên mục “Mỗi tuần một chuyện”. Đây là chuyên mục đột phá của Đài, ra đời năm 1978, được nhiều người nghe nhất và sống lâu nhất (20 năm).
Theo hồi ức của ông Luận, ngày đó, truyền hình mới phôi thai, thời lượng phát sóng ít, nên không nhiều người quan tâm. Trong khi đó, đài phát thanh phát sóng với công suất 50 kW, tần số 70Hz, cả nước đều nghe, kể cả kiều bào sinh sống ở nước ngoài. Đặc biệt, chuyên mục “Mỗi tuần một chuyện” phát trưa thứ bảy và phát lại sáng chủ nhật thu hút đông đảo thính giả nghe đài. Thế là mỗi trưa thứ bảy, người ta kéo đến dưới loa truyền thanh, hoặc ngồi tụm lại dưới bóng cây để nghe những câu chuyện phê phán về tham nhũng, thói hư tật xấu..., qua giọng đọc của phát thanh viên Minh Luận.
“Hồi đó, hai điều đáng sợ nhất là lên cột điện (lên loa phát thanh), thứ hai là đi tù. Thế mới thấy tác động của “Mỗi tuần một chuyện” lớn như thế nào. Để truyền tải được nội dung của người viết, phát thanh viên phải có tài diễn. Diễn đã khó mà độc diễn càng khó hơn. Nói sao cho thính giả thích là chuyện không dễ, có khi phát thanh viên phải đóng nhiều nhân vật trong câu chuyện từ ông già, bà già đến thanh niên, trẻ nhỏ; từ giọng Huế, Phú Yên, Quảng Nam đến cả giọng Nam, giọng Bắc...”, ông Minh Luận chia sẻ.
Hạnh phúc của ông là mỗi ngày khán giả gửi thư về Đài chúc mừng, cảm ơn chương trình, cảm ơn Minh Luận. Các đài bạn như Bình Định, Phú Yên mong muốn làm một chuyên mục tương tự nhưng không thực hiện được vì phê phán kiểu đó chỉ có giọng Quảng mới đúng chất. Tuy nhiên, đến năm 1997 - Đà Nẵng và Quảng Nam chia tách, vì nhiều lý do chuyên mục “Mỗi tuần một chuyện” không còn nữa. Và từ đó người ta cũng không còn nghe giọng nói quen thuộc của Minh Luận ngày nào.
Bây giờ ở tuổi xế chiều - cái tuổi người ta thường sống bằng hoài niệm. Và Minh Luận cũng thế, ông kể say sưa về nghề rồi lục lọi tìm kiếm kỷ niệm. Nhưng ông chẳng còn kỷ vật nào về ngày ấy ngoài ký ức và tấm chân tình còn sót lại của vài người anh em cộng sự trong nghề, thỉnh thoảng tới chở ông đi dạo, kể cho ông nghe chuyện nghề cho ông đỡ nhớ...
NGỌC HÀ