Chính trị - Xã hội

Chút hồn quê trong ẩm thực Phan Khôi

15:24, 19/06/2015 (GMT+7)

Xưa nay, từng bao cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, thậm chí trong các cuộc “trà dư tửu hậu” luận bàn về cụ Phan Khôi, người ta thường nói đến ông - một nhà báo, nhà văn, một học giả từng sáng danh ngự sử văn đàn.

2 trong số nhiều tờ báo mà Phan Khôi tham gia.
2 trong số nhiều tờ báo mà Phan Khôi tham gia.

Một Phan Khôi ký giả mòn đường làm báo chí dọc ngang ba miền Nam - Trung - Bắc. Một Phan Khôi “nổ phát súng lệnh” Thơ Mới đầu tiên… Dường như ít thấy, hoặc có thể là chưa bao giờ nghe người ta nói đến chuyện ẩm thực Phan Khôi. Nói một cách khác, trong nhiều “môn đồ” của “tôn giáo” ẩm thực, ngoài các tiền bối vang danh thiên hạ như thi sĩ Tản Đà, hay nhà văn Nguyễn Tuân, nếu có dông dài kể ra cho lắm thì còn có những: Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài, chứ bàn đến chuyện ẩm thực Phan Khôi thì quả là chuyện lạ, chuyện tôi chưa từng nghe ai nói đến bao giờ.

Lẽ nào bước chân lãng du cùng Nam đến cuối Bắc như cụ Chương Dân (bút danh của Phan Khôi) chưa từng bao giờ ghé qua thưởng thức bao “món lạ miền Nam”, hoặc những “món ngon miền Bắc” như Vũ Bằng về sau viết thành sách. Lẽ nào bao món ăn đã trở thành văn chương nghệ thuật qua tài hoa Nguyễn Tuân mô tả chưa đủ sức cám dỗ cụ Phan. Và nhất là từng bao cuộc chung chiếu rượu với thi sĩ Tản Đà, thực chứng cái cung cách chế biến thức ăn cầu kỳ của thi sĩ “gánh thơ lên bán chợ trời”, mà như cụ Phan Khôi tả: “Ông (Tản Đà) đem hỏa lò để ở bàn mà tự làm món ăn, có khi mãn một tiệc ăn, người nhà phải thay than trong hỏa lò đến năm sáu bận…” (Tạp chí Tao Đàn, số 9-10, 16 Juillet 1939).

Mà nào phải một cuộc chóng vánh gì đâu, kể từ khi cụ Phan Khôi viết cho Tạp chí Nam Phong ở Hà Nội cho đến ngày ông cho ra đời cuốn “Nam âm thi thoại” thì cái duyên giữa cụ Chương Dân và thi sĩ Tản Đà đã bén rồi. Bén là vì bởi, uống nhiều mà không say, cả hai lại sính thơ nên cứ thế hết cuộc này qua cuộc khác. “Lần thứ nhất tôi uống với Tản Đà tại một quán ở hàng chả cá. Từ chín giờ sáng đến một giờ chiều, nói hết chuyện này sang chuyện khác, uống hết chai này sang chai khác, rồi hai chúng tôi thấy tâm đầu ý hiệp lắm, dần dần trở nên đôi bạn thiết” (sdd).

Thi sĩ Tản Đà đúc kết kinh nghiệm thành bốn tiêu chí cho một bữa ăn ngon: Một là thức ăn ngon, hai là chỗ ngồi ăn ngon, ba là bạn ăn ngon, và cuối cùng là thời giờ ăn cũng ngon. Kế tiếp thi sĩ Tản Đà là nhà văn Nguyễn Tuân, mà theo nhà văn Tô Hoài lúc sinh thời kể lại: “Ông Tuân mê lối sống ngông của ông Tản Đà…, Nguyễn Tuân học theo, dần dần nổi tiếng hơn cả thầy”. Đúng là nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng thật, ông cũng cầu kỳ từng món theo cung cách của mình. Nhưng vượt lên trên hết cái sự ăn, có lẽ nhờ Nguyễn Tuân đã nâng món ăn mình thích thú lên thành văn chương, xem việc ẩm thực là “đỉnh cao của một dạng văn hóa dân tộc”.

Phan Khôi không giống Tản Đà ở cái kiểu mà cụ cho là: “Cái lối đánh chén của ông Hiếu kề cà, mất thì giờ lắm, tôi không chịu nổi, nên ít khi tôi ngồi trọn bữa với ông”. Phan Khôi cũng không nâng món ăn thành văn chương như Nguyễn Tuân.

Nhưng có lẽ thế này, cái sự ăn ngon đúng nghĩa với cụ Phan nó còn là tình tự hòa tan nuôi dưỡng từng giọt huyết thanh, nó nồng nàn hơi hướng nương dâu ruộng lúa, nó ấm áp hơi thở tình biển nghĩa sông, nó mặn mòi Hạt muối mặn ba năm còn mặn/ Lát gừng cay chín tháng còn cay… Khổ thay, tất cả những thứ đó chỉ một góc trời quê Quảng Nam của ông mới có. Bản lĩnh như Phan Khôi, văn hóa tầm ở ông, tiếp nhận tư tưởng phương Tây phương Đông như ông, có ai ngờ tâm hồn ấy cũng mềm nỗi hoài cảm mang Tình nặng nhớ nhung, thơ vụng tả (Nhớ nhà 1 - thơ Phan Khôi). Thế nên một chén cá bống kho tiêu, một đĩa thịt vịt chấm nước mắm gừng, dăm lát thịt heo kẹp với chuối chát… Tất thảy từ bàn tay chế biến của vợ, của con làm ra, chính những lúc như thế cụ Phan ngồi ăn sung sướng như nuốt từng niềm hạnh phúc!

Tôi đọc được điều này là từ tập truyện ký của nhà văn Phan An Sa – người con trai út của ông.

Cái chi tiết làm tôi xúc động nhất lại thuộc về… ẩm thực. Đấy là cái món trưởi mà người Quảng Nam thường chỉ làm ra để ăn vào dịp Tết. Phan An Sa kể: Vào những năm tháng cuối đời, cụ Phan về ở trong một căn phòng nhỏ của căn nhà số 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội. Sau một thời gian bệnh nặng, rồi nằm liệt giường mê man thiếp đi, sự sống chỉ từng khoảnh khắc. Bỗng buổi trưa cụ Phan mở mắt bừng tỉnh, rồi nói với bà Huệ - vợ ông: “Dì hắn này, tự nhiên tôi thèm ăn một gói trưởi”.

Bà Huệ thấy ông tỉnh dậy, lại đòi ăn trưởi. Bà mừng không kể xiết, vội chạy đi sắm nguyên liệu: thịt đầu heo, gia vị, riềng, tỏi, lá dung để gói. Làm xong, bà mở một gói mời ông ăn, nhưng ông bảo: Để ba ngày lên men chua mới ăn ngon, bà Huệ nghe lời ông, treo xâu trưởi lên tấm vách sát chỗ ông nằm. Có lẽ bà thừa hiểu, bệnh tình thập tử nhất sinh như ông, mớm cho thìa cháo loãng còn không ăn nổi, huống là trưởi.

Vậy rồi xâu trưởi treo trên vách không chỉ là ba ngày hay bốn ngày, mà là mãi mãi. Bởi cụ Phan sau lần bừng tỉnh ấy lại thiếp đi mê man, rồi đi luôn một mạch vào cõi vĩnh hằng. Ôi chao, cái lúc hấp hối, có thể nào món ăn thơm thảo quê xứ lóe lên từ vô thức mời gọi rủ rê cụ, nếu thế, hỏi trên đời được bao người sành ẩm thực như cụ Chương Dân - Phan Khôi!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

.