Chính trị - Xã hội

Như cây tự quên mình trong quả

08:05, 20/06/2015 (GMT+7)

Mới nghe qua, cứ nghĩ công việc trình bày ở tòa soạn diễn ra theo một trình tự sắp sẵn và đơn điệu. Nhưng mỗi ngày, để có một số báo bắt mắt, không sai sót là cả một không khí làm việc đầy sôi động và nỗ lực miệt mài…

Tập thể Tòa soạn tại CLB Báo chí thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VĂN NỞ
Tập thể Tòa soạn tại CLB Báo chí thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VĂN NỞ

Vẻ đẹp thôn nữ

Về công tác tại Phòng Tòa soạn Báo Đà Nẵng từ những năm 90, anh Trần Quốc Trung, Phó phòng Tòa soạn, chưa bao giờ hối tiếc về quyết định gắn bó với công việc dàn trang ngày nào của mình. Ban đầu, anh chỉ muốn làm việc gì đó trong tòa soạn một thời gian, rồi vừa làm vừa học để trở thành phóng viên. Nhưng lúc bấy giờ, ở tòa soạn có họa sĩ Hoàng Tự xin nghỉ, thiếu người trình bày. Nhà báo Hoàng Trà, lúc đó là Tổng Biên tập đã động viên anh đảm nhận việc này. Anh nhận lời, và vẫn trong ý nghĩ “tạm thời”. Thời gian qua mau, công việc cứ cuốn anh theo, với niềm say mê đến lúc nào chẳng rõ. Anh trở thành người gắn bó với tòa soạn cho đến hôm nay.

Thời điểm đó, báo mang tên Quảng Nam-Đà Nẵng. Khâu trình bày báo vẫn còn rất thô sơ. Cả phòng Tòa soạn quân số đếm trên đầu ngón tay. Thư ký Tòa soạn: anh Trương Ngọc Phương, trình bày: Trần Quốc Trung, Nguyễn Tấn (nay làm việc tại Báo Quảng Nam), đánh máy: Nguyễn Khoa Diệu Mỹ, Huỳnh Thị Hoa và Phạm Thị Ngọc Duyên.

Mỗi ngày như mọi ngày, công việc của bộ phận trình bày diễn ra như theo một trình tự sắp sẵn, tưởng như đơn điệu và tẻ nhạt: Buổi sáng làm hai trang ruột gồm những bài “nguội”, để đầu giờ triển khai sắp chữ (giai đoạn này đơn vị in báo Quảng Nam-Đà Nẵng, công nghệ còn lạc hậu, vẫn còn sắp chữ chì); buổi chiều, làm trang nhất và trang cuối, gồm tin bài chính, thời sự để cuối giờ giao nhà in. Buổi tối khoảng 19 giờ trở đi, người trình bày lại qua nhà in kiểm tra tiến độ, xử lý các lỗi bài vở, kỹ thuật,… sau đó ký bản bông để nhà in thực hiện công đoạn in. Nhưng mỗi ngày, để có một số báo bắt mắt, không sai sót là cả một không khí làm việc đầy sôi động và nỗ lực miệt mài của bộ phận trình bày.

Công việc trình bày của nhiều năm trước được thực hiện thủ công trên tờ giấy khổ A2, giấy rô-ki. Người trình bày theo sự phân bổ bài, tin, ảnh tính toán phù hợp. Các chữ chì được đúc theo kích cỡ nhất định, không phóng to, thu nhỏ như bây giờ. Thừa chữ thì phải biên tập cắt bớt cho phù hợp, còn thiếu chữ thì ngược lại, phải bổ sung thêm. Dường như tính cẩn thận, tỉ mỉ, biết phán đoán, sắp đặt tin bài theo vị trí đã định của trang báo theo tính chính trị, thời sự, yêu cầu của Ban Biên tập là chưa đủ đối với người trình bày. Hơn hết, họ phải biết hòa mình vào bài viết, cùng cảm, cùng nghĩ để đem đến cho bạn đọc một sự tiếp nhận sinh động nhất.

Anh Trần Quốc Trung tâm sự, trong đời, những số báo trình bày đẹp, thì có thể không nhớ được, nhưng những sai sót mình gặp phải nó luôn lởn vởn trong đầu suốt một thời gian dài, thậm chí suốt cả đời. Một kỷ niệm không thể nào quên, đó là năm 1993, báo Quảng Nam-Đà Nẵng ra đặc san Xuân định kỳ. Ở trang văn hóa-văn nghệ có đưa vào một bản nhạc. Lúc ấy, việc kẻ nhạc phải làm thủ công, nên nếu không biết nhạc lý phải nhờ nhạc sĩ kẻ nhạc. Việc này khó như “mò kim đáy biển”, không biết làm sao, anh “đánh quả liều” tìm giấy đề-can, bút xạ, tiến hành kẻ nhạc theo diện tích maket đã định sẵn. Công việc tiến triển tốt, báo in ra đẹp, bản nhạc mềm mại, nhìn bắt mắt. Nhưng mấy ngày sau, tại buổi họp cộng tác viên, nhạc sĩ Văn Thu Bích “thủ thỉ” với anh Vũ Thành Lê, lúc đó là Phó Tổng biên tập rằng, bản nhạc này ai kẻ sai hết, ca sĩ nào thể hiện hiểu… “chết liền” vì các dòng nhạc xuống hàng một cách tùy tiện, không đúng theo quy định nhạc lý. “Sếp gọi tôi lên hỏi là ai kẻ nhạc, toát mồ hôi tôi trả lời… em! Sếp nhỏ nhẹ, lần sau không làm vậy nhé, mà nhờ mấy anh nhạc sĩ hoặc nhờ người biết nhạc lý…” – anh nhớ lại.

Đến năm 1994, sau khi đồng chí Ngô Quy Nhơn về làm Tổng Biên tập 2 năm, đã quyết định thay đổi công việc sắp chữ chì tại nhà in, bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Giai đoạn này, việc trình bày vẫn như cũ. Nhà in phải bỏ công nghệ sắp chữ chì (in typo). Tờ báo có khởi sắc hơn do có nhiều kiểu chữ (font) lạ, đẹp so với chữ chì. Việc trình bày không cần độ chính xác cao về số chữ như trước vì vi tính có thể co, dãn cỡ chữ, thu phóng hình ảnh theo ý muốn.

Sau khi chia tách tỉnh, năm 1997, khâu CNTT của nhà in được đưa về tòa soạn, từ đây công đoạn trình bày, dàn trang đều thực hiện ở báo. Nhưng maket vẫn làm trên giấy. Những kỹ thuật viên vi tính như anh Nguyễn Văn Hóa, Võ Văn Thành (đã mất), Huỳnh Văn Vinh phụ trách dàn trang chia trang báo ra từng phần nhỏ để làm. Khi ghép lại thành trang, đôi khi không đồng bộ, không theo ý tưởng của người trình bày về font, cỡ chữ… nghĩa là, áp dụng công nghệ, nhưng chưa bỏ thủ công. Người biết trình bày thì chưa thạo vi tính, người thạo vi tính thì không biết trình bày! Do vậy, hình thức tờ báo vẫn mang vẻ đẹp… thôn nữ. Nhiều số làm ra “không giống ai”!

Thời gian này, Báo Đà Nẵng (tên gọi mới từ năm 1997) nhận thêm họa sĩ Lê Gia Thụy về trình bày. Anh Thụy trình bày các trang trong và trang cuối; anh Quốc Trung đảm nhận trang nhất và phụ thêm trang trong, kể cả báo ngày và báo Cuối tuần. Chỉ có điều, anh Lê Gia Thụy sớm “bỏ cuộc chơi”, chuyển qua làm phóng viên, lại một mình  anh Quốc Trung “lầm lũi”. Năm 2006, đội ngũ trình bày được bổ sung, anh Quốc Trung xem như đã “hoàn thành sứ mạng cao cả”, trở thành người đi trước, “trao quyền” vào tay lớp trẻ.

Họa sĩ Lê Gia Thụy (phải) và anh Quốc Trung trong một lần hội ý trang bìa cho một ấn phẩm của báo.
Họa sĩ Lê Gia Thụy (phải) và anh Quốc Trung trong một lần hội ý trang bìa cho một ấn phẩm của báo.

Vượt qua buổi giao thời

Góp phần không nhỏ vào thành công của buổi giao thời là đội ngũ họa sĩ trình bày trẻ. Dù công việc đã có máy móc hỗ trợ, nhưng chỉ cần một chút lơ đãng bấm nhầm một phím là có thể gây mất chữ, mất dòng rất khó kiểm soát. Người trình bày phải liên tục nghiên cứu, cập nhật những font chữ mới, cách trình bày hiện đại phù hợp với xu hướng mới nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu khắt khe trong báo chí.

Chị Lê Thị Thanh Huyền tâm sự, mỗi khi bắt tay vào trình bày một số báo, việc đầu tiên của chị là tham khảo một số trang báo đẹp có nội dung tương tự được đánh giá cao, xem lại các số báo trước mình đã làm và rút ra những chỗ thiếu sót. Thời gian đầu mới vào làm việc, dù mỗi trang báo, tôi đã gửi gắm vào đó rất nhiều tâm ý. Nhưng số báo nào cũng “bị” đem so sánh với những số báo của người đi trước. Có lúc, không tránh khỏi cảm giác hoang mang, thất vọng. Chỉ cần tự ái, đặt cái “tôi” lên cao sẽ rất dễ nản lòng và không thể theo đuổi công việc này.

Hiện nay, Báo Đà Nẵng ra 6 số/tuần, kể cả báo cuối tuần từ 12 trang tăng lên 16 trang, nên khối lượng công việc của người trình bày rất lớn. Để phục vụ cho báo xuất bản đúng kỳ, những anh chị em trình bày phải làm việc không kể thời gian, nhất là các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị hay các ấn phẩm đặc biệt.

Anh Bùi Anh Chung kể, 7 năm gắn bó với công việc trình bày ở Báo Đà Nẵng, nhớ nhất là đặc san Xuân Ất Mùi vừa qua. Chưa có lúc nào anh lại đầu tư cho một ấn phẩm mất nhiều thời gian như vậy. Ban ngày ở cơ quan làm qua trưa, tối 2, 3 giờ sáng mới về nhà, trong suốt gần một tháng như vậy. Đến khi báo in xong từ Sài Gòn chuyển về, anh là một trong những người đầu tiên cầm tờ báo còn thơm mùi mực. Nhìn lướt qua, cảm giác xốn xang rất khó tả, cộng thêm những đồng nghiệp thân thiết cũng khen nức nở. Đặc biệt, Tổng Biên tập Mai Đức Lộc cũng đang xem chăm chú tỏ vẻ hài lòng. Lúc ấy, anh mới cảm thấy bao nhiêu công sức bỏ ra thật có ý nghĩa. Không biết sau này, những ấn phẩm mình làm tiếp theo có được như vậy không nữa. Đây là một câu hỏi không dễ trả lời.

Với báo mạng, mỗi khi sai sót có thể gỡ bỏ rồi đăng lại, nhưng với báo in, sai một từ là người trình bày chỉ biết “ôm đầu chịu trận”. Cũng như anh Quốc Trung, anh Bùi Anh Chung nhắc đến một lần sai nhớ đời. Trong phiên trực số báo Tết dương lịch năm 2010, trang Kinh tế có bài “Kỳ vọng lớn 2010”. Ban ngày, việc làm trang đã xong, kiểm tra đã kỹ. Nhưng tối đến, ban biên tập sửa lại thành “Kỳ vọng 2010” (bỏ chữ lớn). Bài vở quá nhiều, cộng thêm lỗi cần phải chỉnh sửa khá lớn, loay hoay thế nào, anh lại cho ra “sản phẩm” “Kỳ vọng 2009” (?!). “Sáng ngày mai, tôi không biết chui đầu vào đâu. Đó là chuyện buồn và không may nhất trong quá trình dàn trang gần 10 năm qua”, anh Chung nhớ lại.

So với nhiều năm trước, việc trình bày nay đã khác xưa. Đôi lúc tưởng chừng như nhẹ nhàng hơn, nhưng thực ra, chỉ cần bước chân vào tòa soạn mỗi chiều, mỗi tối, thì sẽ thấy, người trình bày luôn miệt mài với bao hối thúc. Có lẽ vậy, mà nhiều người hay ví người trình bày với công việc của bếp núc, phải thổi hồn vào từng “món ăn”, thật cẩn thận, chăm chút, bày biện tinh tế đến từng chi tiết. Người trình bày muôn đời vẫn thế, nói như chị Thanh Huyền “luôn luôn nhớ việc thiết kế trang là để độc giả chú ý vào nội dung, cố gắng hết mình để  góp phần làm tác phẩm của phóng viên thêm phần giá trị”. Nghe một người trẻ như chị nói, chợt nhớ họ-những người trình bày - có chút nào đó hao hao giống một câu thơ của Ý Nhi như cây tự quên mình trong quả…

Quỳnh Trang

.